Thành phố Hồ Chí Minh: Nước mặn lấn sâu, nước ngọt cạn dần

23/03/2016 - 07:45

PNO - Những ngày này, tình trạng xâm nhập mặn ở TP.HCM đã lấn sâu đến tận mũi Nhà Bè, phà Cát Lái và khu vực Thủ Thiêm.

Thanh pho Ho Chi Minh: Nuoc man lan sau, nuoc ngot can dan
Liệu người dân vùng sâu vùng xa TP.HCM có đủ nước sạch để dùng khi tình trạng xâm nhập mặn tăng cao? - Ảnh: P. Huy

Những ngày này, tình trạng xâm nhập mặn ở TP.HCM đã lấn sâu đến tận mũi Nhà Bè (sông Nhà Bè), phà Cát Lái (sông Đồng Nai) và khu vực Thủ Thiêm (sông Sài Gòn). Hàng trăm cống tiêu thoát nước đã phải đóng chặt để bảo vệ hoa màu, ao cá… 

Hàng ngàn hecta hoa màu, tôm cá bị ảnh hưởng

Ngày 22/3, tại khu vực rạch Bà Bướm (Q.7), chúng tôi ghi nhận nhiều ao nuôi cá đang cạn kiệt nước, cá theo nhau chết. Tại ao cá của chị Nguyễn Thị Nhi (ở P.Phú Thuận, Q.7), chúng tôi nhẩm đếm có không dưới 20 con cá nằm “phơi bụng” dưới hồ. Chị Nhi ngao ngán: “Ngày nào cũng vớt vài chục con. Cứ kéo dài thế này chắc cá chết hết”. Theo chị Nhi, đầu năm ngoái chị thả xuống hơn 15 tấn cá trê, cá phi, cá tra nhưng hiện chị ước tính trong hồ chỉ còn khoảng 14 tấn. Nguyên nhân là nước hồ bị rút cạn liên tục. Từ khoảng cuối năm ngoái, nước hồ đã có dấu hiệu nhiễm mặn. Để cứu ao cá, vợ chồng chị đắp đập ngăn không cho nước ngoài sông Sài Gòn tràn vào hồ. Từ đó, nước trong hồ cạn dần. Đã nhiều lần chị bơm nước ngọt từ những ao nước gần đó vào hồ nhưng chẳng thấm tháp gì.

Tại các xã Tân Nhựt và Phong Phú (H.Bình Chánh), hàng chục ao cá cũng lâm cảnh tương tự. Theo anh Nguyễn Văn Bá (xã Tân Nhựt), sau hơn ba tháng chống chọi với hạn mặn, hiện mực nước trong ao cá của anh đã cạn mất gần một nửa, chỉ còn sâu trên dưới 1,5m. Nước trong hồ quá ít nên khoảng một tháng gần đây, cá chết ngày càng nhiều. Anh đang lo không biết hơn 1.000 con cá phi trong hồ có chịu được đến mùa mưa. Anh Trần Văn Quý (nhà cách đó khoảng 1km) còn khổ hơn, vì trước đó không biết mặn đã xâm nhập nên anh vẫn để nước ngoài kênh ra vào thoải mái. Hậu quả là cá chết sạch.

Tại xã An Phú Tây (H.Bình Chánh), nhiều hộ dân trồng hoa màu và cây ăn trái cũng khó khăn không kém. Theo người dân nơi đây, hiện các con kênh xung quanh đã được chính quyền địa phương ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào, nên vấn đề đáng lo lúc này không phải sợ cây chết vì nước mặn mà lo thiếu nước ngọt để tưới. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều vườn trồng chanh, ổi ở đây chưa có hiện tượng cây chết vì nhiễm mặn, nhưng phần lớn đều còi cọc, khó phát triển.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM, hiện tổng diện tích nuôi thủy sản ở TP.HCM khoảng hơn 280ha. Trong đó, tập trung ở H.Bình Chánh hơn 267ha tại các xã Tân Nhựt, Phong Phú; số còn lại chủ yếu ở H.Củ Chi. UBND H.Bình Chánh cho biết, hiện nguồn nước chính phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản lấy từ rạch Bà Ty, sông Chợ Đệm và sông Cần Giuộc đã bị nhiễm mặn. Đối với tình hình trồng trọt, theo Sở NN-PTNT TP, hiện tổng diện tích sản xuất vụ Đông Xuân hơn 23.000ha, trong đó hơn 4.500ha trồng lúa, số còn lại trồng các loại cây khác. Nếu tình hình xâm nhập mặn kéo dài như hiện nay lúa và hoa màu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng

Hai ngày trước, các chỉ số đo đạc được của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TP.HCM cũng cho thấy, tình hình xâm nhập mặn năm nay nghiêm trọng hơn hẳn năm ngoái. Cụ thể, nước mặn đã xâm nhập đến mũi Nhà Bè trên sông Nhà Bè với độ mặn lên đến 13,32‰, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ có 9,04‰; tại khu vực Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn độ mặn 6,03‰, cùng kỳ năm ngoái chỉ 3,49‰; tại khu vực phà Cát Lái trên sông Đồng Nai độ mặn lên đến 8,45‰, cùng kỳ năm ngoái chỉ 4,9‰…

Theo Sở NN-PTNT, hiện mực nước hồ Dầu Tiếng đang xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2014 đến 1,2m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 1,4m. Như vậy, lượng nước thiếu hụt ước tính lên đến 300 triệu m3. Vừa qua, hồ Phước Hòa phải chuyển nước liên tục bổ sung cho hồ Dầu Tiếng với lưu lượng 50m3/s. Hiện mực nước tại đập hồ Phước Hòa đã thấp hơn mực nước chết đến 1,4m, không còn khả năng chuyển nước cho hồ Dầu Tiếng nữa. Trong khi đó, do nắng hạn gay gắt, mực nước hồ Dầu Tiếng đang xuống rất nhanh, bình quân 3cm-6cm/ngày.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, CT đang phải tổ chức cấp nước luân phiên giữa Tây Ninh, Long An và TP.HCM. Trong đó, TP.HCM được cung cấp nước các ngày Chủ nhật, thứ Hai, Ba hàng tuần. Tỉnh Tây Ninh và Long An được cấp nước các ngày còn lại. Đáng lo là sắp tới dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp hơn với độ mặn có thể tăng thêm từ 2‰ - 4‰, vì thời điểm này chưa phải là đỉnh điểm mùa khô.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI