Bảo tàng về Đờn ca tài tử tại Bạc Liêu

26/04/2014 - 21:20

PNO - PNO - Chiều 25/4 Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã chính thức được khánh thành tại phường 2, thành phố Bạc Liêu.

Bao tang ve Don ca tai tu tai Bac Lieu

Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1997. Năm 2008, nơi đây được trùng tu và mở rộng trên diện tích khoảng 2.800m2 với các công trình: cổng tam quan, nhà bao che khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh của các nhạc sĩ; sân khấu ngoài trời và nhà đón khách…

Nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và bản Dạ cổ hoài lang, cuối tháng 10/2013, Dự án đầu tư, mở rộng Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt.

Với mức đầu tư hơn 70 tỷ, Khu lưu niệm được mở rộng về hướng khu dân cư phường 2, thành phố Bạc Liêu với tổng diện tích khoảng 12.500m2. Bên cạnh những hạng mục cải tạo, nâng cấp, nhiều hạng mục được xây mới như: Cổng chính, hàng rào, đài phun nước nghệ thuật, đài Nguyệt cầm, nhà nghỉ chân cho du khách, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc, nhà trưng bày Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và sân khấu cải lương, nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài lang, nhà biểu diễn Đờn ca tài tử Nam bộ…

Bao tang ve Don ca tai tu tai Bac Lieu

Đài Nguyệt cầm là công trình văn hóa nhằm tôn vinh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Trên cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu - một trong bốn loại nhạc cụ chính của dàn nhạc tài tử Nam bộ. Cũng chính từ cây đờn kìm này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Xung quanh vách tường bên ngoài ghi tên 20 bản tổ của Đờn ca tài tử theo lối chữ thư pháp. Đặc biệt, thiết kế cầu thang Đài nguyệt cầm có 32 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho sự phát triển của bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 lên bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32.

Vườn tượng nhạc cụ dân tộc, được chạm khắc bằng đá xanh Thanh Hóa.Ở vị trí trung tâm, có 4 nhạc cụ được gọi là tứ tuyệt trong ĐCTT là đờn tranh, đờn kìm, đờn cò và đờn bầu.

Tại buổi khánh thành, bà Nguyễn Thị Ái Nam Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival đã phát biểu: “Nơi đây sẽ như một bảo tàng chuyên đề về ĐCTT Nam bộ, về cải lương, vọng cổ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Mục đích của việc làm này để ghi nhớ công ơn của những bậc tiền nhân đã dày công làm cho đất Nam bộ, đất Bạc Liêu thêm nhân văn, thêm chan chứa tình người”.

Cũng trong buổi lễ khánh thành, ông Huỳnh Vĩnh Ái Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL đã trao quyết định xếp hạng Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia của Bộ VH-TT-DL cho tỉnh Bạc Liêu.

Bài, ảnh: THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI