Vào rừng gặp Tây

26/02/2014 - 14:52

PNO - PNO - “Chín ơi, dậy đi, có khách” - tiếng anh Hồ Văn Lợi, chủ tịch xã Trà Đốc vang lên. Trong ánh nắng hiếm hoi xuyên qua vách gỗ, một cái đầu vàng hoe ngẩng lên rồi xô ra cửa. Tôi đập vai : “Đêm qua say à?”. Trước mặt tôi là...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vao rung gap Tay

Hồ Văn Chín

Vao rung gap Tay

Gia đình bà Hồ Thị Sơn

Dung ngồi cạnh Chín, tuyệt nhiên không hề giống cô gái Ca Dong nào cả. “Em sinh năm nào ?”. Dung im lặng. Da trắng như người mẫu quảng cáo trên ti vi, như ao ước của bao cô gái suốt ngày đua nhau làm trắng. Tóc vàng, mũi cao, mắt xanh lơ, mặt lấm tấm tàn nhang như người từ phương tây sang. Tôi hỏi lần nữa. Lại im lặng. Chín lên tiếng giúp : “1988”. “Còn em ?”. “Dạ, 1990”.

Bà Hồ Thị Sơn vẫn im lặng xoáy ống trầu để ăn. Trước khi gặp bà, tôi đã gặp hàng xóm là già làng Hồ Văn Xếch, một cán bộ hưu trí. Ông Xếch kể : bà Sơn bị thương vào năm 1969, do bom Mỹ. Ở giữa rừng thời chiến tranh, lấy đâu thuốc thang chạy chữa. Là bà con, lại là hàng xóm với nhau, ông Xếch bắt con rái cá cho bà ăn thịt rồi lấy mật nó mà đắp, chừng nửa tháng sau, vết thương lành. “Cô có được truyền máu khi nào không ?”. “Máu đâu mà truyền, mà làm chi truyền chứ, lành chân rồi, đi thanh niên xung phong ở Hiệp Đức, Phước Sơn, giải phóng ra về lại nhà”. “Bố mẹ cô trước đây có bị thương không ?”. “Làm chi có bị thương, già chết thôi, ở quanh làng chứ có đi đâu”. “Chú đi đâu ?”. “Ông đi ăn mừng lúa mới ở huyện Hiệp Đức?”.

“Ông có bị thương, được Mỹ truyền máu không ?”. “Không - ông Xếch lên tiếng - Bố con Dung là ông Hồ Văn Xía, là du kích địa phương, cũng chỉ hoạt động quanh làng thôi”. “Pháp, Mỹ có đóng quân ở đây không ?”. “Không - mắt ông Xếch sáng lên - Không dễ đến được đây đâu. Pháp cũng chỉ bay máy bay trên ngọn cây chò. Hồi Mỹ có thả quân xuống chừng một ngày đêm rồi rút”. “Bố mẹ ông Xía ra sao ?”. “Thì cũng vậy thôi”.

Tôi phải hỏi như thế, bởi đồn xã Đốc thời Mỹ chiếm đóng, nằm ở thôn 1. Từ trung tâm huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam đến thôn 1 khoảng 5 km, chạy tiếp đến nóc ông Mười thôn 5 khoảng 40 km mất 2 giờ, rồi lội khoảng 1 km dọc theo suối đổ về hướng đông, thì đến nóc Na Gi ở này. Nếu không có anh Hồ Văn Lợi, chủ tịch xã Trà Đốc dẫn đường, chắc chắn tôi sẽ bó tay.

“Khi chưa có đường, từ xã đi bộ một ngày mới đến đây-anh Lợi nói-hồi trước toàn rừng già, chỉ cắt rừng mà đi, không ai đến đâu”. Tôi đã lên đỉnh Ngọc Linh, gặp hai anh em người Xê Đăng lai Pháp, truy ra là ông ngoại của họ là con của một quan Pháp và cô gái Việt, nên dòng máu lai ấy chảy đến thế hệ họ. Yếu tố di truyền, rồi do truyền máu, là khả năng lớn để dẫn đến thay đổi đột biến về hình dáng. “Ở đây, ai có máu Tây, tôi biết hết mà” - giọng ông Xếch từng trải. Tôi đùa “ăn lúa rẫy, cá suối mà đẻ con Tây”. “Ừ - bà Sơn bật cười - Không biết răng mà đẻ 8 đứa con, 6 đứa giống bố mẹ, còn hai đứa sau cùng lại giống Tây”. Mọi người cười rân. “Dân làng nói chi không?”. “Có chi đâu mà nói, họ biết chúng nó là con của cô mà”. Chị Hồ Thị Hàng bồng đứa con ba tuổi xán lại gần mẹ. Dung là em kế chị. Họ đứng sát vào nhau, tôi nhìn kỹ lần nữa, không khỏi kinh ngạc và nghi ngờ.

Vao rung gap Tay

Là chị em ruột nhưng không hề giống nhau

Vao rung gap Tay

Vì giống Tây, nên mẹ con Dung mất cha mất chồng

“Em xuống Tam Kỳ, ra thị trấn, nhiều người hỏi có phải Tây không? Có người còn hỏi tiếng chi đó không phải tiếng Kinh, em không biết, em nói không phải Tây”. Chín cười kể, đầu nghiêng nghiêng, mắt nheo nheo. Năm ngoái, khi trao quà cứu trợ vùng động đất, một lãnh đạo trung ương đã sững lại mấy giây khi nhận ra người đưa tay nhận quà là một thanh niên Tây. Người đó là Chín. Tôi quan sát điệu bộ anh chàng này từ nãy giờ, giống hệt dân Tây. Kỳ lạ. Vợ của Chín cũng là người Ca Dong, quê ở huyện Hiệp Đức, gần đó. “Qua đó làm rể, có ai nói chi không ?”. “Ha ha -Chín cười lớn - họ nói em là Mỹ, nên phải uống rượu nhiều vì to khỏe, say gần chết”. “Muốn con mình đẻ ra giống Tây hay giống mẹ?”. “Giống gì cũng được, nhưng phải được đi học”. Giọng Chín trầm hẳn.

Lứa tuổi như Chín trở về trước, ở đây không ai biết chữ, vì trường quá xa, mùa mưa càng chịu vì nước khe Dưng dâng rất cao. Họ không nhớ được năm sinh. Bây giờ tôi mới hiểu Dung im lặng khi tôi hỏi tuổi. Mắt Dung buồn xo, cô ra cầu thang ngồi một mình, tách hẳn đám người đang ồn ào, tạo dáng trước ống kính truyền hình của đồng nghiệp. “Chồng em đâu ?”. “Bỏ rồi, đi Sài Gòn”. Quay lại nhìn tôi, Dung giật mình, giấu điếu thuốc sau lưng và quả quyết ném đi.

Cô kể : Năm 2004, một thanh niên người Kinh tên Nhượng quê xã Tiên Lãnh cận kề, vào núi này săn heo rừng, rồi ở nhờ nhà ông Xía. Thật bất ngờ, sau đó Dung đi làm thuê ở Tiên Lãnh, lại gặp Nhượng. Thế là yêu nhau. Đến năm 2005, thì cưới theo phong tục dân tộc. Cưới xong, Dung xuống nhà chồng ở được hai tháng, rồi cùng chồng lên lại đây ở, đến 2006 thì sinh con. “Em sinh con được 12 ngày, thì chồng bỏ đi”. “Vì sao ?”. “Chồng không nói. Con được mấy tháng, em bồng xuống nhà bố mẹ chồng, thì mẹ chồng không chịu nhận em làm dâu, không chịu nhận cháu nội. Bà nói em không phải Tây, không phải Kinh, không phải người Ca Dong, nên không ưng”.

Cô quay nhìn tôi, mắt như giọt mưa rơi trên đá, nhưng giọng bỗng đổi âm vực : “Không nhận con em thì em không nhận họ là mẹ. Chồng em không nói gì, không bảo vệ em, thì em cũng không chấp nhận. Chồng đi làm, có gửi về ít tiền, nhưng sau đó em không nhận nữa, em đủ sức nuôi con em, không cần nhờ ai, dù ở đây một năm thì ba tháng thiếu đói. Lúc em lớn lên, nghe bố mẹ nói sao giống Tây quá trời, em nghĩ lạ quá, hai chị em không giống mấy anh chị là răng ? ”. Cháu Hồ Văn Vĩ, con của Dung , chẳng nét nào giống mẹ.

Vao rung gap Tay

Vợ chồng Hồ Văn Chín

Tôi ra về, thấy Dung ra đứng giữa hai cây cau. Cau trầu nuôi dưỡng nhịp đập cơn mơ hôn lễ đời người. Ở đây bà con ăn trầu quanh năm, lớn nhỏ đều ăn, nên trồng cau trầu quá nhiều. Không biết Dung nghĩ gì về chuyện giống Tây của mình, để rồi rơi vào bi kịch hôn nhân. Sinh ra ở rừng và có lẽ suốt đời bám rẫy, lên nương, quần quật kiếm sống như bao người miền núi, nhưng mưa nắng không làm mất đi làn da trắng và mái tóc vàng đến óng ánh của Dung.

Tôi lại nhớ Dung phân trần : Đi làm em không đội nón, nhưng không đen da, tóc không cháy, muốn thế lắm, bởi em ít được người ta thuê mướn đi làm rẫy, đốn keo, vì ở đây họ nói da càng đen chứng tỏ siêng năng, còn da trắng thì lười biếng…Tôi quay lại chào Dung lần nữa. Cô gật đầu. Cũng một lần nữa, tôi biết, suốt buổi nói chuyện, Dung không hề cười. Làm người đã khổ, khác người càng không sung sướng…

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI