Những cây cầu chờ… sập

21/03/2016 - 09:38

PNO - Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh không phải là vụ tai nạn đầu tiên kiểu này. Trước đó rất nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra...

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh (P.Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) làm ba người rớt xuống sông, thoát chết trong gang tấc không phải là vụ tai nạn đầu tiên kiểu này. Trước đó rất nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra, nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Nguy cơ chực chờ

Việc tàu, thuyền, sà lan đâm va vào cầu những năm gần đây xảy ra liên tục khắp các tỉnh, thành. Tại TP.HCM, năm ngoái xảy ra ít nhất bốn vụ. Cụ thể, vào khoảng cuối năm 2015, cầu Phước Kiển (nối xã Nhơn Đức với xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) bị một sà lan chở cát đâm suýt sập. Rất may không xảy ra thương vong.

Trước đó hai tháng, một sà lan chở cát tải trọng hàng trăm tấn khi lưu thông trên sông Chợ Đệm (xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh) đã tông làm toàn bộ cầu Cái Tâm chìm xuống sông. Vụ tai nạn không có thương vong nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, việc đi lại của người dân trong khu vực vất vả nhiều tháng trời. Sau khi cầu cũ bị sập, Nhà nước tốn hơn 17 tỷ đồng xây cầu Cái Tâm mới.

Cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) đã nhiều lần bị sà lan “húc”. Chỉ trong năm ngoái, cây cầu này hứng chịu hai cú đâm va từ các sà lan. Cầu này phục vụ đường bộ lẫn đường sắt nên khi gặp sự cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả hai loại hình giao thông. Giữa năm ngoái, để giải cứu sà lan kẹt cứng bên dưới và đội gầm cầu lên, lực lượng cứu hộ phải huy động thợ hàn đến cắt trụ neo. Năm tháng sau, “kịch bản” lặp lại, sà lan đâm vào thành cầu làm đường ray tàu hỏa bên trên lệch khoảng 25cm. Hậu quả, các chuyến tàu hỏa qua khu vực này “chết đứng” nhiều giờ liền.

Nhiều cây cầu khác trên đường Lê Văn Lương (nối Q.7 với H.Nhà Bè) như cầu Rạch Tôm, Phước Kiển… cũng đứng trước nguy cơ gặp nạn rất cao. Trên các tuyến sông này, tàu thuyền lớn qua lại hàng trăm lượt mỗi ngày. Khi thủy triều lên cao, nhiều tàu lớn chui qua chỉ còn cách thành cầu khoảng 0,5m.

Nhung cay cau cho… sap
Các nhân viên nhà ga, cảnh sát đang căng sức tiếp nhận lượng hành khách “khủng” được trung chuyển đến từ TP.HCM

Cần đầu tư sớm

Hầu hết các cầu nêu trên đều có điểm chung: cũ kỹ , độ tĩnh không rất thấp. Anh Trần Văn Hòa, một tài công dày dạn kinh nghiệm trong việc điều khiển sà lan, ngao ngán: “Tôi thông thuộc hầu hết các tuyến sông, rạch ở TP.HCM, nhưng vẫn rất ngán khi điều khiển phương tiện qua đây”. Nguyên nhân chính là tĩnh không các cầu trên địa bàn TP.HCM rất thấp. Anh Hòa cho biết, khi lai dắt sà lan trọng tải khoảng 300-400 tấn từ H.Cần Giờ đến Q.7, đi qua cầu Long Kiển rất sợ vì lúc thủy triều lên cao, dòng nước chảy mạnh, sơ sẩy là bị nạn ngay.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 200 cây cầu không đảm bảo tĩnh không (giữa mặt nước và thành cầu thấp hơn 3m, tập trung chủ yếu trên địa bàn Q.7, Q.Bình Thạnh, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè… Trong khi đó, theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, luồng tuyến vận tải đường thủy ở TP.HCM rất phức tạp. Nhiều tuyến nước rút, lên bất thường như: Bến Nghé - rạch Bà Tàng, kênh Văn Thánh…

Tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) nhận định, để xảy ra tai nạn tàu, sà lan va mố cầu vừa có lỗi của tài công, vừa có lỗi của các cơ quan quản lý. Nhiều cầu trên địa bàn TP.HCM xây dựng từ thời Pháp, có tuổi thọ gần trăm năm, nhưng chưa được nâng cấp. Hiện nay dù các cầu cũ, nhưng trên cầu vẫn ghi rõ độ tĩnh không thấp. Từ xa tài công có thể nhìn thấy, thừa biết có qua được hay không, nhưng nhiều người vẫn cố tình đánh liều cho tàu chui qua. Trong khi đó, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, phần lớn chỉ phạt hành chính khi vi phạm.

“Kinh tế ngày càng phát triển, không thể bắt các doanh nghiệp chỉ đầu tư tàu thuyền nhỏ để đi lại an toàn. Vấn đề này còn liên quan đến phát triển kinh tế đường thủy, hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp. Tất nhiên việc đầu tư xây mới cầu tốn kinh phí rất lớn. Nhưng những cầu trên các tuyến đường huyết mạch hoặc đường sắt phải được quan tâm đầu tư sớm vì khi xảy ra tai nạn, sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đối với cầu chưa nâng cấp ngay được phải có biện pháp cảnh giới từ xa”, tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia ngành giao thông vận tải nói.

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI