Sống chậm ở Nepal

31/12/2018 - 06:00

PNO - Tôi đã từng ngần ngại khi chọn khám phá Nepal vì những tàn tích từ trận động đất cách đây vài năm vẫn còn khắp các mặt báo. Liệu rằng một thủ đô phủ bụi có đáng để khám phá?

Nước mắt Kathmandu đã cạn 

Tôi đến Nepal khi mặt trời đã xế bóng và bắt đầu ngay chuyến tham quan thủ đô Kathmandu. Chiếc taxi cũ rích thả tôi xuống ngôi đền Kumari. Người dân nơi đây đang thả những đồng xu xuống mặt hồ và cầu nguyện. Quanh các tháp chuông, dòng người nối đuôi nhau đi thành vòng tròn để mong lời khẩn cầu được thành sự thật. Những con đường tại thủ đô Kathmandu phủ bụi dày đặc, nhiều ngôi nhà không rõ màu sơn, những trận kẹt xe dài hàng chục cây số vì đường “lở loét” được xem là “đặc sản”. 

Song cham o Nepal
Đường phố đông đúc tại thủ đô Kathmandu

Tại Kathmandu, tour khám phá thủ đô khiến bất kỳ du khách nào cũng choáng ngợp trước hệ thống quảng trường, đền đài, cung điện cổ. Nền văn minh rực rỡ của Nepal thể hiện đầy đủ qua bảy kỳ quan được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới tọa lạc ở Kathmandu, Latipur, Bhaktapur. Bất kể đến một di tích nào tại đây, những cây tre, thanh gỗ chồng chéo để giữ cho công trình được đứng vững đều khiến du khách ngần ngại khi bước vào. Sau trận động đất kinh hoàng năm 2015, số công trình bị hư hại khiến người dân Nepal đau đớn nhưng chỉ một số trong đó được xây dựng lại vì quá tốn kém.

Song cham o Nepal

Tôn giáo ngự trị

Tại Nepal, đạo Hindu (Ấn Độ giáo) là tôn giáo chính, xếp sau là Phật giáo và một phần nhỏ những tôn giáo khác. Ở vùng đất sùng đạo như Nepal, hằng ngày, người dân tập trung tại các đền đài rất đông. Trong đó, đền Pashupatinath thu hút số lượng người theo đạo Hindu đến viếng mỗi ngày đông không tưởng. Vì không theo đạo Hindu và không phải là người dân địa phương nên tôi chỉ có thể nhìn từ bên ngoài nơi thờ tự chính. 

Song cham o Nepal
 

Ngoài đạo Hindu, Nepal là điểm hành hương quen thuộc của Phật tử. Một địa điểm du khách không thể bỏ sót là Lumbini - nơi sinh của Đức Phật Thích Ca. Tại Lumbini, người dân không tập trung đông như ở các ngôi đền theo Ấn Độ giáo, mà lượng du khách đến hành hương chiếm phần lớn.

Song cham o Nepal

Số lượng đền thờ tại Nepal rất lớn, riêng thủ đô Kathmandu tập trung gần hết những công trình kiến trúc tiêu biểu của quốc gia. Mỗi ngày, đến đền thờ hành lễ, cầu nguyện là thói quen của mọi người dân, chưa kể nơi đây một năm nghỉ lễ hơn 130 ngày nên khá nhiều người sống quanh quẩn tại các đền đài. Có lẽ vì hành đạo thường xuyên nên nhịp sống nơi đây rất chậm. Người ta không vội vã bon chen, không xem trọng hình thức.

Song cham o Nepal
Con rối được bày bán tại quảng trường Syambhu Nath

Chinh phục đỉnh Poon Hill 

Sau hai ngày tham quan thủ đô, tôi đến sân bay địa phương để di chuyển sang thành phố Pokhara, bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Poon Hill cao 3.210m. Ga quốc nội từ Tribhuvan đến Pokhara chỉ toàn du khách quốc tế với đầy đủ tư trang chuẩn bị cho chuyến leo núi. Trên máy bay, các hành khách phải khom lưng để di chuyển đến vị trí ngồi của mình. Tuy nhiên, sự bất tiện chỉ thoáng qua. Qua ô cửa máy bay, đỉnh núi Annapurna (7.219m) hiện ra giữa những đám mây thu hút sự chú ý của tất cả hành khách. Những tiếng ồ vang lên mỗi khi ánh nắng xuyên mây làm vàng rực đỉnh núi hùng vĩ.

Song cham o Nepal
Đường leo núi đi qua nhiều ngôi làng cổ

Quãng đường đến Nayapul ngoằn ngoèo lại nhiều “ổ gà, ổ voi” khiến tôi thót tim, có lúc tưởng mình sắp rơi xuống vực. Đến Nayapul, tôi bắt đầu chinh phục đích đến đầu tiên - Tikhedhunga (1.540m) trong gần 6 tiếng thay vì 4 tiếng như dự kiến do dốc cao và sai lầm của tôi là vác ba-lô gần 10kg trên vai. 

Buổi tối đầu tiên trên sườn dốc, tôi hầu như không ăn được những món có vị cà-ri quen thuộc của người địa phương. Lựa chọn khác là bánh mì ốp la và mì gói. Càng lên cao, thực phẩm càng hạn chế, nếu không muốn ăn, bạn cũng không còn lựa chọn nào khác. Chưa đến 5 giờ chiều nhưng không khí lạnh đã tràn xuống, hướng dẫn viên khuyên tôi nên… đi ngủ vì hành trình chinh phục hơn 40km đường rừng để nhìn ngắm núi Machapuchare (6.997m), Hiunchuli (6.441m) và Annapurna (7.219m) vào hôm sau rất khắc nghiệt.

Buổi sáng tại Tikhedhunga là một trải nghiệm khó quên trong đời. Hơn 5 giờ sáng, tôi được đánh thức bởi tiếng chim hót lao xao trên mái nhà, tiếng leng keng từ chuông cổ của các chú ngựa thồ hàng. Trời vẫn lạnh và đôi chân vẫn ê buốt từ hành trình hôm qua. Hít một hơi dài, tôi bắt đầu hành trình của mình cùng với cô bạn Hàn Quốc mới quen.

Song cham o Nepal
Khu dừng chân trên đỉnh Poon Hill nhìn từ trên cao

Càng lên cao không khí càng loãng, tôi khó thở và đôi chân dường như không còn điều khiển được nữa. Ngày thứ hai, tôi dành thời gian nghỉ dọc đường gấp đôi ngày đầu. Ngày thứ ba, hành trình đến Ghandruk Via Tadapani càng gian nan hơn khi có quá nhiều dốc dựng đứng. Những đoàn khách khác cũng uể oải không kém. Duy chỉ có những đoàn ngựa thồ hàng từ chân núi lên, những người vác thuê hành lý cho khách di chuyển liên tục.

Tuy nhiên, đền đáp cho hành trình vất vả là những ngôi làng ven triền núi tuyệt đẹp. Những ngôi nhà trồng đủ các loại hoa, những xấp vải thổ cẩm rực rỡ màu sắc được phơi trước sân và đám con nít nằm trên phiến đá phơi nắng tạo nên khung cảnh thật thơ mộng. Giữa rừng, vài con suối chảy róc rách, tiếng chim ríu rít và hoa rừng li ti ngốn không ít thời gian của du khách.

Song cham o Nepal
Chuỗi vòng, mặt Phật được bày bán ở tất cả các điểm tham quan

Ngày cuối, chúng tôi phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để kịp di chuyển đến đỉnh cao nhất Poon Hill - 3.210m đón bình minh. Không khí lạnh kèm việc cơ thể yếu dần sau hai ngày leo núi khiến đôi chân tôi không thể nhấc nổi, nhưng vì hướng dẫn viên nói rằng từ đỉnh Poon Hill có thể ngắm ba ngọn núi tuyết dọc dãy Himalaya nên tôi quyết không bỏ cuộc. Giữa nhiệt độ dưới 100C, cầm trong tay một ly trà nóng, ngắm núi tuyết đằng xa được phủ trong những tia nắng đầu ngày, trò chuyện cùng bạn bè tứ xứ là một trải nghiệm khó quên trong đời.

- Từ Việt Nam không có đường bay thẳng sang Nepal nên bạn phải quá cảnh tại một quốc gia khác. Giá vé tùy theo hãng và thời gian đặt, dao động từ 350 - 650 USD. Trong chuyến đi này, tôi chọn hãng China Southern Airlines, quá cảnh tại Quảng Châu, giá vé khuyến mãi ở mức 760 USD/khứ hồi.

- Thủ tục xin visa rất đơn giản: khi đến sân bay Tribhuvan, thủ đô Kathmandu, bạn sẽ được nhân viên hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh bằng máy. Bạn chỉ cần mang theo ảnh 4x6 và tiền USD để trả phí (visa du lịch 15 ngày có mức phí 24 USD, 30 ngày là 40 USD và 90 ngày là 100 USD), điền vào đơn xin visa và tờ khai nhập cảnh. Tại đây, bạn có thể đổi tiền Nepal để tiện sử dụng.

- Đến Nepal, bạn nên chọn các công ty du lịch địa phương để tiện cho việc tham quan, chẳng hạn như Life Dream. Công ty du lịch này đón khách tận sân bay và đưa ra nhiều tour khác nhau để du khách lựa chọn từ trước. Đa số du khách thường chọn khám phá Nepal ở hai điểm: thủ đô Kathmandu và một thành phố sở hữu một trong các ngọn núi nổi tiếng dọc dãy Himalaya. 

- Ở Kathmandu hoặc Pokhara đều có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Tại Kathmandu, tôi lưu trú ở phố mua sắm Thamel. Từ đây di chuyển đến tất cả các di tích của thủ đô đều gần. Tất cả nơi lưu trú ở Nepal đều phục vụ bữa sáng. Đa phần món ăn đều có cà-ri. Bạn sẽ phải chi khoản phí khá đắt nếu muốn ăn đồ Trung Quốc, Thái Lan trên đất Nepal.

- Giao thông ở Nepal rất lộn xộn, tình trạng kẹt xe diễn ra hằng ngày. Nếu muốn chuyến đi thoải mái hơn, bạn nên thuê xe có điều hòa (nhóm đông người) hoặc chọn đi máy bay với những chặng gần. Đừng quên mang theo khẩu trang, nón và kem chống nắng.

- Thông thường, chỉ hơn 6 giờ sáng, du khách sẽ rời Poon Hill để dùng bữa sáng và bắt đầu hành trình xuống núi. Bạn có thể ăn sáng ngoài trời để nhìn ngắm không gian hùng vĩ của núi rừng hoặc dùng bữa bên cạnh lò sưởi trong nhà. Tại Poon Hill, du khách có hai lựa chọn để xuống núi: hoàn thành hành trình hai ngày theo đường rừng hoặc chọn dịch vụ trực thăng đưa đón với giá 1.200 USD (mất hơn 30 phút). Nếu chọn trực thăng, bạn sẽ được nhìn ngắm một phần dãy Himalaya và thành phố Pokhara từ trên cao.

Bài và ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI