Giải cứu cho bé trai mắc kẹt lưỡi trong cổ chai bằng ý tưởng khui chai rượu vang

04/11/2019 - 11:00

PNO - Cậu bé 7 tuổi liếm chai nước trái cây cố lấy những giọt nước ép cuối cùng. Nhưng đột nhiên, lưỡi của cậu bị kẹt lại bên trong chai.

Mẹ của bé cố gắng lấy chai ra bằng cách kéo và vặn, nhưng không có kết quả. Bé được đưa đi Bệnh viện Auf der Bult Children ở Hannover (Đức) cấp cứu. Các bác sĩ nhi khoa cũng cố gắng kéo chai ra nhưng vô dụng.

Giai cuu cho be trai mac ket luoi trong co chai bang y tuong khui chai ruou vang
Mẹ của bé cố gắng lấy chai ra bằng cách kéo và vặn, nhưng không có kết quả

Các bác sĩ tiếp tục cho cậu bé uống thuốc an thần nhẹ rồi nhét một ống thông mỏng giữa lưỡi và nút cổ chai để giải thoát cho em, nhưng cũng không có tác dụng.

Cuối cùng, các bác sĩ đã thành công khi lấy cảm hứng từ việc mở một chai rượu vang mà không cần đồ mở nút chai. Đó là bơm không khí vào chai – hiệu quả để giải phóng lưỡi của cậu bé mà không cần phải cắt chai hay sử dụng thuốc gây mê.

Các bác sĩ đã kết nối ống thông với một số ống bơm 20 ml. Sau vài lần bơm hơi, lưỡi cậu bé thoát ra khỏi cổ chai. 

Phương pháp "tăng áp suất" này đã chứng tỏ là một kỹ thuật đơn giản, hiệu quả và an toàn để giải phóng lưỡi bị mắc kẹt trong chai. 

Báo cáo này vừa đăng trên tạp chí European Journal of Anaesthesiology (châu Âu). Tiến sĩ Christoph Eich - người đưa ra ý tưởng này thuộc khoa Gây mê tại Bệnh viện Auf der Bult Children ở Hannover, Đức, cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ đề nghị thử phương pháp này trước khi áp dụng gây mê toàn thân".

Ý tưởng bơm không khí vào chai được lấy cảm hứng từ hồi ức của bác sĩ Eich khi mở nút chai rượu vang thành công bằng cách sử dụng kim tiêm ống bơm khi còn là bác sĩ gây mê thực tập, mà không có đồ khui.

Giai cuu cho be trai mac ket luoi trong co chai bang y tuong khui chai ruou vang
Cậu bé đã được "giải phóng lưỡi" bằng phương pháp tăng áp suất - cảm hứng từ việc mở một chai rượu vang mà không cần đồ mở nút chai.

Các bác sĩ cho biết trường hợp lưỡi mắc kẹt trong chai rất hiếm nhưng dễ xảy ra với trẻ em. Trong các báo cáo trước đây, bác sĩ cần phải cắt chai và thực hiện gây mê.

Bác sĩ Eich cho biết thêm: chỉ có một trường hợp khác được báo cáo trước đây sử dụng phương pháp tăng áp suất để giải phóng lưỡi, tương tự như trường hợp hiện tại. Nhưng báo cáo đó là về một trường hợp xảy ra cách đây 30 năm và "rõ ràng đã bị lãng quên”.

Sau khi lưỡi của cậu bé được giải phóng, các bác sĩ cho bệnh nhi uống thuốc để giảm đau. Qua 24 giờ, cậu bé được xuất viện. 3 ngày sau đó, phần trước của lưỡi cậu bé bị đổi màu, nhưng sau 2 tuần, lưỡi đã lành hoàn toàn.

Bách Việt

Nguồn Livescience
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI