Làn khói mang theo

13/06/2021 - 16:15

PNO - Nhà thơ Lê Giang tâm tình: “Càng trôi qua bao nhiêu tháng ngày càng thấm sâu từng thớ thịt làn da trong thân thể mình. Cái mà tôi mang theo ấy!”. Bà đã trải lòng về những điều “mang theo” bằng những con chữ da diết, đầy nhớ thương như khói không tan trên chái bếp từ một miền thơ ấu đã xa thăm thẳm.

Khói bếp không tan (Nhà xuất bản Trẻ) là cuốn tản văn, bút ký mới nhất của nhà thơ Lê Giang. Ở tuổi ngoài 90, ký ức của bà là nỗi nhớ đi dọc cả một đời người. Lần này, bà viết về những món ăn của đồng ruộng, những hương vị dân dã nhưng khiến người ta càng đi xa càng nhớ. Mùi vị quê nhà trong trang viết của Lê Giang chính là “mùi bếp của má, của rau đồng cá ruộng, của tôm tép trên bến sông quê”.

Trong gian bếp lúc nào cũng không tan mùi khói, có những món ăn thơm lành mà người mẹ quê dành cho đàn con nhỏ. Cũng từ những ngày ngồi hít hà trong gian bếp nhà má mà đứa con gái sau này đã mang những kinh nghiệm làm bếp ra chiến trường: “Học má, chúng tôi đóng hai đầu nạng, cột giàn thun rồi gác cây măng treo hăng-gô toòng teng, hứng chí hát hò cùng mùi bông điên điển nấu với cá tràu bắt trong bọng cây, lấy trái giác leo dây làm chất chua, rồi ngồi tựa bìa rừng…”.

Những món ăn miền đất Mũi từ những ngày ra sông câu cá chốt giấy của cô bé Lê Giang tuổi lên năm lên mười thuở ấy đã theo chân bà suốt hành trình sưu tầm ca dao, dân ca cho đến bây giờ. Khi sống giữa lòng phố thị, bà vẫn gắn bó, nâng giữ ký ức bằng hương vị quê hương. Món kho quẹt ngày xưa “chấm bồn bồn”, giờ “chấm rau ngổ”; lúc trong rừng kho quẹt cả thằn lằn, dế cơm, rắn mối, giờ đã đầy đủ thịt mỡ, tôm khô…

Cuộc đời đi dọc chiến trường, ngược xuôi trên dải đất hình chữ S nhưng đọng lại trong những trang chữ là một không gian thật bình yên, không gian của bếp và những món ăn đầy dư vị. Nhà thơ Lê Giang viết về những món ăn mà như rút gan ruột để gọi tên từng ký ức thân thương của chính mình.

Đọc để chia sớt buồn vui, nhung nhớ, mà cũng để… thèm trước bao la hương vị của hương đồng cỏ nội - của mùi canh lòng gà nấu rau húng, khô cá mặn chưng với thịt heo bằm, cá trê vàng hay cá rô mề chiên giòn chấm nước mắm, tép rang gỏi rừng U Minh, kho quẹt…

Có lẽ chưa nhà văn nào nhắc về con sông Gành Hào với mùa cá chốt giấy nhiều như Lê Giang bởi trong món ăn của bà còn có ký ức, rất riêng, rất đỗi nhớ thương. Như câu nói của ba mỗi mùa nước lớn trên sông Gành Hào: “Năm à! Ra sông câu cho ba vài con cá chốt giấy coi con!”. Người ta lớn lên, đi xa rồi trở về, những món ăn không còn là chuyện của hương vị nữa mà đã trở thành mùi của ký ức. Ăn để nhớ và ăn để thương. Món ăn được đặt trang trọng trên mâm cúng người cha đã mất chính là món cá chốt giấy kho quẹt, là rau đắng đất nấu canh cá rô, là bì cuốn với rau sống vườn nhà…

Nhà thơ Lê Giang đã viết nhiều tản văn ký ức: Nghiêng tai dưới gió, Còn khóc ngon lành… Trang viết nào cũng thấm đẫm cảm xúc cùng ký ức. Bà đưa người đọc trở về với mảnh đất cuối trời của Tổ quốc, kể những câu chuyện dung dị, hiền lành mà đầy luyến thương. Một trong những bài viết xúc động trong Khói bếp không tan có lẽ là Món mít hầm. Món ăn được dâu rể con cháu làm để cúng má - người thuở xưa luôn mang mùi thơm về trong gian bếp, người “như một dược sĩ tài ba của rau đồng cá ruộng, của mùa cua ốc, của dưa, bắp má trồng - hái vô còn vướng vít mùi đất nồng, mốc thít phấn trắng bắp chuối non, lún phún lông tơ bầu bí cuống tươi xanh…”.

Người đã về trời, năm nào các con cũng dâng lên món ăn bà thích nhất, được làm từ mít non, xương sườn, xương lưng heo, đuôi heo, rau răm, đậu phộng…Kỷ niệm cho mỗi người có riêng những ký ức với mùi của quê hương, có đi bao xa bao lâu trong cuộc đời cũng không thể nào quên được. Khói bếp không tan viết về những điều rất riêng của tác giả nhưng lại chạm đến cái chung trong tâm cảm của mỗi người. Đọc để nhớ mình trong năm tháng nào xa ngái có những món ăn mà khi nghĩ về cũng có thể thương trào nước mắt…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI