Bổ nhiệm người thân làm lãnh đạo: Quy trình chỉ là hình thức

28/09/2016 - 11:30

PNO - ''Quy trình đề ra nó chỉ là hình thức và nó chẳng khó khăn gì để hợp thức việc đó với một ông chủ tịch hay bí thư nếu như họ muốn''

Tại phiên làm việc chiều 21/9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề cập đến việc dư luận và báo chí phản ánh hiện tượng lãnh đạo bổ nhiệm người trong gia đình làm quan.

Ủy ban tư pháp đề nghị , Chính phủ phải kiểm tra làm rõ quy trình bổ nhiệm người thân và công khai kết quả:

''Thủ tướng từng nói chúng ta tuyển người tài chứ không tuyển người nhà. Do đó những phản ánh về việc bổ nhiệm người thân dù đúng hay sai phải có giải trình, kiểm tra, làm rõ. Đề nghị Chính phủ ghi nhận xem xét các phản ánh và chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra các trường hợp cụ thể'', Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Bo nhiem nguoi than lam lanh dao: Quy trinh chi la hinh thuc
Quy trình chỉ là hình thức?

Chặt chẽ nhưng lại lỏng lẻo

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đăng Long, Nguyên Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc bổ nhiệm người thân, người nhà làm cán bộ không hiếm ở Việt Nam. Từ các Bộ, ngành Trung ương đến các tỉnh, thành quận, huyện nếu kiểm tra kỹ càng thì sẽ dễ dàng phát hiện ra những hiện tượng trên.

“Lúc nào bổ nhiệm cán bộ cũng đúng quy trình cả. Chẳng ai dại gì không làm đúng quy trình cả. Nhưng quy trình chỉ là hình thức thôi.

Tôi lấy ví dụ, ra lấy ý kiến của tập thể cấp ủy, ý kiến của cán bộ chủ chốt về bổ nhiệm con, người thân làm lãnh đạo thì ông bố đang nắm quyền cao nhất ở đơn vị đó thì cấp dưới ai cũng sẽ giơ tay. Chẳng ai dám bảo không tán thành.

Trường hợp Mỹ Đức (Hà Nội) thời cả huyện làm lãnh đạo, tôi đã đề cập tới vấn đề này. Ở cấp huyện đã thế thì đi các quận, huyện, tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thì chuyện này nó không hiếm. Thậm chí nó phổ biến.

Quy trình đề ra nó chỉ là hình thức và nó chẳng khó khăn gì để hợp thức việc đó với một ông chủ tịch hay bí thư nếu như họ muốn”, ông Long nêu quan điểm.

Theo ông Long, quy trình bổ nhiệm cán bộ của Việt Nam không hề lỏng lẻo mà rất chặt chẽ với đầy đủ các thủ tục, hồ sơ. Và nếu để kiểm tra quy trình đó nhằm phát hiện ra sai phạm cũng sẽ không hề đơn giản.

“Nào là phải đi thẩm tra lý lịch cán bộ, rồi đánh giá cấp này, cấp nọ, trình độ này, trình độ kia, chặt chẽ vô cùng. Dù chặt chẽ nhưng lại lỏng lẻo đối với những người đó có quyền, có chức.

Đấy là tôi còn chưa nói đến sự móc ngoặc ở cơ quan này với cơ quan kia. Tôi gửi con tôi sang bên anh, rồi đến lượt anh gửi con anh sang bên tôi. Đó cũng là một vấn đề”, ông Long thẳng thắn.

Nguyên Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trước đây cũng có nhiều trường hợp con em lãnh đạo làm cán bộ, nhưng họ rất xứng đáng vì đã trải qua thực tiễn, đi lên từ phong trào và có sự nỗ lực thật sự. Thế nhưng, bây giờ nó rất phổ biến và có nhiều cái không rõ ràng.

“Dù còn rất trẻ 25,26 tuổi nhưng nhiều vị là con của các lãnh đạo, đã làm những vị trí cao, được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Ở ngoài hiện nay có câu “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Chúng ta muốn xử lý, kiểm tra quá trình bổ nhiệm nhưng tôi cho rằng rất khó”, ông Long nói.

Quan trọng là ở bản thân lãnh đạo

Theo ông Long tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà làm lãnh đạo dù đã được nhắc đến nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc của vấn đề. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì tâm lý chung của người Việt đó là bố mẹ phải lo lắng cho con cái.

“Bố mẹ phải lo lắng cho con học hành đến nơi, đến chốn. Nhất là khi con cái đã trưởng thành bố mẹ phải tìm cho con một công ăn việc làm ổn định, có chỗ đứng trong xã hội thì càng tốt”, ông Long phân tích.

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, ông Long cho rằng, có những trường hợp người lãnh đạo muốn công tâm, không muốn ưu ái cho người nhà, con cái của mình nhưng chính người đó lại bị áp lực từ gia đình, dòng họ, thậm chí là làng xóm.

“Tư duy “một người làm quan cả họ được nhờ” vẫn tồn tại vì vậy việc không muốn ưu ái cho con em, họ hàng cũng rất khó. Nếu không bổ nhiệm người thân, người nhà thì những người đứng đầu cơ quan nhà nước sẽ bị gia đình chỉ trích, dòng họ, hàng xóm chê cười. Đó cũng là một cái khó”, ông Long cho biết.

Nhiều trường hợp cấp dưới vì muốn lấy lòng cấp trên mà tự chủ động đề bạt, giới thiệu người nhà, con cái của lãnh đạo vào các chức vụ chủ chốt.

“Cấp dưới thường có tâm lý sợ quyền lực, sợ cấp trên trù úm, gây khó dễ. Vì thế họ sẽ không dám đấu tranh mà chấp nhận tuân theo số đông. Thậm chí còn nịnh cấp trên, chủ động giới thiệu, tạo điều kiện cho con ông ấy tiến bộ. Như vậy không ưu ái cũng khó”, ông Long phân tích.

Về giải pháp cho vấn đề này, theo ông Long điều quan trọng nhất đó là sự gương mẫu của những người đứng đầu các cơ quan ở Trung ương đến các tỉnh, thành, địa phương trong việc cất nhắc đưa con cháu, người thân, tạm thời trong lĩnh vực mình phụ trách, trong quyền hạn của mình.

“Chúng ta nên có những quy định chặt chẽ hơn khi đề bạt, cất nhắc người nhà. Thậm chí nhiều nước người ta cấm đưa người nhà, con cái thân cận vào cùng một cơ quan.

Thứ hai là phải công khai, minh bạch công tác cán bộ, đưa ra những tiêu chí, nhận định, đánh giá để xem xét con người hết sức cụ thể, tránh việc nhận xét chung chung về phẩm chất đạo đức, tránh tình trạng có những người nhận xét rất ác ý nếu như không muốn đề bạt, bổ nhiệm”, ông Long lưu ý.

Thêm vào đó, Nguyên Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, nên chú trọng đến việc thi tuyển các chức vụ, vị trí lãnh đạo công khai như nhiều nước cũng như một vài tỉnh, thành ở Việt Nam đang áp dụng.

“Chúng ta nên làm theo quy trình mà một số nơi đã từng làm như tổ chức tuyển chọn công khai. Công khai đồng chí A, đồng chí B rồi đưa ra những tiêu chí cụ thể. Rồi lập ra hội đồng, tư vấn có tính chất độc lập, không lệ thuộc vào đơn vị, thủ trưởng đó. Khi đưa ra công khai như vậy thì tôi nghĩ không sợ gì cả. Còn xét theo kiểu như hiện nay thì sẽ không khắc phục được tình trạng này”, ông Long khẳng định.

Dương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI