Ăn kiểu Ấn không chỉ đơn giản là 'bốc lủm'

02/12/2017 - 07:00

PNO - Khi ăn uống, những tiếp xúc trực tiếp của cơ thể với thức ăn là một cách khơi gợi mọi giác quan trọn vẹn nhất là lý do vì sao người Ấn dùng tay để bốc thức ăn thay vì dùng muỗng đũa.

Phần ăn truyền thống Ấn Độ gồm những gì?

Những món ăn Ấn Độ thường được bày biện trên một mâm thiếc tròn (còn gọi là Thali), hoặc trên một tấm lá chuối xanh mướt. Một phần ăn Ấn Độ cơ bản gồm có bánh mì (chapati, paratha, roti, naan, hay idli), món chính (rau củ và các loại thịt), món phụ (rau trộn, bánh papad, dưa muối), nước xốt daal hoặc sambar và cơm trắng. Tuy nhiên, cách ăn đúng không phải bốc mỗi phần một ít rồi cho vào miệng một lần, mà phải ăn từng phần riêng biệt như một cách thể hiện sự trân trọng món ăn và những người ăn cùng.

An kieu An khong chi don gian la 'boc lum'
 

Dùng tay bốc thế nào mới chuẩn?

Nếu chưa một lần dùng bữa với người Ấn Độ, có lẽ ai cũng nghĩ ăn “bốc lủm” kiểu Ấn chẳng khác cách ăn finger food (những món ăn phải dùng tay bốc của phương Tây như khoai tây chiên, gà rán…), cũng như chẳng thể hiểu được người Ấn trân trọng thực phẩm đến nhường nào. Này nhé, trước khi ngồi vào bàn, bạn phải rửa sạch tay để đảm bảo vệ sinh và thể hiện sự tôn trọng với người ăn cùng mình. Bạn sẽ sử dụng tay phải để bốc thức ăn, vì theo người Ấn, tay trái chỉ dùng để... vệ sinh cá nhân nên bị xem là dơ bẩn.  

Trước một đĩa to ngồn ngộn thức ăn, nếu còn bối rối vì không biết phải bắt đầu từ đâu, bạn cứ nhớ trình tự của cách ăn truyền thống. Đó là xé một mẩu bánh mì nhỏ và dùng nó để kẹp phần thức ăn chính cho vào miệng, rồi mới chuyển sang dùng các món phụ. Sau khi dùng hết phần bánh mì, bạn tiếp tục rưới ít nước xốt daal hoặc sambar lên phần cơm trắng nóng hổi, nắm lại thành từng nắm nhỏ rồi ăn cho đến 
hết suất.

Tư thế ngồi ăn cũng khá quan trọng, bạn không được ngồi thẳng lưng mà nên nghiêng mặt, khi đưa thức ăn vào miệng, hãy cúi xuống thật thấp để thức ăn không rơi vãi. Chưa hết, đừng cho tay vào miệng hay liếm đầu ngón tay sau mỗi lần “bốc lủm”, bởi hành động này được người Ấn cho là bất lịch sự. 

An kieu An khong chi don gian la 'boc lum'
 

Ăn hết, nhưng chưa chắc đã xong bữa

Bởi ăn xong rồi, bạn còn phải thực hiện thêm một nghi thức quan trọng này nữa: gấp lá chuối. Đây chính là cách “thay lời muốn nói” ý nhị của người Ấn. Chẳng hạn gấp đôi lá chuối theo chiều dọc, phần rìa lá hướng về phía người ăn là cách báo rằng bạn đã dùng xong và cảm ơn người đã làm ra món ăn ngon. Nếu người ăn quay phần sống lá về phía mình, thì bạn cần hiểu rằng họ muốn chia sẻ nỗi đau mất đi người thân của ai đó đang cùng dùng bữa với họ. Và để không phải nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm, sau khi ăn xong, bạn nên đợi những người cùng bàn ăn hết rồi mới đi rửa tay.

Nhìn cách người Ấn cầu kỳ cẩn thận với những quy tắc riêng biệt của mình, mới cảm nhận được họ trân trọng thực phẩm và người dùng bữa cùng mình thế nào. Điều này thực sự đáng quý, bởi những cư xử xấu xa, tiêu cực khó mà tồn tại, khi người ta đối với nhau bằng tất cả sự tôn trọng, thái độ biết ơn và lòng tử tế.  

Hạnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI