Có bao nhiêu cây cứ đem hết về nhà

19/10/2020 - 11:32

PNO - Đêm 17/10 vừa qua là một đêm trắng kinh hoàng với người dân Quảng Trị. Khắp các diễn đàn, facebook cá nhân, hội nhóm địa phương dấy lên lời kêu cứu bất lực và tuyệt vọng trước dòng nước dữ đang tiếp tục đe dọa dâng cao, khiến một đứa con xa nhà như tôi càng thêm xót ruột.

 

Miền Trung chìm trong mưa lũ nhiều ngày qua - Ảnh: Báo Quảng Bình
Miền Trung chìm trong mưa lũ nhiều ngày qua - Ảnh: Báo Quảng Bình

Ngay từ chiều, tôi đã gọi điện cho gia đình để dặn dò trữ lương thực, đèn nến, bật lửa, áo mưa và các dụng cụ cần thiết để có thể phá mái nhà nếu nước dâng quá cao. Tôi dặn em trai livestream, tám chuyện ít thôi, hãy giữ những vạch pin quý giá cuối cùng để liên lạc ca-nô cứu hộ khi cấp bách.

Nhưng vì thiếu kiến thức, tôi quên mất một điều, trong điều kiện nước quá to, nhiều cây cối và dây nhợ trôi nổi, ca-nô lại là phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh, chỉ phù hợp lướt đi trên những mặt nước phẳng, thông thoáng tầm nhìn, thì mọi lời kêu cứu hầu như vô vọng. Trong đêm tối, cách tốt nhất là hãy tận dụng những điều kiện và vật dụng tại chỗ để tự cứu mình. 

Trước khi ngủ, hình ảnh cuối cùng choán lấy tâm trí tôi là những con nước chảy xiết, quét đến đâu bứng theo nhà cửa, làng mạc đến đó. Tôi nhớ quanh nhà mình có rất nhiều cây duối bao bọc. Những cây duối dại mọc rất nhiều trên đồng. Thân cây to mấy người ôm không xuể. Vì là họ cây chịu hạn nên tán lá lúc nào cũng xanh um, mùa hè chim chóc thi nhau kéo từng đàn về làm tổ. Những ngày nắng miền Trung đổ lửa, duối tạo bóng râm cho trâu bò, cho người làm đồng thủng thẳng nghỉ ngơi.

Tôi còn nhớ, vào những mùa lũ khi cha tôi còn khỏe, mỗi lần nước chảy băng qua ngã ba đầu làng, cha cùng những người đàn ông trong làng sẽ chuẩn bị dây thừng, thép, dao, rựa để đi lấy cội. “Cội” là cách gọi quen thuộc của những người nông dân dùng để chỉ những súc gỗ, những gốc cây lớn trôi về từ phía thượng nguồn.

Trước khi đi, mọi người sẽ dặn nhau cởi bớt áo quần, tránh gây vướng víu, kiểm tra kỹ lưỡng mọi dụng cụ, đồ đạc mang theo. Khí thế như tráng sĩ qua sông, như chiến binh ra trận. Những “chiến binh” này sẽ kiếm những gốc duối thật to, cột một đầu dây thừng vào đó, thít chặt mấy vòng, đầu dây kia buộc vào ngang lưng rồi hình thành thế chân kiềng ba người một cùng bơi ra sông vớt cội.

Những súc gỗ sau khi vớt về sẽ được phân loại cẩn thận. Loại tốt nhất được để dành, sau này có dịp sẽ mang ra cưa xẻ đóng bàn, đóng cửa, thưng thêm tra, chồ, giúp nhà thêm chắc chắn. Rồi gỗ cho con trai, con gái ra riêng, xây tổ ấm. Loại cuối cùng sẽ được chẻ nhỏ, phơi thành củi, khi những con nắng bắt đầu hé lên.

Nếu mùa lũ cha mang gỗ khô về nhà, thì mùa nắng cha sẽ gom hạt giống. Mỗi lần đi chợ, nghe ai quảng cáo có giống mít Thái, xoài Thái ngon cha lại gom một ít. Rồi cha mua cành hoa phượng về giâm, mua hoa trang về ken thêm phía hàng rào. Có đợt đi rừng, thấy người ta bỏ quên mấy trăm bầu cây sao đen trong một vạt cỏ, cha cũng hì hục chất lên xe mang về trồng khắp vườn, khắp biền. Trồng không hết, cha mang cho hàng xóm như chia của quý. Nhưng rồi họ có trồng đâu. Ai cũng bảo thời buổi này, nên chặt bớt cây cho thoáng vườn, thoáng nhà, thay trồng trọt bằng chăn nuôi mới mong hiệu quả kinh tế.

Một chặng của mùa mưa lũ 2020 kéo theo những tang thương và mất mát. Tài sản gia đình phần thì ngấm nước, phần thì bị cuốn trôi, nhưng tôi chợt ấm lòng khi nghĩ về những hàng duối cao lớn và vườn cây “tả-pí-lù” của cha. Cây không dạy cho dân quê tôi về ý nghĩa cuộc sống, nhưng cây mang đến kinh nghiệm về sự sinh tồn.

Tôi không mong lớp thanh niên của làng sẽ như cha ngày xưa, mang về nhà thật nhiều súc gỗ chết trôi dạt từ phía thượng nguồn, mà hãy như những chú chim tích cực gieo hạt, ươm lớn những mầm xanh vào những mảnh đất trống quanh mình. Trái đất chỉ thực sự là tổ ấm khi còn thật nhiều cây. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI