Food stylist - 'Phù thủy' cho món ăn

30/10/2017 - 08:32

PNO - Nguyên tắc trong food stylist là không can thiệp quá 20% để vẫn đảm bảo món ăn có độ chân thực so với hình ảnh.

Công việc của một food stylist là trang trí, bày biện đồ ăn sao cho hấp dẫn, lên ý tưởng và chụp ảnh chúng để quảng bá thương hiệu cho các nhà hàng, quán ăn hoặc các công ty chuyên về ẩm thực. Tuy nhiên, “chơi” với đồ ăn không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng.

Nhiều hấp lực

Tỉ mẩn trang trí, tạo dáng cho chiếc bánh pizza rau củ kết hợp với phô mai tan chảy, food bogger Hương Thảo (tên thật Cẩm Thoa, 31 tuổi) cầm lấy máy ảnh, chọn góc độ, ánh sáng thích hợp, cô nhẹ nhàng bấm máy… Những tấm ảnh đẹp lung linh, sống động được up lên fanpage 5 Quả Trứng. Không chỉ vậy, cô còn chia sẻ cách thức làm bánh, cách trình bày món ăn sao cho có hồn nhất. Thảo cười tươi tắn: “Công việc của mình không chỉ đưa đến cho người thưởng lãm những tấm hình đẹp về món ăn, mà còn chia sẻ cách thức nấu nướng”.

Food stylist - 'Phu thuy' cho mon an
Nghề lắm công phu chứ không chỉ là cuộc dạo chơi nghệ thuật

Có công việc ổn định đúng chuyên ngành thiết kế đồ họa, nhưng sau một lần lạc vào trang web làm bánh có hình ảnh đẹp, Hương Thảo bị thu hút một cách kỳ lạ. Cô mày mò học làm bánh, chụp ảnh, xử lý rồi khoe trên facebook. Sự thích thú của người xem với những món ăn, hình ảnh Thảo chụp khiến niềm đam mê trong cô lớn dần. Thảo từ bỏ công việc lương cao để lao vào một nghề mới mẻ, bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam: food stylist.

Food stylist được hiểu là người tạo ra phong cách cho món ăn, đơn giản hơn là thiết kế và trình bày món ăn đẹp mắt theo yêu cầu của khách hàng. Nhiệm vụ của food stylist là phối hợp việc chế biến ẩm thực với nghệ thuật sắp đặt các nguyên liệu, màu sắc để món ăn trông thật đẹp, hấp dẫn trong các buổi thu hình, chụp ảnh truyền thông, quảng cáo…

Food stylist - 'Phu thuy' cho mon an
Food blogger Hương Thảo không chỉ “phù phép” cho món ăn lung linh trên từng bức ảnh, mà còn chia sẻ công thức nấu nướng

Food stylist Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi), hiện đang làm freelancer, bén duyên với nghề rất tình cờ. Đó là ngày cô theo người bà con đến một khách sạn làm phóng sự truyền thông về ẩm thực. Trang đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chứng kiến những thao tác để tạo nên một đĩa thức ăn vô cùng bắt mắt. “Nó có sức hút kỳ lạ, tôi ngẩn người ngắm từng động tác khéo léo, tỉ mỉ khi họ sắp xếp từng chiếc lá rau, từng muỗng nước xốt… như một nghệ sĩ đang sáng tác. Thế rồi mê luôn và theo cho đến nay” - Trang chia sẻ.

Hiện nay nhu cầu quảng cáo liên quan đến đồ ăn, thức uống rất nhiều, chưa kể đến các chương trình thay đổi hình ảnh cho các sản phẩm cũ, đòi hỏi stylist phải liên tục sáng tạo. Thực tế, khi các sản phẩm cạnh tranh không ngừng, các đơn vị tung ra nhiều chương trình quảng cáo, từ in ấn trên thực đơn, bao bì, tạp chí hay xuất hiện trong các clip quảng cáo trên mạng xã hội, trên truyền hình đều cần có food stylist để trang điểm cho món ăn. Ngay cả việc quảng cáo các gia vị thì món ăn đi kèm cũng phải thật bắt mắt. Do đó, food stylist hiện đang là một nghề được săn đón.

Theo tiết lộ của những food stylist đình đám như Nguyễn Đăng Phương, Bùi Lý Tiến Nguyên: một ngày lao động, họ có thể được trả 3.000 USD, một tấm ảnh sẽ được trả từ 200-500 USD là chuyện rất bình thường. Đây cũng là một hấp lực để nhiều bạn trẻ dấn thân vào nghề.

Nghề lắm công phu

Để trở thành một food stylist đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Những người làm công việc này cần có sự nhẫn nại, thái độ làm việc tốt. Sự tinh tế trong việc trang trí và làm đẹp cho các món ăn đòi hỏi họ phải vô cùng tỉ mỉ, cầu toàn từ những chi tiết nhỏ nhất. 
Kinh nghiệm sau nhiều năm “lăn lộn” với nghề, Minh Ngọc nhận định: “Đây là công việc cần sự tỉ mỉ, tinh tế, óc sáng tạo để có thể kết hợp khéo léo giữa món ăn và yếu tố nghệ thuật trong cùng một bức ảnh. Do đó, bên cạnh việc theo học trường lớp mỹ thuật bài bản, kinh nghiệm làm việc trong ngành lâu dài, thì lòng yêu nghề cũng như năng khiếu của bản thân mỗi người là hai yếu tố then chốt để theo đuổi công việc tới cùng”.

Khi nhận được hợp đồng chụp ảnh, các food stylist sẽ phải lên ý tưởng hình ảnh, tìm kiếm nguyên liệu và thường phải thử nghiệm trước nhiều lần. Với họ, đôi khi cả ngày chỉ loanh quanh bên đồ ăn. Do đó, nghề food stylist yêu cầu cần có kiến thức nhất định về ẩm thực. “Chẳng hạn, một lát hành cắt sau 5 phút thì màu sắc và đường nét sẽ không còn sắc cạnh nữa, hoặc bắp chuối sau khi thái ra, để trong giây lát sẽ bị đen, chả giò chiên khi vớt ra sẽ ngả màu đậm… như vậy khi chụp ảnh sẽ bị xấu”- Bùi Lý Tiến Nguyên, có thâm niên năm năm trong nghề, nói. 

Food stylist - 'Phu thuy' cho mon an
Để hoàn thành tác phẩm như ý phải mất hàng giờ, thậm chí cả tháng

Cũng theo Tiến Nguyên, khi làm việc dưới sức nóng của đèn studio, thực phẩm nhanh héo hơn so với bình thường, vì vậy, đôi khi phải chuẩn bị một số lượng nguyên liệu lớn để thay thế. Ví dụ để làm một tô mì gói có khi phải tốn tới cả thùng mì, hay chụp một đĩa salad thì cần cả rổ rau lớn dự phòng.

Chưa hết, muốn món ăn lên hình bắt mắt, sống động, phải cắt lát ớt dài hay ngắn, miếng hành dày hay mỏng… cũng là công việc của food stylist. Không chỉ chăm chút món ăn, ngay cả việc chọn các phụ kiện để trang trí như bát đũa, thìa dĩa, khăn trải bàn, dao thớt… cũng phải là những mẫu mã độc đáo. 

“Stylist cho món ăn truyền thống của Việt Nam lại càng khó hơn vì sử dụng rất nhiều loại gia vị, chúng đều có quy tắc kết hợp chặt chẽ, thực phẩm này phải đi với gia vị nào, nếu không hiểu biết, food stylist có thể làm hỏng hoàn toàn hình ảnh của món ăn” - đầu bếp Quang Việt chia sẻ.

Food stylist - 'Phu thuy' cho mon an
 

“Chụp món ăn đẹp, có hồn khó hơn nhiều so với chụp người mẫu thời trang. Bởi người mẫu có thể tự di chuyển, tạo dáng còn món ăn thì không. Chụp một món ăn, bình thường mất cả tiếng đồng hồ, đôi khi chụp cả ngày, hơn ngàn tấm ảnh nhưng chỉ chọn được một tấm”- Hương Thảo cho biết. Cô cũng từng mất cả tuần liền chỉ để tìm cách làm cho những viên kem vẫn còn lạnh bốc khói, và cận cảnh được từng thớ kem viên, hay kem nón cao vót mà không bị tan chảy.

Đôi khi để món ăn đẹp, các stylist phải sử dụng “tiểu xảo” như thay kem giả, đá giả vào ly nước, ly kem để món ăn hấp dẫn hơn, quan trọng hơn là không bị tan chảy sau hàng tiếng đồng hồ bị xoay vần. “Tuy nhiên, nguyên tắc trong food stylist là không can thiệp quá 20% để vẫn đảm bảo món ăn có độ chân thực so với hình ảnh. Đồng thời, hình ảnh cũng không được lạm dụng photoshop” - Hương Thảo bộc bạch. 

Nghề food stylist đã có từ lâu trên thế giới, ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Dẫu còn rất mới nhưng food stylist được đánh giá là một nghề rất hứa hẹn trong tương lai, bởi nhu cầu xã hội đang rất cần. 

Chính từ sức hút của nghề này, một số trường ở Việt Nam đã mở ngành đào tạo chuyên sâu như Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Trường Dạy nghề ẩm thực Netspace… Không ít bạn sẵn sàng ra nước ngoài theo học, hoặc tự mày mò theo các clip hướng dẫn của nước ngoài, tham gia các diễn đàn về food stylist trên các trang mạng xã hội để trao đổi, học hỏi cách làm đẹp, trang điểm cho những món ăn đa màu sắc và có những shot hình 
bắt mắt.

Phúc Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI