ĐẠO ĐỨC của học sinh không chỉ là đi muộn, nói chuyện riêng, quên không trực nhật...

29/09/2016 - 12:05

PNO - "Những việc cải cách này vừa không tốn tiền vừa có thể làm ngay ở bất cứ ngôi trường nào. Số đông phụ huynh và giáo viên cũng sẽ chẳng phản đối. Học sinh đương nhiên là ủng hộ", ông Vương khẳng định.

Những điều "bất thường" vẫn đang tồn tại

Có một thứ Việt Nam ta làm đã lâu và nhiều người thấy rất bình thường nhưng với ông Nguyễn Quốc Vương (Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa, Nhật Bản) và nhiều các bậc phụ huynh khác nhận thấy là điều rất bất thường và cần phải loại bỏ - đó là việc đánh giá Hạnh kiểm (Đạo đức) của học sinh.

Chia sẻ với báo Phụ nữ TP.HCM, ông Vương bày tỏ quan điểm: "Nhà trường là một tổ chức, một không gian có những đặc thù riêng vì vậy nó cần tới các "luật lệ" cho các thành viên phải tuân thủ.

Tuy nhiên sự vi phạm các "luật lệ" của trường học như đi muộn, nói chuyện riêng, quên không trực nhật, quên không làm bài... không thể nào là căn cứ để đánh giá ĐẠO ĐỨC con người. Thành tích học tập tính bằng điểm số càng không phải là căn cứ để xác định ai đó có đạo đức tốt hay xấu.

Hơn nữa, sự phán xét về đạo đức của học sinh từ phía giáo viên, một thực thể nắm cả quyền lực và quyền uy trong tay sẽ tạo ra một cơ chế phục tùng vô điều kiện có hại cho sự hình thành tư duy và nhân cách ở học trò".

DAO DUC cua hoc sinh khong chi la di muon, noi chuyen rieng, quen khong truc nhat...
Đạo đức của một học trò không thể đánh giá xấu, tốt với các cấp độ khá, tốt, kém, trung bình, yếu... một cách đơn giản như ta đang làm. (Ảnh Internet).

Theo ông Vương, đạo đức của một con người không thể đánh giá xấu, tốt với các cấp độ khá, tốt, kém, trung bình, yếu... một cách đơn giản như ta đang làm. Nó vừa phản cảm vừa dễ tạo ra sự tổn thương ở học trò, những người đang trong quá trình xã hội hóa để trở thành người trưởng thành.

"Rất dễ nhận thấy trong thực tế nhiều học sinh thời đi học hay phải nhận hạnh kiểm yếu, kém đã trở thành những người có tâm hồn phong phú và nhân cách đáng trọng trong khi có rất nhiều học sinh 12 năm liền hạnh kiểm tốt đã trở thành những kẻ vụ lợi cá nhân, ích kỉ và sẵn sàng dẫm đạp lên sức khỏe, sinh mạng, không gian sinh tồn của người khác.

Ở Nhật và có lẽ ở tất cả các nước có nền giáo dục có thành tựu khác cũng đều không có đánh giá đạo đức học sinh trong nhà trường," Th.S Vương dẫn chứng và mong muốn các những người đang làm trong ngành giáo dục, phụ huynh học sinh hãy thấu hiểu chuyện này.

"Đó là việc nhỏ nhưng ảnh hưởng của nó không phải là nhỏ", ông Vương một lần nữa nhấn mạnh.

Cần "loại bỏ" và "thêm vào" những điều nhân văn trong nhà trường

Bên cạnh đề xuất việc bỏ đánh giá Hạnh kiểm (Đạo đức) của học sinh, Th.S Vương đề xuất "một vài việc lặt vặt khác trong trường phổ thông dưới đây cũng cần phải bỏ đi hoặc thay bằng những việc khác nhân văn và hữu ích hơn".

Cụ thể, theo ông Vương, cần phải loại bỏ như: Bỏ việc sử dụng học sinh làm "Sao đỏ" để bắt lỗi các học sinh khác và chấm điểm thi đua lẫn nhau; Bỏ việc xếp hạng thi đua thứ tự học sinh trong lớp và theo khối; Bỏ việc nhận xét công khai về học sinh trước các phụ huynh khác hoặc học sinh khác; Bỏ chức danh "giám thị" trong trường học (tên gọi này rất phản cảm); Bỏ việc đánh giá hạnh kiểm đối với học sinh.

Và thay vào đó là những việc cần phải xem xét cho vào như: "Tạo điều kiện cho học sinh tự tổ chức nên các câu lạc bộ, các đoàn thể "tự trị" như các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, văn hóa, hoạt động xã hội; Tạo điều kiện cho học sinh sản xuất, điều hành phát thanh trường học và phát hành tập san định kì của lớp, trường;

Tạo điều kiện và hỗ trợ để học sinh tiến hành các hoạt động liên kết với phụ huynh, người dân và xã hội địa phương như: biểu diễn văn nghệ, triển lãm trưng bày các sản phẩm học tập, ngày hội thể thao định kì hàng năm hoặc theo học kì.

Cuối cùng, tạo ra các cơ hội để phụ huynh học sinh tham gia vào sinh hoạt nhà trường cùng học sinh như tham quan, quan sát giờ học, thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, tham gia hoạt động tình nguyện ở xã hội địa phương và trong trường với con, xây dựng vườn trường, phòng thí nghiệm...

Đời sống trường học phải phong phú và chính là cuộc sống để hỗ trợ tốt nhất cho việc học cũng như sự trưởng thành của học sinh, giúp học sinh trải nghiệm làm thành viên của xã hội thay vì đơn điệu, hình thức hóa và gia tăng thêm áp lực lên học sinh như hiện tại", ông Vương nhấn mạnh.

Nếu làm được như trên, vị Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tin rằng đời sống trường học sẽ thay đổi và quá trình "xã hội hóa" để trở thành người công dân của học sinh sẽ trở nên thuận lợi.

"Những việc cải cách này vừa không tốn tiền vừa có thể làm ngay ở bất cứ ngôi trường nào. Số đông phụ huynh và giáo viên cũng sẽ chẳng phản đối. Học sinh đương nhiên là ủng hộ", ông Vương khẳng định.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI