Chuyện xóa mù chữ, thoát nghèo ở một vùng quê

12/10/2015 - 06:51

PNO - Nhờ học tập, nhiều phụ nữ nông thôn miền Tây Nam bộ có thể cập nhật kiến thức, kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi... tự tin trong cuộc sống.

"Bà hội đồng"

Đến ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, hỏi chị Lê Thị Đi, ai cũng gật đầu: “Bà Hội đồng nhân dân đó”. Tên sao người vậy, chị Đi... đi suốt, phần lớn thời gian chị dành để gặp gỡ chị em, rồi đi họp, đi học… Chị là “ngôi sao” ở ấp này.

Cách đây 10 năm, gia đình chị thuộc hộ nghèo, ai thuê gì làm nấy. Khi dự án phát triển cộng đồng của tổ chức Action Aid Việt Nam (AAV) về Cầu Ngang, chị tìm đến lớp xóa mù, kiên trì đánh vần, ráp chữ.

Cái khó không phải là chuyện nhớ mặt chữ, mà là vượt qua định kiến “già rồi, học sao nổi, học cũng có được gì đâu, để thời gian đi mần kiếm tiền”. Học viên ban đầu đến lớp đếm đến 10 người, nhưng có người chán học, bỏ buổi, có người nghỉ luôn, chị Đi vẫn siêng năng bám lớp.

Một năm sau, chị Đi đọc, viết ngang với trình độ lớp 5. Nhờ tham gia lớp xóa mù chữ, chị biết tính toán, đọc tài liệu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, và mạnh dạn vay vốn nuôi tôm, trồng cỏ nuôi bò.

Chị tự tin “lấy mình ra làm ví dụ” để vận động các chị em khác tham gia lớp xóa mù với tâm niệm: “Mình đã được giúp đỡ, mình phải giúp người khác”. Chị đến từng nhà, ra tận nơi chị em làm việc để trò chuyện, ai hỏi gì chị trả lời gọn hơ, rõ ràng. Nhờ khả năng thuyết phục và tấm lòng của chị mà cả ấp Cái Già được xóa mù hoàn toàn.

Một năm sau, chị Đi được kết nạp Đảng, nhận chức chủ nhiệm Câu lạc bộ phát triển cộng đồng, được mọi người “chọn mặt gửi... tiền”, giao chị quản lý nguồn vốn dự án 210 triệu, quỹ xóa đói giảm nghèo 600 triệu.

Không phải cứ giao tiền cho các hộ nghèo là xong, mà phải trao cả kiến thức. Nghĩ vậy, chị Đi tham gia nhiều chương trình tập huấn, rồi trở thành “giảng viên” các lớp phòng chống bạo hành gia đình, phòng chống HIV… Chị còn triển khai mô hình nuôi heo, bò, giúp 13 hộ trong ấp thoát nghèo.

Chị chia sẻ kinh nghiệm: “Đừng nên sợ thất bại. Có năm cùng trồng rau cần, sáu hộ tham gia, hàng không bán được. Tui động viên mọi người đừng nản chí. Họ đề nghị dự án “khoanh lại vốn cũ”, cho vay vốn mới để chăn nuôi. Nhờ thế, bà con trả được nợ, lại có thêm tiền dành dụm".

Năm 2011, chị trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Công việc của chị là nắm bắt sâu sát thông tin, yêu cầu từ người dân. Chị tâm sự: “Bây giờ, vào họp, dân nói nhiều, thuyết phục lắm.

Họ có kiến thức, điều kiện sống tương đối khá… tiếng nói cũng mạnh mẽ, tự tin hơn. Họ đề xuất xây chợ, làm trường mầm non, vệ sinh kênh rạch… phần lớn đều được đáp ứng. Mọi người cảm thấy thoải mái nên nhiệt tình ủng hộ các hoạt động của địa phương”.

Chị nói: “Nhiều người hỏi tui, đi nhiều, ông xã có phiền hà không. Tui nói, hồi tui ở nhà, không biết chữ, không biết làm ăn, cứ than thở, ổng mới phiền. Ổng thương vợ vất vả, mừng vì vợ làm chuyện có ích cho nhiều người.

Vợ chồng sống hòa thuận nên tui mới mạnh miệng tư vấn cho mấy cặp lục đục, khuyên ông chồng bớt nhậu, khuyên bà vợ nói ít, nói ngọt, biết cách ứng xử trong gia đình. Tui hay nói với mấy chị em rằng, phụ nữ hiền hậu, dịu dàng, nhưng phải hiểu biết, tự trọng thì đàn ông mới nể, mới thương”.

Chuyen xoa mu chu, thoat ngheo o mot vung que
Chị Lê Thị Đi đang cùng nhóm xây dựng kế hoạch của CLB phát triển cộng đồng

"Nghệ sĩ" nông dân

Tại ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, chị Phan Thị Cẩm Giang là người “chuyện gì cũng rành”: nuôi cá, tôm, bò, trồng cỏ, đan lát, thợ may…

Nhà chị có 11 anh chị em, chị chỉ học được đến lớp 3, rồi nghỉ phụ mẹ nuôi em. Cực khổ nên chữ nghĩa “rơi rụng” nhiều. Khi có lớp xóa mù chữ, chị đi học ngay.

Được hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chị mạnh dạn bàn với chồng đào ao nuôi tôm, cá, vay mua bò cái giống. Sau nhiều năm, chị gầy dựng được sáu con bò cái giống. Việc nuôi tôm cá cũng tương đối hiệu quả, cùng với các vụ lúa thu hoạch trúng mùa, được giá, gia đình chị thoát nghèo, chuyển thành hộ khá.

Nhiều người dân trong xã là “fan” của chị Giang “nghệ sĩ”. Các cuộc họp, các lớp học xóa mù, các buổi tập huấn về phòng chống HIV/AIDS, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, biến đổi khí hậu… không thể thiếu giọng ca mượt mà của chị.

Chị còn viết kịch bản cải lương, kịch nói, viết lời cho bài vọng cổ… chuyển tải những nội dung cần được truyền thông, chia sẻ trong cộng đồng. Chùm "tác phẩm" của chị được ngành văn hóathông tin địa phương duyệt, rồi biểu diễn trong ấp, sau đó đến các ấp khác, rồi đến các xã thuộc dự án và sau này dưới sự tổ chức của Hộ i LHPN huyện.

Chuyen xoa mu chu, thoat ngheo o mot vung que

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI