Coi chừng biến chứng khi trẻ nhiễm siêu vi

11/08/2016 - 09:42

PNO - Chỉ trong tháng 7/2016, số trẻ bị nhiễm siêu vi (NSV) đến khám tại BV Nhi Đồng 2 TP. HCM đã lên đến 10.000 ca, với các triệu chứng ho, sổ mũi, sốt... trong đó, có 266 trẻ nhập viện, 6.521 trẻ điều trị ngoại trú.

Riêng trẻ bị viêm hô hấp trên có 1.273 ca nhập viện, 43.053 ca điều trị ngoại trú. Đáng lưu ý, trẻ NSV có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang, viêm kết mạc mắt, viêm não, viêm tủy…

Không dùng kháng sinh, lạm dụng thuốc hạ sốt

Bác sĩ (BS) Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi Đồng 2, cho biết, thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, độ ẩm tăng cao, siêu vi phát triển là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị mắc bệnh do NSV. Một trong những bệnh thường gặp nhất là trẻ bị cảm cúm. Tất cả những trường hợp bị cảm cúm đều do siêu vi. Tuy nhiên, cảm cúm do những loại siêu vi thông thường sẽ tự khỏi sau 3-10 ngày, tùy sức đề kháng của mỗi người.

Ở trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, đường thở hẹp, khả năng bị NSV nhiều hơn. Trung bình, một đứa trẻ trong năm đầu đời thường bị NSV ít nhất bảy lần/năm; đặc biệt là những trẻ đã mắc sẵn bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn… thì tần suất mắc bệnh nhiều hơn, khoảng 10-15 lần/năm. Các triệu chứng ho, sổ mũi, đau đầu, nhức mình… ở trẻ sẽ giảm dần và tự hồi phục mà phần lớn không cần điều trị; nhưng thực tế, hầu hết các bà mẹ đều lo lắng, đưa trẻ đi khám bệnh chứ không chờ cơ chế tự khỏi bệnh từ sức đề kháng của trẻ.

Thực ra, thuốc BS kê toa lúc này cũng chỉ là vitamin C, si rô ho thảo dược, thuốc bổ, thuốc hạ sốt… để hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu và tăng sức đề kháng cho trẻ. Mục đích của BS khi điều trị NSV là giú p trẻ dễ chịu, bớt nghẹt mũi, đau họng, đau nhức người… chứ không tác động đến nguyên nhân gây bệnh, kháng sinh không hiệu quả vì không tác động được đến nguyên nhân gây bệnh; cha mẹ phải theo dõi con sát sao để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng, đưa đến BS ngay nếu bệnh diễn tiến tệ hơn.

Thế nhưng, nhiều bà mẹ cứ thấy con sốt là cho uống thuốc hạ sốt, thậm chí tự ra nhà thuốc mua kháng sinh, thuốc ho cho con uống. BS Kim Huyên khuyến cáo: “Nếu trẻ bị sốt vẫn chơi bình thường thì không cần uống thuốc, để sức đề kháng của trẻ kháng bệnh, vì sốt là phản ứng của cơ thể chống lại bệnh. Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao, mệt mỏi, khó chịu, lừ đừ, nhưng phải dùng đúng liều lượng phù hợp với từng trẻ. Cần lưu ý, một số loại thuốc hạ sốt không được dùng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi. Ngay cả thuốc ho, thuốc cảm cũng có loại cấm dùng cho trẻ dưới hai tuổi. Vì vậy, không được tự ý cho trẻ dùng thuốc mà phải có ý kiến BS”.

Khi trẻ bệnh, người lớn có thể tự chăm sóc trẻ tại nhà với chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng theo hướng tạo sự dễ chịu, thoải mái; tăng sức đề kháng cho trẻ. Canh thịt hầm củ, xúp, nước trái cây, yaourt… là những món ăn đơn giản mà mẹ có thể tự làm để bồi bổ, tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. “Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, cho trẻ nằm chỗ thoáng mát theo ý thích của trẻ thay vì bắt trẻ phải vào giường nằm trong phòng kín. Thậm chí, có thể cho trẻ ăn một ít kem, yaourt mát lạnh để giảm bớt cảm giác đau họng. Giảm ho cho trẻ bằng tắc chưng đường phèn theo dân gian cũng là một cách hiệu quả, thay vì dùng thuốc ho hỗn hợp chứa nhiều thành phần sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ, dễ quá liều thuốc và vài loại thuốc ho trong thành phần chứa thuốc an thần gây ngủ”, BS Kim Huyên chia sẻ.

Coi chung bien chung khi tre nhiem sieu vi
Ảnh mang tính minh họa

Nhận diện dấu hiệu nặng

NSV là một bệnh cấp tính và lây lan nhanh do siêu vi trùng gây ra, biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ là sốt cao đột ngột từ 39 - 40 độ C. Bệnh này không có thuốc đặc hiệu mà chỉ chữa triệu chứng kết hợp các biện pháp hỗ trợ. Có rất nhiều loại siêu vi, tùy từng loại mà trẻ nhiễm có bệnh khác nhau như: cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm mũi họng, cảm lạnh, viêm kết mạc mắt…

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo: “Những người có cơ địa đặc biệt như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bị bệnh mạn tính dễ mắc bệnh hơn. Biến chứng không nhiều nhưng phổ biến nhất là viêm phổi, bội nhiễm; nguy hiể m hơn là viêm não, viêm tủy, viêm cơ tim… Cần cho trẻ uống đủ nước, nghỉ ngơi, ăn thức ăn loãng dễ tiêu, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 40 độ C, mệt nhiều và đưa trẻ đi khám khi thấy trẻ thở mệt, bỏ ăn, nôn ói, lừ đừ, co giật…”.

Mới đây, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm phổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở nhanh, khó thở, suy hô hấp phải thở ôxy, hỗ trợ hô hấp; đặt nội khí quản cho trẻ thở máy, đặc biệt là trẻ còn có những cơn ngưng thở. Theo các BS, hướng điều trị chính là cho trẻ uống kháng sinh, trường hợp nặng phải chích kháng sinh đường tĩnh mạch. Đáng lo là nhiều trẻ sức đề kháng miễn dịch kém, khi mắc bệnh, tùy cơ địa, có trẻ bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Theo thống kê mới nhất của BV Nhi Đồng 2, trong tháng 6/2016, có 25 trường hợp trẻ nhập viện vì bị viêm tai giữa, viêm não; trong đó có nhiều trường hợp bị viêm màng não do siêu vi. Các BS khuyến cáo, trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như: sốt, nôn, đau đầu; đặc biệt là có biểu hiện cứng gáy, nôn vọt, cần được khám sớm để xác định bệnh, điều trị kịp thời. Triệu chứng có thể xuất hiện nhanh chóng hoặc cũng có thể sau vài ngày, thường là sau khi bị cảm lạnh; chảy mũi, tiêu chảy, nôn ói, hoặc có những dấu hiệu khác của lây nhiễm như: sốt, bứt rứt, ăn bú kém, khó đánh thức ở trẻ nhũ nhi; trẻ lớn hơn thì sốt cao, đau đầu nhiều, cứng cổ, không muốn ăn uống, nhạy cảm với ánh sáng, khó đánh thức…

Theo BS Kim Huyên, qua thăm khám, có nhiều trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, cảm lạnh nhưng mẹ thiếu hiểu biết đã cạo gió, chích lể khiến trẻ bị xuất huyết dưới da, nhiễm trùng đường huyết, sốc nặng. Hoặc thấy trẻ bị cảm lạnh, lại đem tỏi nướng đắp lên bụng làm trẻ bị phỏng… Những việc này tuyệt đối không nên làm khi trẻ bệnh, chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, bổ sung nước lọc, nước hoa quả, canh, xúp… và theo dõi kỹ các dấu hiệu diễn tiến nặng để kịp thời đưa trẻ đến BS, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI