Để rút ruột bảo hiểm y tế, bệnh viện thu 50 triệu thay vì 8 triệu cho ca mổ tim

19/10/2017 - 15:37

PNO - Tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang rất phổ biến. Hậu quả, không chỉ quỹ bảo hiểm y tế bị bòn rút mà chính người bệnh bị thiệt thòi vì phải đồng chi trả.

Tại buổi đối thoại về chính sách bảo hiểm y tế khu vực phía Bắc ngày 29/10, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến (thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khẳng định: Tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định chiếu chụp, xét nghiệm nhằm trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang hết sức phổ biến. Hậu quả không chỉ quỹ bảo hiểm y tế bị bòn rút mà chính người bệnh bị thiệt thòi vì phải đồng chi trả.

De rut ruot bao hiem y te, benh vien thu 50 trieu thay vi 8 trieu cho ca mo tim
 

Cụ thể, chi phí tối đa cho một ca mổ tim là 8 triệu đồng nhưng nhiều bệnh viện tách ra thành 4 dịch vụ khác nhau để thu tổng cộng tới 50 triệu đồng. Như vậy, cả người bệnh lẫn quỹ bảo hiểm y tế bị mất thêm 42 triệu đồng từ tiền bòn rút của bệnh viện. 

Hài hước hơn, bệnh nhân đi phẫu thuật lấy thai lẽ ra chỉ được chi trả bảo hiểm y tế 1 lần nhưng bác sĩ lại tách phẫu thuật này thành 2 dịch vụ để thanh toán, bao gồm thanh toán kỹ thuật lấy thai có kèm các dịch vụ cầm máu và thanh toán phẫu thuật lấy thai lần đầu.

“Như vậy, 1 bệnh nhân có đến 2 cái thai? Đây rõ ràng là một trong những chiêu tách dịch vụ tinh vi để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế ” - ông Đức thẳng thắn. Tương tự, có các trường hợp trong phẫu thuật túi mật, phẫu thuật ruột khiến bệnh nhân bỗng dưng có “hai bụng”, “hai túi mật”…

Ông Dương Tuấn Đức dẫn chứng, kiểm tra 5 bệnh viện tại Hà Nội (bao gồm Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), số tiền mà các bệnh viện tăng thu từ tách nhiều dịch vụ trong 1 phẫu thuật lên tới 5,33 tỷ đồng, cùng đó người bệnh cũng bị thu thêm gần 4 tỷ đồng. Số tiền này không nhỏ!

De rut ruot bao hiem y te, benh vien thu 50 trieu thay vi 8 trieu cho ca mo tim
 

Không chỉ có các bệnh viện ở Hà Nội, tình trạng rút ruột quỹ bảo hiểm y tế xảy ra ở nhiều địa phương. Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nêu: Ở An Giang, có trường hợp bệnh nhân bị gãy chân nhưng bác sĩ chỉ định chụp CT scanner tới 5 lần trong 5 ngày liền, dù kết quả giống hệt nhau.  Không chỉ khiến người bệnh mất thời gian, tốn thêm tiền mà việc chụp CT nhiều lần, liên tục cũng nguy hại đến sức khỏe.

Hoặc bệnh nhân ở một bệnh viện huyện dù chỉ bị đau mắt, viêm bờ mi cũng cho làm nội soi tai mũi họng chỉ vì… dịch vụ này có giá cao, thu lãi nhiều.

Cũng theo đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc chỉ định dịch vụ không hợp lý, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nguyên nhân khiến tiền chi bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh tăng vọt trong 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho gần 123 triệu lượt người bệnh với tổng chi trên 71.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, có tới 35 tỉnh thành có số chi bảo hiểm y tế ăng trên 100% như: Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến cho quỹ bảo hiểm y tế giao cho các tỉnh này bị âm hàng nghìn tỷ đồng.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI