Tôi bỏ nghề, nhẹ lòng mà tim nặng trĩu

30/11/2017 - 15:42

PNO - Sau nhiều vụ bảo mẫu đánh đập trẻ mầm non được báo chí đưa tin rầm rộ, phụ huynh bắt đầu soi kỹ từng vết đỏ khác thường xuất hiện trên da trẻ.

Lời tòa soạn: Khi bước chân vào cái nghiệp nuôi dạy trẻ, T.H. (23 tuổi, TP.HCM) - một giáo viên mầm non mới ra trường ngỡ ngàng nhận ra những gì mình được đào tạo từ môi trường sư phạm, khi áp dụng vào thực tế, hoàn toàn trái ngược. Những vỡ lẽ kinh hoàng xảy ra liên tiếp, làm dày thêm những bất mãn, xót xa, day dứt. Mọi thứ chỉ thực sự kết thúc khi cô giáo trẻ này can đảm bỏ nghề...

Toi bo nghe, nhe long ma tim nang triu
 


Tôi đã có thời gian thực tập ở bốn ngôi trường mầm non chuẩn quốc gia khi theo học Đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành mầm non hệ chính quy, tôi về đầu quân tại một trong số bốn trường đã từng thực tập. Tuy vậy, mọi hăm hở được theo nghề bằng lòng tận tụy và nhiệt huyết đã nhanh chóng bị thay thế bằng những ngỡ ngàng sửng sốt.

Tôi cùng một giáo viên khác được phân công phụ trách lớp Lá Một (dành cho trẻ 5 - 6 tuổi). Nhìn sĩ số lớp 59 em, tôi hơi bất ngờ khi nhớ lại Điều lệ trường mầm non (năm 2008, áp dụng cho đến nay) mà mình đã từng nằm lòng ở trường đại học. Theo đó, chuẩn sĩ số lớp mẫu giáo (3 - 6 tuổi) lần lượt được quy định như sau: "Lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: 25 trẻ; lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi: 30 trẻ; lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi: 35 trẻ”. Con số 59 trẻ/lớp là sai chuẩn, nhưng giữa bối cảnh lớp khác cũng đều có sĩ số tương tự, nhiều cái sai được lặp đi lặp lại bỗng hóa... cái bình thường.   

Thực ra điều này cũng bình thường, nếu số lượng trẻ tương thích với diện tích lớp học, thì mật độ trung bình là chấp nhận được. Nhưng thực tế không như thế. Trong một diện tích 80 mét vuông chứa 59 em, thì trung bình mỗi em chỉ sinh hoạt gói ghém trong khoảng 1,3 mét vuông. Đối chiếu với quy định tại điều 28 (Điều lệ trường mầm non - năm 2008), thì một lần nữa nhà trường lại sai quy chuẩn. Theo đó, phòng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em cần đảm bảo diện tích như sau: phòng sinh hoạt chung từ 1,5 - 1,8 mét vuông/trẻ, phòng ngủ từ 1,2 - 1,5 mét vuông/trẻ, phòng vệ sinh từ 0,4 - 0,6 mét vuông/trẻ, hiên chơi từ 0,5 - 0,7 mét vuông/trẻ.

Nhưng dẫu sao, điều này vẫn còn khả dĩ nếu cô giáo có những giải pháp như chia nhóm nhỏ sinh hoạt, học tập, vui chơi... Sự tồi tệ lại nằm ở những buổi trao đổi phương pháp giảng dạy với các đồng nghiệp lâu năm, ở đó, tôi được các “tiền bối” dày dạn kinh nghiệm  “khai sáng” nhiều chiêu "thiết quân luật" đưa trẻ vào nền nếp khá... kịch tính.

Sau nhiều vụ bảo mẫu đánh đập trẻ mầm non được báo chí đưa tin rầm rộ, phụ huynh bắt đầu soi kỹ từng vết đỏ khác thường xuất hiện trên da trẻ. Các bé ở độ tuổi mẫu giáo lớn đã nhận thức về đòn roi, nên có thể kể tội bạo hành (nếu có) của cô giáo để bố mẹ kịp can thiệp. Đối phó việc này, một chị giáo viên lớn tuổi chỉ tôi cách xử lý những đứa trẻ không ngoan, rằng cứ đánh mạnh vào bàn tay nó, rồi bảo: “Cô thưởng cho con một bông hoa vào tay này”.

Nếu có kể lại với bố mẹ, trẻ cũng chỉ nói hôm nay cô thưởng cho con một bông hoa (chứ nào phải đòn roi). Một chiêu khác tàn nhẫn không kém, đó là chúng ta tuyệt đối không được đánh trẻ ở các vị trí dễ phát hiện. Cứ gan bàn chân nó mà quật cho đau vào. Thánh soi cũng chẳng tới chỗ tận cùng ấy đâu. Tôi lắc đầu. Em chịu thôi, em không làm được, gan bàn chân tập trung bao nhiêu dây thần kinh và huyệt đạo của con người ta, quất vào đó rủi có chuyện gì mình ân hận không kịp.

Giờ ăn mới là thời điểm kinh hoàng nhất trong ngày, đặc biệt là với những trẻ có thói quen ăn chậm. Trong lúc các bạn đều đã xong bữa, thì các em ăn chậm sẽ bị cô chiếu cố cầm tô đứng cạnh xúc cho bằng hết giữa tiếng trêu chọc của các bạn ăn nhanh. Đứa trẻ vừa ấm ức cố nhét thức ăn vào mồm, vừa nước mắt quyện với nước mũi rơi lã chã xuống bát cơm đã vữa. Thấy tội, tôi bảo thôi con không muốn ăn nữa thì cô không ép, rồi mang bát cất đi, mặc kệ những cái bĩu môi liếc háy vì cái tội "không thống nhất quan điểm giáo dục". Tôi thương đứa nhỏ tủi thân vì bị cô lập kia hơn. 

Nhớ lần báo chí phanh phui vụ trường mầm non "ăn bớt khẩu phần của các cháu", thế là trường tôi ra chỉ thị chia đủ chia đều thức ăn cho các em. Trẻ con ăn theo nhu cầu, đâu đứa nào giống với đứa nào mà chia đều như nhau. Tôi thấy làm thế chỉ tội cho các bé ăn ít, ngày nào cũng ăn không hết suất và bị mắng mỏ, rồi khóc lóc, rồi nôn trớ. Thực sự ám ảnh. 

Chăm một đứa trẻ đã khó, chăm một lúc gần 60 em bé nghịch ngợm, quấy khóc, chưa hoàn thiện ý thức hành vi, là một áp lực vô cùng khủng khiếp với những giáo viên mầm non. Tôi hoàn toàn thấu hiểu những sơ sót khi không theo dõi được hết hoạt động của trẻ, hay thời gian không đủ để đi giặt từng cái khăn lau cho từng ấy mũi dãi thò lò. Những bức bối ám ảnh vì tiếng khóc quấy, hay tính tình chướng khí của những trẻ cá biệt, cộng với áp lực từ những phụ huynh chỉ biết đổ lỗi cho nhà trường thay vì cùng nhau phối hợp giáo dục con em, đã dẫn đến những cơn nóng giận có ý thức của cô và nạn nhân chính là đứa trẻ đáng thương. Sao mà tránh được, dẫu tình yêu trẻ đủ lớn để chịu đựng mọi cay nghiệt của nghề này. 

Khi rời khỏi ngôi trường mầm non, tôi thấy mình nhẹ lòng, nhưng tim nặng trĩu xót xa cho những gương mặt trẻ thơ còn ở lại. Phải tiếp xúc thường xuyên với những hằn học ngay tại ngôi trường đầu tiên, làm sao chúng ta dám tin các con sẽ ra đời với cái tâm lương thiện, sáng trong? 

HỒNG HẠNH 
(ghi lại theo lời kể của cô T.H., quận 10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI