Nhiều ngành nghề gặp khó khăn, du lịch thiệt hại 7 tỉ USD do dịch COVID-19

03/03/2020 - 21:02

PNO - Chiều 3/3, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì. Nhiều nội dung dư luận quan tâm đã được đề cập và trả lời trong cuộc họp.

Trong 2 tháng đầu năm, với bối cảnh phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt lên hàng đầu, các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú… đã bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỉ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: VGP

Kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cúm gia cầm H5N1, H5N6… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng như thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực, xuất khẩu tăng trưởng, nhập siêu trong kiểm soát, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện...

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về các kịch bản ứng phó trong phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khi tình hình dịch ở Hàn Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu, Ban chỉ đạo Quốc gia đã có ý kiến, chỉ đạo phù hợp: bắt buộc khai giám sát y tế tại sân bay, làm việc với Hàn Quốc và tạm dừng miễn thị thực...

"Điều này cũng gây ra tác động tới nền kinh tế đó là giảm lượng khách của Hàn Quốc vào Việt Nam", ông Long nói.

Ngoài ra, Việt Nam cũng gần như cách ly toàn bộ kể cả người Việt lẫn người nước ngoài nếu đến từ vùng có dịch. Chỉ định một số sân bay có thể đón khách như Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ. 

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, trong thời gian thời gian tới cơ quan y tế đã tính đến phương án giảm cách ly bằng 2 hình thức: giám sát y tế, phát thêm phiếu hỏi để chứng minh công dân không đi qua vùng dịch; làm việc với gia đình và chính quyền địa phương để cách ly tại nhà, giảm cách ly tại trung tâm nếu có tình trạng quá tải. 

Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2

Liên quan đến việc dừng thí điểm taxi công nghệ từ 1/4, tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước khi ra thông báo dừng thí điểm, Bộ đã có đánh giá và gửi Thủ tướng Chính phủ.

"Trước đó Chính phủ chỉ đạo khi có nghị định thay thế nghị định 86 thì sẽ dừng hoạt động thí điểm taxi công nghệ. Ngày 17/1, nghị định 100 được ban hành thay thế nghị định 86, đồng nghĩa với việc các loại hình xe hợp đồng điện tử chấm dứt thí điểm. Loại hình xe nào phù hợp với quy định tại nghị định 10 về hoạt động vận tải đường bộ sẽ được hoạt động", ông Đông nói.

Theo quy định mới, taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi phải gửi hoá đơn điện tử cho hành khách và cơ quan thuế để kiểm soát. Taxi phải dán biển hiệu cố định hoặc phải có huy hiệu. Đặc biệt với xe taxi có đồng hồ tính tiền thì phải có cơ quan có thẩm quyền đo lường kiểm soát.

"Loại hình nào cũng phải phù hợp với quy định pháp luật mới được hoạt động, không phân biệt theo tên gọi Grab hay tên nào khác", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI