Người trẻ cũng 'dính' ung thư cổ tử cung

30/11/2018 - 06:56

PNO - Ung thư cổ tử cung không còn là bệnh của người lớn tuổi, tiền mãn kinh. Có không ít phụ nữ chưa đến 30 tuổi đã mắc căn bệnh này.

Nhiều ca độ tuổi chỉ ngoài 23 

Từ đầu năm đến nay, khoa Ngoại 1 Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM đã tiếp nhận 5 ca ung thư cổ tử cung (CTC) ở phụ nữ còn rất trẻ: từ 23-28 tuổi. 

Mới đây, chị Lê Thị H.N. (24 tuổi, ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bị xuất huyết âm đạo, đau vùng chậu nên đến BV ở địa phương khám. Nơi đây nghi ngờ chị bị ung thư CTC nên chuyển lên BV Ung Bướu TP.HCM. Khi nghe bác sĩ kết luận bị ung thư CTC giai đoạn IIA, chị N. bàng hoàng. Bởi chị vốn khỏe mạnh và nghĩ đây là bệnh của người lớn tuổi, chứ trẻ như chị làm sao mắc được.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 BV Ung Bướu TP.HCM - cho biết, CTC của chị N. bị sang thương rất lớn. Ngày 14/11 các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tử cung và nạo hạch chậu hai bên cho chị N.

Nguoi tre cung 'dinh' ung thu co tu cung
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đang tư vấn cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung

Còn chị Nguyễn Thùy A. (28 tuổi, ở TP.HCM) vừa mới đính hôn thì phát hiện ung thư CTC giai đoạn sớm. Chị đã rất sốc và kiên quyết thà chết chứ không cắt bỏ tử cung, vì khát khao làm mẹ. Chị A. kể, cách đây ba tháng, chị đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm HPV chủng 16, bị dị sản tế bào CTC độ 3 (tổn thương tiền ung thư CTC). Tuy nhiên, giải phẫu bệnh cho thấy chị A. bị carcinom tế bào gai xâm lấn của CTC nên phải phẫu thuật cắt tử cung tận gốc. Do chị A. mới đính hôn, các bác sĩ Khoa Ngoại 1 đã hội chẩn cùng ban giám đốc về phương án điều trị và quyết định lần đầu thực hiện cắt CTC chừa lại thân tử cung để giữ lại cơ hội làm mẹ cho chị.

Phát hiện càng sớm tỷ lệ điều trị khỏi càng cao

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng khoa Xạ 2 BV Ung Bướu TP.HCM, kiêm Trưởng bộ môn Ung thư Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: nguyên nhân gây ra bệnh ung thư CTC là do vi-rút HPV, trong đó hầu hết là do chủng 16 và 18. 

Các yếu tố nguy cơ có liên quan: quan hệ tình dục bừa bãi, sinh con đầu sớm, sinh nhiều con, sử dụng rượu bia, thuốc lá... Các triệu chứng của ung thư CTC là: xuất huyết âm đạo bất thường, kinh nguyệt không đều, khí hư có mùi hôi, người bệnh bị mệt mỏi nhiều, có cảm giác buồn nôn, cảm giác đau vùng chậu, đau bụng. 

Khi phát hiện ung thư CTC ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư vẫn còn ở lớp bề mặt, chưa thâm nhập vào sâu bên trong các mô nên chữa khỏi thành công đến 100%. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống 5 năm sau khi phẫu thuật giai đoạn sớm (giai đoạn 0, IA) gần 100%. Tuy nhiên, khi sang giai đoạn muộn, tỷ lệ sống giảm dần: giai đoạn IB - 80%, giai đoạn IIA - 63%, giai đoạn IIB - 58%, giai đoạn III - 30%, giai đoạn IVA - 16%. Hiện có các phương pháp điều trị: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hay phối hợp các phương pháp tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư CTC là tiêm vắc-xin ngừa vi-rút HPV cho nữ từ 9-26 tuổi; tầm soát ung thư CTC định kỳ; hạn chế quan hệ tình dục không an toàn; không quan hệ tình dục sớm, không sinh con sớm và sinh nhiều con, không hút thuốc lá, uống rượu bia. 

Nhiều khảo sát cho thấy nhiều bệnh nhân ung thư CTC sau điều trị không tiếp tục quan hệ tình dục do sợ tái phát. Về vấn đề này, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh khẳng định: “Sau điều trị ung thư CTC, phụ nữ vẫn có thể sinh hoạt tình dục như trước đây, hoàn toàn không có chuyện quan hệ làm bệnh tái phát. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị và kiêng quan hệ lâu sẽ làm âm đạo bị teo, ít giãn. Do đó, khi quan hệ lại thì âm đạo bị nong ra, trầy xước, chảy máu, chứ không phải do bệnh tái phát. Để tránh tình trạng này, các chị nên gần gũi chồng thường xuyên hơn, sẽ giúp âm đạo được giãn ra. Nếu khó khăn có thể dùng chất bôi trơn, thuốc bổ sung nội tiết tố…”. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI