Lao động trẻ thiếu kỹ năng, doanh nghiệp “mệt mỏi” khi tuyển dụng

26/05/2025 - 06:11

PNO - Không chịu được áp lực, “hở tí” là đòi nghỉ việc, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc kém… đó là nhận xét thường thấy của các doanh nghiệp về lao động trẻ là sinh viên mới ra trường.

“Mới bị la đã đòi nghỉ”

Kết quả khảo sát trên 5.532 sinh viên, lao động trẻ tại TPHCM do Thành đoàn TPHCM thực hiện mới đây cho thấy, 34% người tham gia khảo sát trả lời mình có kỹ năng mềm, 27% cho biết có khả năng ngoại ngữ, 25% có kỹ năng tin học và 14% không có 3 kỹ năng trên.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Phó trưởng khoa Xã hội, Trường đại học Tôn Đức Thắng - nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, năng lực tin học, ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những yếu tố then chốt, quyết định đến khả năng cạnh tranh của ứng viên trên thị trường lao động.

Sinh viên các trường đại học nộp hồ sơ, xin việc tại ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM tổ chức mới đây
Sinh viên các trường đại học nộp hồ sơ, xin việc tại ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM tổ chức mới đây

“3 yếu tố trên giúp lao động trẻ tạo dựng ấn tượng tích cực đối với nhà tuyển dụng, gia tăng đáng kể cơ hội thành công trong sự nghiệp” - bà Nguyễn Thị Thu Trang nói. Bà cũng cho biết song song với kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành thì việc trang bị các kỹ năng cần thiết là một tiêu chí quan trọng để sinh viên, lao động trẻ bắt kịp với thị trường lao động, tạo ra cơ hội việc làm cho mình.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - để có thể thành công, người trẻ phải trau dồi để trở thành một nhân lực có kỹ năng, kỹ luật, kỹ năng công nghệ, khả năng thích ứng nhanh, đạo đức… Tuy nhiên, thế hệ trẻ lại không coi trọng việc rèn luyện kỹ năng. “Trường nào cũng dạy kỹ năng, từ bậc tiểu học đến đại học nhưng học sinh chỉ học cho vui, chương trình dạy cũng hời hợt, chưa thực tế và hiệu quả” - ông thẳng thắn nói.

Ông Lương Sĩ Nhân - Phó ban Công nhân lao động Thành đoàn TPHCM - cũng cho rằng, kỹ năng đang là một vấn đề lớn với lao động trẻ hiện nay, trong đó đặc biệt là kỹ năng chịu áp lực và kiểm soát cảm xúc. Áp lực đến từ khối lượng công việc, thời hạn hoàn thành, sự kỳ vọng của bản thân, đồng nghiệp và cấp trên… là không tránh khỏi trong khi lao động trẻ, nhất là sinh viên mới ra trường, khả năng chịu áp lực rất kém.

Ông hài hước nói: “Nhiều bạn trẻ đi làm mới bị quản lý la đã khóc lóc, đòi nghỉ việc. Đây là câu chuyện khá phổ biến mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay”. Theo ông, để thích ứng với môi trường công việc ngày càng phát triển, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)…, lao động trẻ cần có kỹ năng thích ứng bởi xã hội thay đổi quá nhanh.

Cần có chương trình đào tạo xuyên suốt

Là người trực tiếp sử dụng lao động trẻ, ông Nguyễn Thiên Ân - Giám đốc Công ty Thương mại điện tử Cầu Vồng - cho biết, hầu hết sinh viên khi mới ra trường đi làm đều thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng thích ứng với môi trường làm việc, khả năng tiếng Anh... Tuyển dụng 10 bạn thì chỉ có 3 bạn có thể ở lại với công việc.

Nhiều bạn cho rằng “em không phù hợp” với môi trường rồi nghỉ nhưng thực ra là không đáp ứng được yêu cầu công việc. Do vậy mới có tình trạng doanh nghiệp thì thiếu người làm, còn sinh viên ra trường lại thất nghiệp. Ông đặt câu hỏi: “Trách nhiệm này thuộc về cơ sở đào tạo hay doanh nghiệp phải có trách nhiệm huấn luyện lại?”.

Ông cho rằng để giải quyết bài toán này, các trường phổ thông, đại học cần có lộ trình đào tạo riêng về các kỹ năng thay vì dạy lồng ghép và hời hợt như hiện nay. Như vậy, học sinh, sinh viên ra trường mới đáp ứng điều kiện tối thiểu khi tham gia thị trường lao động.

Là đơn vị phối hợp đào tạo kỹ năng cho sinh viên khối ngành kỹ thuật với nhiều cơ sở giáo dục, bà Thùy Tiên - Giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sài Gòn KingLand - cho biết, các công ty, trung tâm gặp khó khăn khi liên kết đào tạo theo yêu cầu của nhà trường.

Bởi việc xây dựng chương trình chủ yếu do nhà trường thực hiện và liên kết với nhiều bên nên mỗi trung tâm không thể đào tạo xuyên suốt được mà chỉ thực hiện 1-2 chương trình trong 3-4 năm học, khó quan sát được quá trình hình thành kỹ năng cho sinh viên.

Bà cũng cho rằng những công ty nhỏ thì không đủ nguồn lực thực hiện những dự án đào tạo kỹ năng vĩ mô và đồng bộ nên cần một chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể đồng hành cùng nhà trường thực hiện xuyên suốt, bài bản.

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - việc đào tạo kỹ năng cho lao động trẻ còn có trách nhiệm của gia đình. “Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, nên giới trẻ được bao bọc quá kỹ. Có phụ huynh con đã học đại học năm cuối rồi vẫn đưa đón hằng ngày, cơm bưng nước rót, làm mất khả năng tự lập của các con. Do vậy, gia đình cần chủ động tạo điều kiện để con được trải nghiệm, tự lập, rèn luyện kỹ năng” - bà nói.

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm, việc hình thành kỹ năng cần quá trình lâu dài nên phía nhà trường, cơ sở đào tạo phải có chương trình vừa sát với thực tế, vừa xuyên suốt qua các cấp học. Đồng thời phải chú trọng yếu tố thực hành từ thực tế thay vì tập trung vào lý thuyết quá nhiều.

Phía gia đình cần cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn và giáo dục con biết tầm quan trọng của các kỹ năng, để chính bản thân mỗi học sinh, sinh viên có ý thức tự rèn luyện mình.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI