Nữ hoàng chấm bi

04/07/2016 - 14:03

PNO - Ai cũng có thể sử dụng họa tiết chấm bi, nhưng người nâng những chấm tròn thành nghệ thuật, triết lý, với tư tưởng riêng thì chỉ có “nữ hoàng chấm bi” người Nhật Bản.

Cách đây ba năm, công chúng tại Việt Nam có dịp chứng kiến tận mắt những tác phẩm nghệ thuật của một trong những nữ nghệ sĩ ấn tượng nhất thế giới. Triển lãm sắp đặt có tên “Yayoi Kusama - những nỗi ám ảnh” tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản khi ấy để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều người. 

Nu hoang cham bi

Địa điểm trưng bày cỡ trung bình, chưa thật sự lý tưởng để lột tả đầy đủ chiều kích một số tác phẩm tiêu biểu của Kusama; tuy vậy, phong cách nghệ thuật của “nữ hoàng chấm bi” thể hiện khá rõ. Trong khuôn viên ngoài trời, 1.500 quả bóng bằng inox được trải ra nửa sân, thể hiện sắp đặt mang tên “Vườn hoa thủy tiên” và chín tác phẩm chấm bi khác với tên gọi “Biển chỉ đường tới không gian mới” được bố trí ở nửa sân còn lại và trong ga-ra ô tô. Bước vào phòng triển lãm là sắp đặt “Những ám ảnh chấm bi”, nơi khán giả có thể chiêm ngưỡng một trong những sắp đặt nổi tiếng nhất của Kusama với gương và bóng chấm bi. Cùng với đó, phòng bếp nhỏ trong khu nhà ngang của trung tâm dành riêng cho sắp đặt khá mới của Kusama lúc ấy là “Tôi ở đây, mà lại không ở đây”, mang trải nghiệm ảo giác 2D và 3D qua những chấm phản quang.

Nu hoang cham biMột triển lãm của Kusama.

Với những ai quan tâm đến các trào lưu “avantgarde” trên thế giới thì Yayoi Kusama là cái tên gắn với tinh thần tiên phong, đột phá và những sáng tạo của bà phá vỡ chuẩn mực của vẻ đẹp ước lệ kiểu cũ. Tên tuổi của Kusama từng gây tranh cãi, người ta từng gọi bà là “nghệ sĩ khùng”, “cây cọ điên”, “nghệ sĩ đa chủ nghĩa”... Nhưng đến lúc này, sức sáng tạo và ảnh hưởng mạnh mẽ mà Kusama tạo ra đã được thừa nhận là đỉnh cao. Nhiều tác phẩm của bà đã được mua với giá từ bốn đến sáu triệu USD tại các cuộc đấu giá.

Chuyện một cá nhân được cả thế giới biết đến qua “đại diện nghệ thuật” là những chấm tròn tối giản thì có kỳ lạ? Xin thưa rằng không, vì đó là thành quả dành cho sự ưu tú của những con người chọn được con đường đúng, bất kể hướng đi của họ từ khởi đầu có được chia sẻ hay không. Sinh năm 1929, tức nay 87 tuổi, có nghĩa là Yayoi Kusama đã có bảy thập kỷ hoạt động sáng tạo. Theo đuổi nghệ thuật từ rất sớm, đến năm 19 tuổi, Kusama bắt đầu nghiên cứu bài bản về hội họa tại Tokyo và dành mối quan tâm đến phong cách avant-garde Âu - Mỹ. Ở tuổi đôi mươi, “nữ hoàng chấm bi” thực hiện nhiều cuộc triển lãm cá nhân ở Matsumoto và Tokyo. Tới năm 1957, Kusama đến Mỹ, sống ở New York và công bố loạt tác phẩm hội họa theo trường phái biểu hiện trừu tượng. Tiếp đó, bà chuyển sang điêu khắc, sắp đặt, rồi dần đến với phong trào “pop art”. Kusama bắt đầu khai thác những chấm màu khi sơn chúng lên những người xuống đường trong phong trào phản văn hóa của giới “hippie” những năm 1960.

Đến năm 1973, nữ nghệ sĩ Nhật trở về quê hương, làm công việc kinh doanh nghệ thuật trong vài năm. Khoảng bốn năm sau, bà tự nguyện vào sống ở bệnh viện tâm thần sau khi trải qua khủng hoảng tâm lý. Tại đây, bà tiếp tục tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật với nhiều hình thức thể hiện khác nhau; đồng thời công bố một số cuốn tiểu thuyết, một tập thơ và một cuốn hồi ký. Di chứng rối loạn thần kinh từ bé khiến cho mọi thứ bà nhìn thấy như bị ngăn cách bởi tấm màn loang lổ những chấm tròn. Chính những hình họa chấm bi ấy trở thành nỗi ám ảnh, là “liệu pháp” thiền và cũng có thể coi là sự “cứu rỗi” đối với Kusama.

Đến nay, nữ nghệ sĩ cao niên có vẻ ngoài ấn tượng vẫn sáng tác. Những tác phẩm ở đủ các lĩnh vực của bà, dù là hội họa, điêu khắc, sắp đặt, hay phim ảnh, thời trang, kiến trúc… thì cũng đều xoay quanh nghệ thuật ý niệm và những chấm bi sặc sỡ, thông qua đó bật lên tư tưởng về nữ quyền, giải phóng con người, truy vấn tâm lý - bản thể, khát vọng tình yêu - hòa bình, nỗi sợ trước bí ẩn vũ trụ… Bà Kusama nói: “Tôi tìm thấy ý nghĩa cuộc đời khi sáng tạo chấm bi. Trong quá trình vẽ nên những chấm tròn đó, tôi từng bước trị bệnh cho mình. Với tôi, chấm bi là biểu tượng của cuộc sống vô cùng vô tận. Chấm bi truyền tải thông điệp hòa bình cũng như tượng trưng cho một trái tim luôn luôn khao khát tình yêu và đó là triết lý nhân sinh của tôi”.

BÙI DŨNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI