Tổng bí thư Tô Lâm đã yêu cầu ngành giáo dục các địa phương chuẩn bị điều kiện để dạy 2 buổi mỗi ngày miễn phí ở bậc tiểu học, THCS bắt đầu từ năm học 2025-2026. Quyết định này nhận được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia và người dân. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với ngành giáo dục địa phương, đòi hỏi sự đổi mới và đột phá để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với chương trình mới, việc học 2 buổi mỗi ngày ở bậc tiểu học là bắt buộc nên hầu hết tỉnh, thành đều đạt gần 100% học sinh được học 2 buổi mỗi ngày. Còn với bậc THCS, việc triển khai học 2 buổi mỗi ngày không đồng đều giữa các địa phương do tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất. Một khó khăn chung nhiều trường gặp phải là thiếu phòng học, giáo viên.
Nhiều trường cần thêm phòng học
Trong năm học 2024-2025, nhiều trường THCS các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Hải Dương, Bắc Giang… đã triển khai dạy 2 buổi mỗi ngày với quy mô khác nhau. Tại tỉnh Ninh Bình, từ ngày 3/2, có 51/143 trường THCS và 18/27 trường THPT trong toàn tỉnh thí điểm dạy học 2 buổi mỗi ngày.
 |
Học sinh lớp Chín Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) trải nghiệm ẩm thực trong giờ học chuyên đề môn hóa học - ẢNH: H.X. |
Tại Hà Nội, học sinh tiểu học học 2 buổi mỗi ngày đạt gần 100%. Ở bậc THCS, tỉ lệ này thấp hơn và có sự chênh lệch giữa các quận, huyện. Ông Bùi Ngọc Kính - Trưởng phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) - thông tin: Hiện nay, một số trường THCS trên địa bàn đã tổ chức dạy 2 buổi mỗi ngày, đặc biệt với khối Chín - khóa đầu tiên thực hiện chương trình mới và chuẩn bị cho kỳ thi lớp Mười.
Nhiều năm nay, tại TPHCM, việc học 2 buổi mỗi ngày là một trong những mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng toàn diện và đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.
Thành phố có 92,98% trường tiểu học, 93% trường THCS và THPT thực hiện mô hình này. Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè đã đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi mỗi ngày. Ở cấp tiểu học, mỗi ngày học sinh học 7 tiết chính khóa, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Thời khóa biểu đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa nội dung dạy học và hoạt động giáo dục. Đối với cấp THCS, tổng số tiết dạy trong tuần là từ 37-42 tiết, gồm chương trình dạy học, hoạt động giáo dục.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, việc triển khai dạy 2 buổi mỗi ngày khiến nhiều địa phương lo lắng vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Anh Khoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nguyễn Trung Trực (TP Phú Quốc) - cho biết, trường chỉ mới tổ chức học 2 buổi mỗi ngày cho học sinh tiểu học. Để có thể tổ chức học 2 buổi mỗi ngày đối với học sinh THCS, trường cần ít nhất hơn 15 phòng học nữa.
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Phú Quốc, hiện tại các trường THCS trên địa bàn trong tình trạng quá tải học sinh, đặc biệt là ở phường Dương Đông và An Thới. Năm học 2025-2026 nếu tổ chức giảng dạy 2 buổi mỗi ngày hầu như các trường đều thiếu hơn một nửa phòng học. Ngành giáo dục thành phố đang trình UBND thành phố kiến nghị UBND tỉnh đầu tư, mở rộng các trường, xây dựng phòng học, tuyển dụng giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Trong khi đó, nhiều trường THCS tại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đã triển khai việc dạy 2 buổi mỗi ngày từ nhiều năm nay, như Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Trường THCS Nguyễn Du…
Cần bổ sung giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất
Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Ông Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hà Nội) - cho rằng, để triển khai hiệu quả việc dạy 2 buổi mỗi ngày miễn phí, cần giải quyết nhiều yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Nếu tổ chức bán trú, nhà trường còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chăm sóc học sinh. Bên cạnh đó, các trường cần rà soát, điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp với quỹ thời gian mới, đảm bảo chương trình vừa khoa học, thiết thực, vừa không gây áp lực quá mức cho học sinh. Phương pháp đánh giá cũng cần được đổi mới theo hướng khuyến khích sự tiến bộ cá nhân. Muốn làm được điều này, giáo viên phải được bồi dưỡng chuyên môn về dạy học tích cực, tổ chức hoạt động đa dạng, biết cách quản lý lớp học hiệu quả trong thời lượng kéo dài. Đồng thời cần có cơ chế đãi ngộ tương xứng để tạo động lực và giữ chân người làm nghề |
Ông Huỳnh Văn Hóa - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang - cho biết, địa phương rất vui mừng khi Bộ Chính trị có chủ trương dạy 2 buổi mỗi ngày miễn phí. Trước đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang cũng có chủ trương này và giao cho sở làm đề án miễn giảm học phí. Hiện, địa phương có 135 trường THCS với 107.456 học sinh. Trong thời gian tới, sở sẽ rà soát và có phương án triển khai đạt hiệu quả việc dạy 2 buổi mỗi ngày cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp - cũng cho biết đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu báo cáo phương án về điều kiện, cơ sở vật chất cho học sinh tiểu học và THCS học 2 buổi mỗi ngày trong năm học tới. Ngành giáo dục phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu; chú trọng các vùng khó khăn, vùng biên giới.
Bà nói thêm: “Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng hiện đội ngũ giáo viên tiếng Anh và tin học của tỉnh còn thiếu, chưa đảm bảo đủ số lượng, tỉ lệ theo quy định; trang thiết bị dạy học và phòng học bộ môn chưa đáp ứng tốt nhu cầu”.
Ông Bùi Ngọc Kính cũng thừa nhận, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các môn đặc thù, hạn chế về phòng học, khu thể chất, thư viện… chính là những khó khăn cơ bản mà các trường gặp phải khi triển khai dạy 2 buổi mỗi ngày. Hiện tại, nhiều trường đang khắc phục bằng cách sắp xếp lịch linh hoạt, tận dụng không gian đa năng và điều chỉnh tổ chức lớp học phù hợp. Phòng cũng tham mưu UBND quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Ông đề nghị: “Ngành giáo dục bổ sung biên chế giáo viên ở các môn còn thiếu và đẩy nhanh đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt là cho phép các trường được xây dựng đề án triển khai riêng, phù hợp với điều kiện từng nơi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và công bằng giữa học sinh”.
Ông Nguyễn Đức Cường - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Bình (tỉnh Yên Bái) - đề xuất, nên xem xét hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động buổi 2 và hướng dẫn chi tiết về định mức chi cho từng loại hình hoạt động. Nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa thì những nội dung nào được thực hiện và quy trình thực hiện ra sao, đảm bảo minh bạch và thuận lợi trong tổ chức.
Là một trong những địa phương thực hiện tốt việc dạy 2 buổi mỗi ngày, song ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - vẫn thừa nhận điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học tại TPHCM chưa đồng đều. Nhiều nơi thiếu phòng học, thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học. Từ đó, ông đề xuất nhà nước cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho giáo viên dạy học 2 buổi mỗi ngày trong thời gian tới.
Ý kiến: Nếu khó khăn, trường học đề xuất để các ban ngành hỗ trợ Tôi rất tán đồng với quyết định phải tập trung đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục. Đầu tiên, đối với tất cả cấp học, học sinh đều phải được miễn hoặc hỗ trợ học phí. Thứ hai, phải nghiên cứu những chính sách miễn phí cho học sinh nghèo, cận nghèo, diện khó khăn, trẻ mồ côi, khuyết tật… những nội dung như: suất ăn bán trú; các lớp học kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học; đồng phục và những dụng cụ hỗ trợ học tập. Điều này thể hiện an sinh xã hội và sự chia sẻ với người khó khăn. Học sinh học buổi 2 mỗi ngày miễn phí là để buổi 1 học những kiến thức cơ bản theo chương trình, buổi 2 thực hành, định hướng kỹ năng sống và nâng cao hiểu biết xã hội. Điều này là trách nhiệm của thầy cô giáo. Cán bộ, công chức làm việc 8 tiếng/ngày thì thầy cô ngoài biên soạn tài liệu phải chia sẻ, hỗ trợ hoạt động buổi 2. Các trường học cân đối nguồn ngân sách phân bổ về trường để tính toán, đảm bảo không xảy ra trường hợp thu học phí. Thời gian tới, đội ngũ giáo viên cũng sẽ từng bước được đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở vật chất thì đang đẩy mạnh xây dựng. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn trường học đề xuất để các ban ngành có chính sách hỗ trợ đặc thù. Ngành GD-ĐT TPHCM sẽ nghiên cứu và có định hướng để kiểm soát chặt chẽ việc này. Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM |
Nhóm phóng viên
Bài cuối: Dạy gì ở buổi 2 để học sinh phát triển toàn diện?