Du lịch mạo hiểm - hiểu sai hay sống đúng?

30/08/2017 - 19:45

PNO - Khi quyển hộ chiếu đã chi chít dấu mộc của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, tôi bắt đầu mơ về vùng đất Trung Đông đầy mê hoặc.

Do tính chất phức tạp của tình hình chính trị và xã hội khu vực này, nhiều người không ngần ngại cản tôi, cho rằng chuyến đi này rồi sẽ không mang lại giá trị gì, thậm chí nguy cơ thiệt mạng gần như luôn treo lơ lửng trên đầu.

Một mặt, tôi hoàn toàn trân trọng sự quan tâm này, nhưng mặt khác, tôi hiểu rõ chỉ số rủi ro của những chuyến đi đã được truyền thông thổi phồng lên như thế nào, và cũng cân nhắc cả tình huống xấu nhất. Tất nhiên, chẳng ai muốn bàn về chuyện chết chóc, nhất là với một người chỉ vừa chạm ngõ 20, nhưng tôi vẫn muốn khẳng định: nếu bạn là một trong số những người cho rằng chu du đến những nơi xa lạ là mạo hiểm, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, tôi hoàn toàn ổn với “sự thật” đó. 

Du lich mao hiem - hieu sai hay song dung?

Có hàng tỉ những thứ điên rồ luôn chờ đợi để vồ lấy bạn trong chuyến hành trình đến một vùng đất mới. Tôi đã hoàn toàn có thể bị chuột rút khi đang lặn biển ngắm san hô ở quần đảo Palawan (Philippines), hoặc sơ sẩy trượt chân trên núi Bromo (Indonesia), đấy là chưa kể lần đang dạo chơi ở Siam Center và nghe rõ mồn một tiếng bom nổ ở đền Erawan (Thái Lan)!

Có thể bạn cho rằng việc du lịch “quên mình” như tôi là đang “rước” thêm rủi ro vào người, nhưng với tôi, đó là cách mình thật sự sống chứ không phải tồn tại. Cuộc sống của bạn là đến văn phòng và đi cà phê vào cuối tuần cùng bạn bè; cuộc sống của tôi là khám phá những vùng đất mới, lên kế hoạch cho những chuyến đi và trải nghiệm những điều tôi từng ao ước. Du lịch đã trở thành “công việc”, thành nhịp sống đời thường của tôi theo một cách rất tự nhiên.

Du lich mao hiem - hieu sai hay song dung?

Có một dạo, cái tên Aiden Webb xuất hiện liên tục trên hầu hết các phương tiện truyền thông ở Việt Nam, tuy nhiên trong một hoàn cảnh đáng buồn. Đó là một phượt thủ trẻ người Anh, chỉ mới 22 tuổi, gặp tai nạn và tử vong trong lúc leo núi tự do tại Fansipan. Bên cạnh những mẩu tin cập nhật gần như từng phút, là cuộc tranh luận không ngã ngũ về nguyên nhân cái chết của chàng trai trẻ: chết vì thiếu hiểu biết, chết vì liều mạng không đáng, hay đó là một cái chết đầy… mãn nguyện? 

Có một sự thật là, con người có nguy cơ chết vì tai nạn giao thông hơn là tai nạn máy bay hay khủng bố. Và nếu như bạn không vì sự thật đó mà khuyên rằng “đừng lái xe đi làm, không đáng để phí cuộc đời vậy đâu!”, thì xin đừng bảo một người chớ nên du lịch đến một nơi nào đó. Tôi không tôn vinh lối đi bụi một cách khờ dại bất chấp tính mạng, nhưng nếu buộc phải chọn giữa “mạo hiểm tính mạng” bằng những chuyến dọc ngang thế gian và sống một cuộc sống “an toàn” thì tôi nghĩ rằng, bạn biết rõ lựa chọn của tôi là gì. 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI