Người nữ hộ sinh đặt tên cho hàng trăm trẻ bị bỏ rơi

26/02/2018 - 15:00

PNO - Trong tua trực, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh sợ nhất là tiếng kêu tít tít báo động của máy thở; bởi bệnh nhi mới vài ngày tuổi có thể đang tím tái. Đôi chân chị khi đó cuống cuồng đi tìm bé nào đang gặp nguy!

Bài 1: Nữ điều dưỡng không buông tay bệnh nhân ung thư đến cuối cuộc đời

Nếu một bác sĩ, điều dưỡng hay nữ hộ sinh về nhà trong tình trạng bơ phờ thì chắc rằng họ đã thức trắng đêm cho ca cấp cứu. Trong suốt đời làm việc của mình, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh không nhớ rõ đã trải qua bao nhiêu lần phải bơ phờ như thế. Mệt nhọc rất nhiều nhưng chị bảo: “Công việc này cũng như mọi ngành nghề khác. Ở đây, mọi người chỉ đơn giản là làm thay công việc của người mẹ thôi”.

Con nít – đứa nào nhìn vô cũng thấy thương hết

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)

Nhiều người sợ khi nghe tiếng con nít khóc thét nhưng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh đã 33 năm nghe con nít khóc ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ. Chị là người có tuổi đời và tuổi nghề lâu năm nhất. Chị làm việc ở đây từ năm 22 tuổi khi mới ra trường và chỉ còn vài tháng nữa, chị sẽ nghỉ hưu.

Nữ hộ sinh Ngọc Vinh chia sẻ: "Em thử tưởng tượng đi, nhà có con nít và nó cứ nửa đêm lại khóc to thì em có thấy oải không? Ở đây, hễ một đứa khóc thì những đứa khác sẽ khóc theo. Như một dàn đồng ca. Nhưng với chị, nghe riết rồi quen. Những âm thanh ấy như một phần của đời mình rồi”.

Chị bật mí: "Gắn bó lâu với công việc này như vậy, chắc là do con nít – đứa nào nhìn vô cũng thấy thương hết. Tụi nó vô tư, hồn nhiên nên nhìn vô là thương liền”.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
Một thiên thần nhỏ bị bỏ rơi được chăm sóc tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ

Chị và các đồng nghiệp ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ hay gọi các trẻ nằm ở đây là các con. Các con của chị vào đây có nhiều nguyên nhân lắm, như khi bị đẻ non, nhẹ cân, vàng da, suy hô hấp, các bệnh lý bẩm sinh…

Những thiên thần ở khoa Sơ sinh này được nằm theo lứa tuổi, cân nặng và bệnh lý. Mỗi chị nữ hộ sinh trong ca trực được phân công theo dõi cụ thể từng phòng. Mỗi khi nghe tiếng báo động của máy thở, các chị phải nhanh chóng tìm đến vị trí của bé. Dù không có tiếng báo động, các điều dưỡng hay nữ hộ sinh khi làm thuốc, làm sữa cho bé đều phải để ý biểu hiện sức khỏe của từng đứa con.

Chị nhận biết trẻ có dấu hiệu bất thường bằng cách nhìn chằm chằm vào từng hơi thở của bé, cánh mũi phập phồng hay không, có lõm ngực hay không, có những cơn gồng gắng sức… rồi quan sát màu da có tím tái hay không.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
Các cô điều dưỡng, nữ hộ sinh gọi các bé là các con

Nếu có bé nào bị ngạt thở thì lập tức kéo máy hút đờm, đồng thời kiểm tra máy thở và kêu gọi đồng nghiệp hỗ trợ: người chạy đi báo bác sĩ, người phụ lấy đờm nhớt cho bé... Chị bảo: “Một người phải chăm khoảng 20 bé nên lo lắm. Có khi đang chăm sóc bé này nhưng phải luôn chú ý nghe ngóng, quan sát các bé khác. Rất sợ các con bị tím tái”.

Trong ca trực, hiếm khi các chị điều dưỡng – nữ hộ sinh được nghỉ ngơi. Có một chiếc ghế nhỏ khiêm tốn bên trong phòng trẻ sơ sinh để các chị ngả lưng chút xíu nhưng hiếm khi có thể ấm chỗ.

Chỉ trong vài ngày tiếp xúc, chúng tôi thấy đôi chân các chị liên tục di chuyển. Hầu như các chị đều phải đứng hoặc chạy, từ pha thuốc, làm dịch truyền, cho trẻ uống sữa, thay tã, ghi chép bệnh án… Nghe chúng tôi thắc mắc chuyện có nhiều điều dưỡng bị giãn tĩnh mạch chân, chị cười cười chỉ cho xem bàn chân mình có những vết giãn tĩnh mạch sâu.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
 

Gặp chị vào buổi tối, sau một ngày tan ca, tiếp chuyện khách, chị pha sẵn một ly cà phê đậm đặc. Nữ hộ sinh Ngọc Vinh giải thích: “Trong những ngày trực, để tỉnh táo, chị phải uống cà phê. Riết rồi quen luôn. Có những ca phải cấp cứu, chẳng ai ăn uống gì nổi, chỉ đủ sức nhờ đồng nghiệp mua bò cụng hoặc cà phê uống để lại sức”.

Người đặt tên cho hàng trăm trẻ bị bỏ rơi

Không nhớ từ khi nào và cũng không biết vì sao, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh là người được đồng nghiệp tin tưởng giao trọng trách: tiếp nhận, chăm sóc và làm thủ tục đưa trẻ bị bỏ rơi đến các trung tâm bảo trợ xã hội.

Chị không nhớ có bao nhiêu những đứa con bị cha mẹ “bỏ quên” ấy, nhưng con số phải hàng trăm đứa. Chị bảo thật mừng vì con số này những năm gần đây đã ít dần đi.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
Bé Nguyễn Ngọc Xuân Mai được nữ hộ sinh Ngọc Vinh chăm sóc nên rất nhõng nhẽo với mẹ Vinh

Có thể coi chị như người mẹ của những "thiên thần" bị bỏ rơi. Chị làm thủ tục cho sự chào đời của bọn nhỏ, chạy lên cơ quan công an, qua Sở Lao động Thương binh Xã hội, rồi thông báo về sự tồn tại của bọn nhỏ… Chị là người đặt tên cho các bé.

Nhìn về phía một em nhỏ vừa bị mẹ bỏ rơi, chị thở dài: "Chị lựa những cái tên mang ước mong cuộc sống về sau của tụi nó được an lành hạnh phúc, được gặp những người tốt như An Nhiên, Phúc…".

Em bé bị bỏ rơi gần đây nhất được chị đặt tên là Nguyễn Ngọc Xuân Mai vì chị muốn con sau này cuộc sống sẽ có nhiều may mắn và sức sống như mùa xuân cây đâm chồi nảy lộc. Có đôi khi, cũng có những đứa trùng tên vì chị… lỡ thích cái tên đó quá. Tên chị đặt, còn họ của trẻ là theo họ mẹ. Chị bảo, giữ lại cho tụi nhỏ chút gì cả cha mẹ, dù mẹ đã bỏ bọn nhỏ từ khi còn bé xíu.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
 

“Tụi chị năn nỉ mẹ bọn nhỏ nhiều lắm. Động viên người mẹ quay lại nhận con đi. Có khó khăn gì nhờ mọi người giúp đỡ. Tụi chị còn vận động góp mỗi người một ít để giúp mẹ mua sữa cho bé. Có người chịu ôm con về, còn lại đa phần bỏ đi luôn. Thiệt, có người tìm hoài không có vậy mà có người lại bỏ con”, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh trầm tư.

Có chuyện như nhân quả, chị Vinh bảo vậy. Đó là một ngày, một người mẹ tuổi ngoài 35 đến tìm nữ hộ sinh Ngọc Vinh để tìm lại đứa con chị bỏ lại Bệnh viện Từ Dũ. Người mẹ đau khổ vì sau khi bỏ con, chị ra nước ngoài kết hôn nhưng không thể có con. Nhớ lại đứa con mình bỏ rơi khi lỡ dại lúc tuổi 17, 18, chị quay về Việt Nam tìm con.

Nhưng đứa bé ấy đã không còn ở bệnh viện nữa, cũng chưa chắc còn ở trung tâm bảo trợ trẻ em nào nữa. Khi xưa, người mẹ cũng không đặt tên hay để lại dấu hiệu nào cho lần gặp mặt về sau. Không ai có thể giúp được người mẹ ấy.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
 

Có nhiều nguyên nhân để những người mẹ bỏ con, từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi con đến chuyện lỡ dại hoặc do gia đình chồng bắt buộc. Nhưng cũng có những trường hợp mà nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh cũng không thể biết vì sao.

Ngày đó, khi tiếp nhận một trẻ bị bỏ rơi, nhìn vào tên người mẹ, chị thấy rất quen. Lần giở lại hồ sơ, hóa ra người mẹ này từng bỏ một đứa con cách đó 2 năm. Chị vội vã liên hệ với trung tâm bảo trợ để nhận tiếp đứa em vào ở chung để nhận anh em vì sợ sau này chúng nó không biết mà lấy nhau thì khổ.

Còn có trường hợp mẹ sinh đôi một trai một gái rồi bỏ lại một đứa, mang về một đứa. Các chị chạy theo năn nỉ sao lại bỏ con như vậy. Rồi người ta cũng không thay đổi ý định.

Nguoi nu ho sinh dat ten cho hang tram tre bi bo roi
 

Những thiên thần bị ba mẹ bỏ rơi như thế có đến hàng trăm đứa một năm. Bọn nhỏ ở trong khoa Sơ sinh, được chị chăm sóc chăm chút từng bình sữa, quần áo. Dĩ nhiên, khi các bé ra khỏi bệnh viện, chẳng có đứa nào biết về chị. Chúng ra đi như đàn chim non mất tổ xơ xác bay trong vòng xoay bão tố.

33 năm trong nghề, vất vả nhiều cho đến những năm cuối trong nghề nhưng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Vinh bảo có lẽ mình theo được là do lỡ yêu màu áo trắng ngành y từ lúc nhỏ, khi ba chị là một y tá và chị hay theo ba vào bệnh viện:  “Có lẽ tự mình làm cực mình nên trời thương. Chị có một gia đình ấp áp và con cái trưởng thành. Chị nghĩ đó là phần thưởng lớn nhất mà cuộc đời dành cho mình”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI