Khi cái ác đầy rẫy trên mạng xã hội

15/03/2017 - 17:14

PNO - 'Lẽ nào facebook đã thật sự trở thành một công cụ để người ta ném đá?"-một câu hỏi đã được đặt ra.

Một cuộc trao đổi mang tính phản biện xã hội thú vị giữa bạn đọc trẻ và TS Đặng Hoàng Giang, tác giả hai cuốn sách "Bức xúc không làm ta vô can" và "Thiện, Ác và Smartphone", vừa diễn ra tại Trường Soul Music & Performing Arts Academy (TP.HCM).

Một cú click chuột, like, share hay bình luận trên mạng xã hội (MXH) về 'những điều trông thấy' là góp phần cụ thể cho việc lan tỏa những giá trị, sức mạnh cộng đồng hay lẫn lộn giữa cái tôi tự do trong ranh giới thiện-ác mong manh trên mạng. 

Khi cai ac day ray tren mang xa hoi
TS Đặng Hoàng Giang


'MXH đang trở thành những phòng, ban mà người dùng tán dương nhau, chỉ trích nhau hay tranh thủ phê phán theo dư luận mà không nhìn rõ bản chất vấn đề, cũng như không ai nhận ra nhau. Họ chỉ tập trung vào bề nổi, không hiểu rõ được phía sau sự việc, con người, hiện tượng mà họ đang nói là gì.

Facebook hiện đã trở thành một công cụ ném đá giấu tay mà chúng ta không kiểm soát được nữa. Facebook hướng đến mục tiêu mở rộng kết nối, giao lưu tinh thần, giải trí cho cộng đồng, nhưng đồng thời cũng đẩy người dùng phải đối mặt với những hệ quả khôn lường của công cụ này' - TS Đặng Hoàng Giang đặt vấn đề.

Người tham dự đầu tiên chia sẻ là một giáo viên dạy văn. Cô từng chọn hai cuốn sách phản biện xã hội của TS Đặng Hoàng Giang làm sách tham khảo trong chương trình giảng dạy của mình, cũng là người từng viết trên trang cá nhân về những điều chưa đúng, chưa tốt của lãnh đạo.

Cô băn khoăn, việc mình làm là góp một tiếng nói hay lại bị quy về khái niệm 'ném đá trên mạng'? Nhiều người khác cũng có cùng nỗi băn khoăn, khi nhận thức rõ “tự do cá nhân, tự do ngôn luận trong thời đại thế giới phẳng” và những hệ lụy của nó đã sinh ra một 'MXH xô bồ, nhiễu loạn'.

Khi cai ac day ray tren mang xa hoi
 

'Tôi cảm thấy xấu hổ khi từng gõ những lời tàn nhẫn trên bàn phím mà không để ý đến số phận con người đằng sau câu chuyện' - Thu Hà, tác giả cuốn sách best-seller "Con nghĩ đi, mẹ không biết!" bày tỏ. Chuyện ném đá trên mạng đang ngày càng phổ biến. Vai trò định hướng, nắm giữ “dòng chủ lưu thời sự” của báo chí truyền thống gần như đã không còn.

Chỉ cần một cú phát pháo nào đó trên MXH về một điều được cho là trái tai gai mắt là tức thì làn sóng dư luận sẽ dồn vào đó. Hàng ngàn, hàng triệu bình luận xuất hiện, phần lớn là “chửi cho sướng miệng” vì “có ai biết mình đâu”. Một cách vô tình, người dùng facebook đã cùng nhau tạo nên một MXH đầy những búa rìu ngôn từ khiến “nạn nhân” phải lao đao, khốn khổ. 

Một trong những câu chuyện mà TS Nguyễn Phương Mai chia sẻ là chuyện cô gái che mặt bằng chiếc áo lót thấm nước chạy ra khỏi quán karaoke đang bốc cháy ở Hà Nội vào tháng 9/2016. 'Thay vì khen cô gái biết xử lý tình huống rất thông minh, vô số những bình luận độc ác đã dìm cô xuống bùn đen. Người ta mặc định cô là gái bán hoa, xúc phạm nhân cách của cô và ám chỉ nếu cô chết thiêu thì cũng đáng.

Hai ngày sau vụ hỏa hoạn, cô gái phải kêu lên: 'Lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến giờ để nhận những miệt thị từ các bạn?'. Rất nhiều những ví dụ tương tự làm 'dậy sóng dư luận” mà TS Đặng Hoàng Giang đã viết trong cuốn Thiện, Ác và Smartphone, chỉ cần nhắc qua là những người hàng ngày lao theo “thời sự facebook” sẽ nhớ ngay. 

Khi cai ac day ray tren mang xa hoi
Thay vì khen ngợi cô gái đã thông minh, biết cách thoát khỏi đám cháy an toàn thì người ta lại ném đá

'Có những chia sẻ, dự án được triển khai trên mạng kết nối khác thì rất ổn, nhưng đến facebook thì lại bị nghi ngờ, soi mói, ném đá. Lẽ nào facebook đã thật sự trở thành một công cụ để người ta ném đá?

Chúng ta có cần thiết phải tạo dựng một MXH mới không? Facebook ban đầu cho người dùng có cảm giác được tự do, nhưng thật đáng sợ khi nó đang ngày càng đẩy con người vào cái tự do cực đoan. Quá nhiều thông tin và quá nhiều sự nhiễu loạn” - một facebooker trẻ bình luận.

Ở vai trò người phản biện các vấn đề xã hội, TS Đặng Hoàng Giang không “quy tội” cho facebook: “Tôi vẫn theo dõi các trang cá nhân, fanpage, nhóm hoạt động tích cực để có cái nhìn nhiều chiều về những giá trị kết nối và tư tưởng tích cực trong cộng đồng. Tuy nhiên, muốn làm trong sạch MXH hay có những quy định kiểm soát facebook chặt chẽ như một số quốc gia châu Âu thì cần cả một quá trình. Vấn đề nền tảng ai cũng thấy rõ là ở con người'. 

“Bạn sẽ không chịu nổi khi nhận ra mình từng độc ác như thế nào” - nhà báo Phạm Trung Tuyến góp một lời bàn về thiện-ác thời smartphone. Anh cho rằng, khi hiểu vấn đề một cách đa chiều, người dùng sẽ “không thể like, share hay bình luận những câu chuyện trên MXH vội vã như thế nữa.

Nói theo một đúc kết của TS Đặng Hoàng Giang và Tôn Nữ Thị Ninh là: "Hãy nói những điều chúng ta biết có thể góp phần lan tỏa và làm nên sự thay đổi, hãy phê bình ai đó nếu chúng ta chắc chắn rằng khi đối diện với họ mình cũng có thể nói như đã viết trên mạng; bằng một tư duy tích cực và cả sự khéo léo của ngôn từ".

                                                                                                        Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI