Những nơi trẻ em không được đến trường

07/09/2015 - 14:14

PNO - Ở Trung Đông và Bắc Phi hiện có hơn 13 triệu trẻ bị tước đoạt quyền đến trường, chiếm 40% đối tượng bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến triền miên.

Nhung noi tre em khong duoc den truong
Một cậu bé Syria thẫn thờ khi hay tin trường học bị đánh bom - ẢNH: TELEGRAPH

Chiến tranh, bất ổn chính trị đã phủ bóng đen lên tương lai của biết bao trẻ em vô tội. Liên Hiệp Quốc (LHQ) một lần nữa gióng hồi chuông thúc giục người lớn thức tỉnh, trả lại tuổi thơ vốn dĩ là tuổi thần tiên, được học tập và vui chơi của trẻ em.

Ở Trung Đông và Bắc Phi hiện có hơn 13 triệu trẻ bị tước đoạt quyền đến trường, chiếm 40% đối tượng bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến triền miên.

Đằng sau mỗi con số ấy là một câu chuyện gắn với số phận của những đứa trẻ hoang mang, hoảng sợ trước chiến tranh. Thế giới bàng hoàng khi nhìn thấy thi thể bé trai ba tuổi Aylan Kurdi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ. Em nằm như đang ngủ say. Em kết thúc cuộc hành trình đến với thế giới này mà chưa kịp hưởng trọn niềm hạnh phúc đến trường.

Ngày 4/9 có lẽ là ngày ảm đạm nhất của người dân Kobane, Syria khi bố của Aylan làm lễ chôn cất, tiễn đưa hai con trai bỏ mạng trong chuyến vượt biển đau thương.

Bức ảnh hơn vạn lời nói, như mũi dao đâm thẳng vào lương tri của bất cứ ai có liên quan đến cuộc chiến đẫm máu nhiều năm ở Syria hay bất cứ ai nghĩ rằng chiến tranh có thể giải quyết được xung đột.

Sức mạnh của bức ảnh tiếp tục lan tỏa. Một số quốc gia Tây Âu mới đây đã đồng ý tiếp nhận người tị nạn sau khi họ từ bỏ quê nhà, đánh cược với số phận vì muốn giữ lấy mạng sống một cách an toàn nhất nơi đất khách quê người.

Quỹ Nhi đồng LHQ nhấn mạnh, trẻ thiệt thòi nhất là trẻ ở Syria, Iraq, Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Libya, Sudan, khu vực dải Gaza. Các em vốn đã khổ sở vì bất ổn chính trị nay phải đối mặt với sự đe dọa tứ phía.

Tuần trước, đúng dịp học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, phiến quân thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động ở Palestine đã phóng tên lửa ngay khu vực dải Gaza, gây cho các em một phen khiếp sợ.

Mâu thuẫn được đẩy lên thành bạo lực leo thang giữa các phe phái ở Yemen, đỉnh điểm từ tháng 3/2014 đến nay đã khiến hàng trăm trường học đóng cửa, 1,8 triệu trẻ bơ vơ, không còn chỗ học.

Bất ổn kinh tế cũng là nguyên nhân đẩy chuyện học hành của trẻ vào đường cùng. Tháng Tám vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s tuyên bố Puerto Rico vỡ nợ.

 Với dân số 3,5 triệu người, Puerto Rico chọn cách xoay xở gây phản ứng dữ dội trong dư luận là giảm giáo viên, đóng cửa nhiều trường học, tăng thuế, cắt giảm chi tiêu y tế và bán tài sản của chính phủ. Puerto Rico đã đóng cửa 100 trường học. Điều đáng buồn là nhiều chuyên gia tài chính trong và ngoài nước cho rằng đây là việc cần làm.

Đói nghèo đâu hẳn là “bản án tử” của học vấn. Một số quốc gia nhiều năm nay đã quyết tâm giữ gìn nền giáo dục, và xem đây là điều kiện cho đất nước đi lên.

Năm 2005, Burundi quyết định bỏ học phí, giúp tỷ lệ trẻ em vào tiểu học gia tăng từ 54% lên 94% trong sáu năm. Bằng cách tăng gấp đôi chi tiêu cho giáo dục, Ghana cũng đưa số trẻ em đến trường từ 2,4 triệu trong năm 1999 tăng lên 4,1 triệu vào năm 2013.

Nhung noi tre em khong duoc den truong
Trẻ em Palestine chong đèn học trong các trại tị nạn - ẢNH: JERUSALEM POST

Chồng chất, đan xen nhiều nỗi lo là thế nhưng ngọn lửa hy vọng vẫn chưa tắt. Len lỏi đâu đó vẫn còn những điều đẹp đẽ dành tặng các em. Hơn hai năm trước, rời bỏ quê hương Syria để đến trại tị nạn Za’atari miền Bắc Jordan, chàng trai trẻ Qusam Ghouzlan mang theo ước mơ tạo nên không gian sống vui vẻ cho bản thân và những người cùng cảnh ngộ.

Thay vì bi quan, đắm mình trong suy nghĩ tiêu cực, Qusam Ghouzlan dạy trẻ làm xiếc, sống tích cực. Tổ chức phi lợi nhuận của Phần Lan Sirkus Magenta hỗ trợ Qusam thực hiện dự án vì họ cho rằng, chỉ cần trẻ ham mê học điều mới mẻ, hữu ích thì đó là điều kiện giúp các em đóng góp cho đất nước của mình.

Ông Abu-Hasna, người phát ngôn của UNRWA (Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ) kêu gọi giáo viên và phụ huynh chung tay giúp năm học mới được bắt đầu đúng với ý nghĩa thiêng liêng của nó và tất cả cùng hướng đến thế hệ tương lai.

Kate O’ Sullivan, nhân viên truyền thông thuộc thành phố Ramallah của Palestine nói rằng, điều khiến anh ấn tượng nhất khi đi qua những con phố có nhiều trại tị nạn là hình ảnh những ngọn nến được tô vẽ trên vô số bức tường.

Các em nhỏ khao khát đến trường và hằng đêm vẫn chong đèn tìm kiếm con chữ. Các em tràn đầy hy vọng mình sẽ thay đổi được hiện tại mờ mịt.

Anh Thông (Theo NY Times, Jerusalem Post, Middle East Monitor)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI