Chuyện ít biết về hành trình trả lại tên tác giả mẫu quốc huy Việt Nam

18/12/2018 - 06:00

PNO - Chính quyền TP.Hà Nội vừa có quyết định lấy tên danh họa Bùi Trang Chước đặt cho một con đường ngay tại quê gốc của cụ - làng Phú Thượng, nay là P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Họa sĩ Bùi Trang Chước từng được biết đến là “ông tổ” vẽ tem bưu chính và là “cha đẻ” của mẫu tiền giấy Việt Nam. Bây giờ, nhiều người đã biết cụ là tác giả của tác phẩm quốc huy Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng, tác phẩm ấy đã từng trải qua tranh chấp suốt nhiều năm và được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) làm sáng tỏ.

Công phu đi tìm mẫu gốc

Từ ngày mẫu quốc huy Việt Nam được Quốc hội khóa V thông qua (tháng 9/1955) cho đến năm 2004, luôn có cuộc tranh luận âm thầm: ai là người đã vẽ mẫu quốc huy đó, họa sĩ Trần Văn Cẩn hay họa sĩ Bùi Trang Chước?

Chuyen it biet ve hanh trinh tra lai ten tac gia mau quoc huy Viet Nam
Chân dung danh họa Bùi Trang Chước

Từ lúc còn sống cho đến khi thành người thiên cổ, cả hai họa sĩ trên lại chẳng mặn mà với cuộc tranh cãi này, nên nghi vấn vẫn cứ nối dài. Sau này giấy tờ, đơn khiếu nại, khiếu kiện ầm ĩ, ngay cả Bộ Văn hóa Thông tin (cũ), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và một số cơ quan trung ương cũng “loay hoay” trong nhiều năm.

Giữa những ý kiến trái chiều, cần phải có một cơ quan hữu trách với những biện pháp, nghiệp vụ khoa học đứng ra giám định và kết luận. Cuối cùng, theo trưng cầu của Cục Bản quyền tác giả, Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an đã vào cuộc.

Viện KHHS đã cùng với Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan chức năng đến tận gia đình hai cố họa sĩ, thu thập tài liệu gốc, cũng như các tài liệu mà gia đình hai bên cho rằng đáng tin cậy để đưa về giám định, so sánh. Thậm chí, cán bộ Viện KHHS còn vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để tiếp cận với bản gốc mẫu quốc huy được giữ gìn ở thời điểm gần năm 1955 nhất. Bản mẫu này sẽ được coi như cơ sở để đem ra so sánh với hai bản phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam mà phía gia đình người thân của hai cố họa sĩ đem đến để Viện KHHS tổ chức giám định.

Về nguyên tắc, cơ quan giám định sẽ trả lời tài liệu nào là tài liệu gốc, tài liệu thật; và bản phác thảo nào có nhiều điểm giống với mẫu quốc huy Việt Nam đã được thông qua năm 1955 hơn. Từng họa tiết giống và khác nhau giữa hai bức phác thảo với mẫu quốc huy được phân tích kỹ càng.

Ví dụ, bông lúa nào dày hạt hơn, bánh xe nào nhô lên phần tâm hình tròn hơn, hình tròn nào lộ tâm nhiều hơn, gốc của các bông lúa được vẽ ra sao, chân đế của hình mẫu quốc huy ở mỗi bản phác thảo khác nhau như thế nào. Các biện pháp phân tích khoa học cũng được thực hiện kỹ càng như chụp, quét, in màu, phóng to các họa tiết lên màn hình lớn để quan sát, so sánh.

Có mẫu, khi Cục Bản quyền tác giả đưa ra bản phô-tô, các chuyên gia giám định không chấp nhận mà trực tiếp đi tìm mẫu gốc. Có mẫu, nhóm chuyên gia phải tìm trong cả một gian nhà toàn tài liệu, trước tác của gia đình để được đúng mẫu có giá trị (riêng vẽ mẫu quốc huy, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có tới 94 phác thảo). Một cán bộ giám định kể, khi đến nhà họa sĩ Trần Văn Cẩn, có một bức vẽ quốc huy to treo trên tường, dưới mẫu quốc huy viết “Tác giả: họa sĩ Trần Văn Cẩn”.

Mẫu quốc huy là vinh dự chung cho cả giới mỹ thuật

Khi Viện KHHS thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ông Phan Quốc Khanh - khi đó đang là Phó phòng Giám định tài liệu, Viện KHHS, là một trong những người trực tiếp giám định. Ông cho biết, hai bản viết tay “Tôi vẽ mẫu quốc huy” (họa sĩ Bùi Trang Chước) và “Chúng tôi làm quốc huy” (họa sĩ Trần Văn Cẩn) là do chính các vị tự tay viết.

Chuyen it biet ve hanh trinh tra lai ten tac gia mau quoc huy Viet Nam
Mẫu quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước đã chính thức được Quốc hội khóa V thông qua trong kỳ họp diễn ra vào tháng 9/1955.

Qua giám định và so sánh, mẫu phác thảo quốc huy số 18 (bản sửa cuối cùng) của cố họa sĩ Bùi Trang Chước do gia đình cung cấp có 4 chi tiết cơ bản gồm hình bông lúa, hình ngôi sao, dải băng và phần gốc bó lúa có những đặc điểm cùng một số thể hiện giống với mẫu quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in trên trang bìa tài liệu có dòng chữ Quốc hội họp khóa V tháng 9/1955 do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cung cấp.

Trong khi bản phác thảo mẫu quốc huy mà họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ (do gia đình cung cấp) chỉ có hai điểm giống một cách khá “gượng”. Đặc biệt, những mẫu phác thảo quốc huy do gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước cung cấp đều có chữ ký bằng nét bút chì đã được giám định là của chính họa sĩ Chước. Đó cũng là những mẫu giống cơ bản với mẫu quốc huy Việt Nam đã được Quốc hội thông qua năm 1955. Ngược lại, mẫu phác thảo quốc huy do gia đình và những người bảo vệ quan điểm “họa sĩ Cẩn là tác giả” cung cấp lại không có chữ ký của cụ Cẩn.

Ông Khanh cho biết, khi đi thu thập mẫu của họa sĩ Trần Văn Cẩn, có khi, chính người cung cấp mẫu còn sòng phẳng nói: “Chữ viết bên dưới là do tôi viết thêm sau này”. Vậy là khi đó, chưa ai có đủ tài liệu chứng minh được rằng cố họa sĩ Trần Văn Cẩn là tác giả của bức phác thảo. Đúng như nhận xét của một cán bộ trong cơ quan giám định, những tài liệu (gồm chữ viết, chữ ký, bản phác thảo, công văn...) đã được giám định cho thấy, hệ thống bằng chứng về việc cụ Chước là tác giả vẽ mẫu quốc huy thuyết phục hơn.

Theo một số cán bộ trực tiếp tham gia vụ việc, giám định bản phác thảo nghệ thuật không phải là công việc thường xuyên của họ, nhưng bằng nghiệp vụ cộng với sự hỗ trợ của máy móc chuyên dụng, họ đã có thể phân biệt được chữ viết, chữ ký cũng như những biểu hiện “làm giả”, “tẩy xóa”, hoặc “viết thêm vào văn bản”. Ví như, khi cần tìm hiểu chữ viết trong “hồi ký” mà gia đình hai cụ đưa ra có phải chính xác là di bút của hai cụ không, hoặc tìm hiểu những chữ ký của cụ Chước bằng bút chì trong các mẫu vẽ để lại, cán bộ giám định phải đi tìm chữ viết tay của cụ Chước từ năm 1969-1972, thời cụ còn ở tận miền Nam, còn hoạt động trong ngành ngân hàng để so sánh rồi mới dám khẳng định.

Chắc chắn rằng, hai cố họa sĩ tài danh ấy cũng chẳng thích thú gì khi lớp hậu sinh phải đau đầu vì chuyện này. Tình bạn, tình đồng chí, cả tình yêu nghệ thuật và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc của họ mới là điều lớn lao hơn. Gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước cũng rất trăn trở khi gửi đơn thư kiến nghị trong nhiều năm.

Trong tư liệu mà con cháu hiện còn giữ, cụ Chước có kể về những ngày “trên trung ương đã duyệt mẫu và có ý kiến đề nghị tôi sửa lại cho bông lúa (trong phác thảo mẫu quốc huy) nhiều hạt. Tôi sửa đi sửa lại hai lần”. Rồi đến một ngày cụ Chước nghe tin “vì điều kiện thời gian gấp, trên trung ương có nói họa sĩ Trần Văn Cẩn đến tập trung một chỗ để sửa và làm gấp mẫu quốc huy cho kịp”.

Khi đọc những dòng họa sĩ Bùi Trang Chước viết lúc sinh thời, mới thấy dường như ông đã tiên đoán được việc có lời tạc công của ông, của giới mỹ thuật như ngày hôm nay: “Nếu như mẫu quốc huy này do sự đóng góp chung của tập thể họa sĩ, mỗi người một phần tạo nên thì theo tôi là không nên đề tên một người nào hết, vì đó không phải của riêng một ai làm ra, đó là vinh dự chung cho cả giới 
mỹ thuật”.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI