Tết sớm ở Ia Mơr

17/01/2019 - 07:30

PNO - Sáng 14/1, trong tiết trời se lạnh, gần 300 hội viên phụ nữ và học trò nghèo xã Ia Mơr, H.Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã dự chương trình 'Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình' do Hội Phụ nữ Công an TP.HCM tổ chức.

Nguồn vui nhỏ tạm xóa ngày buồn

Chị Rơ Mah Boách chân trần lội bộ, tay dắt, lưng địu hai đứa con tới Nhà Văn hóa xã Ia Mơr - nơi diễn ra chương trình - để nhận quà. Chị ngồi bệt trên sân, mân mê từng bịch gạo, gói mì, hộp sữa, chai nước mắm, bịch lạp xưởng, bún gạo, mắt ánh lên niềm vui. Chị Rơ Mah Boách trồng khoai mì, khi rảnh thì làm thuê thêm để nuôi bốn đứa con. Hỏi công việc của chồng, chị buồn xo: “Uống rượu”. Lát sau, chị lại phe phẩy 200.000 đồng lấy ra từ phong bao lì xì, nói: “Tết”. 

Tet som o Ia Mor
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM - tặng quà và mang giúp người dân một đoạn về nhà.

Theo chị Rơ Mah Boách, chỉ những gia đình nào khá giả mới đủ điều kiện ăn tết Nguyên đán như người Kinh; còn lại, các gia đình người dân tộc Jrai thường ăn tết vào tháng Tư dương lịch hằng năm. Lâu nay, mẹ con chị chẳng có gì chuẩn bị tết. “Bán mì là trả nợ, chỉ còn ít tiền mua gạo thôi. Quà này lớn lắm, quý lắm” - chị Rơ Mah Boách phấn khởi với phần quà vừa được nhận. 

Đứng giữa vòng tròn các bà, các cô đang tất bật chất quà vô gùi, nói cười rộn vang, em Rơ Lan Đăng - 17 tuổi - bộc bạch: “Quà nhiều mà gùi nhỏ quá không chất hết, em chờ người chị lên gùi về cùng”. Không còn cha mẹ, bốn chị em Rơ Lan Đăng nương tựa nhau, đứa lớn dìu đứa bé. 

“Mình bỏ chồng rồi” - chị Rơ Châm Dim ở làng Klăh bắt đầu cuộc chuyện trò với tôi thông qua người phiên dịch. Chị có học tiếng Kinh vài năm, nhưng giờ không nhớ cái chữ, cái âm nữa. Lập gia đình sớm, sinh liền bốn đứa con, cuộc sống của Rơ Châm Dim luôn quẩn quanh rẫy mì và những trận đòn của người chồng nát rượu. 

Năm mẹ con chị chỉ trông chờ vào một vụ khoai mì nên căn nhà sàn cũ đã dột nát, xuống cấp từ lâu mà không thể sửa chữa. Trước tết này, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ (PN) Công an TP.HCM và các nhà hảo tâm đã cùng nhau đóng góp được 70 triệu đồng, xây cho mẹ con Rơ Châm Dim căn nhà tình thương. Nhận quyết định bàn giao nhà sáng 14/1, chị nói hoài câu “cảm ơn” và “vui lắm” bằng tiếng Kinh. 

“Mình ưng con bò này lắm”

Chưa tới 7g sáng, chị Siu Đun - ở làng Hnap - đã địu con trên lưng, tới Nhà Văn hóa xã Ia Mơr. 26 tuổi, hai đứa con và một rẫy mì mỗi năm thu chừng 2 tạ, vợ chồng chị không bỏ bê công việc ngày nào mà vẫn đói. Mới sinh con được gần hai tháng, Siu Đun đã lại ra rẫy nhổ cỏ, vun cây khoai mì. “Không làm thì lấy gì cho vào bụng” - chị nói. Lâu nay, ước mơ lớn nhất của Siu Đun là một căn nhà sàn không dột và con bò nuôi làm vốn. Khi được đoàn cán bộ Hội PN Công an TP.HCM trao sợi dây dắt mũi bò vào tay, Siu Đun rụt rè: “Mình ưng con bò này lắm”.  

Tet som o Ia Mor
 

Lên nhận quà mà chị Kpă Kloai - ở làng Khôi - nhấp nhổm không yên: “Chồng mình liệt hết rồi, đi vệ sinh cũng không biết nữa”. Hơn một năm trước, chồng Kpă Kloai bị tai nạn nằm một chỗ, chị trở thành trụ cột gia đình, vừa bán tạp hóa, vừa cơm nước, giặt giũ cho chồng, vừa nuôi hai con nhỏ, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé chưa tròn 2 tuổi. Nhận quà của Hội, Kpă Kloai cười hoài: “Mình ưng con bò mà cán bộ cho. Mình sẽ ráng nuôi nó lớn nhanh”.  

Siu Đun và Kpă Kloai là hai trong số sáu hội viên PN của xã Ia Mơr được Hội PN Công an TP.HCM tặng bò đợt này. Ở vùng đất cằn Ia Mơr, người dân kiếm sống bằng cây khoai mì, cộng với nuôi bò, heo. Thế nhưng, với Siu Đun, Kpă Kloai, bò là cả một gia sản “chỉ mong thôi, không biết khi nào có được” như lời Kpă Kloai. 

Bà Trần Thị Lương - Phó chủ tịch Hội LHPN H.Chư Prông - cho biết, Chư Prông hiện có gần 15.000 hội viên, trong đó khoảng 48% là PN đồng bào thiểu số Jrai, Bahnar, K’Ho, Tày, Thái, Mường… Ia Mơr là xã nghèo, có 514 hội viên PN, đa phần là người Jrai, kiếm sống nhờ trồng mì, chăn nuôi hoặc đi làm thuê, cái ăn vẫn thiếu hụt triền miên. “Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội tại TP.HCM đã tặng 15 con bò cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Ia Mơr. Qua khảo sát, chúng tôi rất phấn khởi vì chị em lo làm ăn, chăm chỉ chăn nuôi và có ý thức trách nhiệm hơn với tài sản của mình” - bà Lương không giấu được niềm vui. 

Đã từng tổ chức chăm lo tết cho người dân nghèo ở nhiều nơi, nhưng lần này có điều đặc biệt, đó là nhiều chị không biết tiếng Kinh, còn mình thì không hiểu ngôn ngữ Jrai. Dù vậy, những cái ôm, cái nắm tay và nụ cười thật ấm áp. Lúc lên kế hoạch làm chương trình này, chúng tôi dự trù kinh phí gần 250 triệu đồng, nay đã gần 400 triệu đồng rồi. Càng khảo sát, càng trăn trở, nên ngoài tặng mái ấm tình thương và quà tết, chúng tôi đã vận động cán bộ, hội viên cùng các nhà hảo tâm tiếp sức để tặng thêm phong bao lì xì, 15 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), 10 chiếc xe đạp cho học sinh. Đoàn cũng tặng 100 phần quà ngoài kế hoạch cho bà con nghèo ở Buôn Tu, xã Ea Tul, H.Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. 

 Trung tá Cao Thị Hồng Tươi 
 Chủ tịch Hội PN Công an TP.HCM

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI