Trông người mà ngẫm đến ta

26/03/2018 - 17:00

PNO - Phim Việt vẫn đang trên đà tăng về số lượng, nhưng vẫn chỉ là các sản phẩm tư nhân riêng lẻ, quanh những chủ đề đời thường chứ không có phim nào dám “chơi lớn” về mặt đề tài, tư tưởng.

Cùng với Chiến lang 2, lịch sử phòng vé Trung Quốc ghi nhận, là hai phim đứng đầu danh sách phim ăn khách nhất ở đại lục. Cả hai phim đều phô diễn sức mạnh của quân đội Trung Quốc, qua đó ngầm khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Đây được xem là nỗ lực của những nhà làm phim lẫn chính quyền Trung Quốc để thay đổi ấn tượng về một đất nước - con người Trung Quốc vốn lâu nay được miêu tả ở thế nhược tiểu trên màn ảnh.

Trong nguoi ma ngam den ta

Mộ gió - phim điện ảnh về chủ quyền biển đảo Việt Nam lặng lẽ ra rạp năm 2014

Tuy hốt bạc lớn, những bộ phim như Chiến lang 2Điệp vụ Biển Đỏ rõ ràng đang phô trương sự hung hãn của Trung Quốc. Trong Điệp vụ Biển Đỏ, tám thành viên của đội Giao Long “xuất quỷ nhập thần” không thua gì đội đặc nhiệm SWAT của Mỹ trong cuộc đối đầu với khủng bố. Trong Chiến lang 2, chân dung Lãnh Phong (Ngô Kinh đóng) - người lính Trung Quốc - được mô tả không khác gì đấng cứu thế.

Những câu thoại như “không được bắn người Trung Quốc”, “kẻ giết người dân của nước Trung Hoa thì đều là kẻ thù của ta” hay tuyên bố “ai khiêu chiến với Trung Quốc thì đều bị tiêu diệt, dù mục tiêu ở xa tận đâu” cho thấy sự hiếu chiến, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của các nhà làm phim. Những câu thoại ấy đặt bên cạnh câu thoại “Trung Quốc là bạn” nghe thật mỉa mai.

Chưa kể Chiến Lang 2 cũng tận dụng phim để dìm hàng nước khác khi tình tiết, thoại trên phim thể hiện chỉ có hải quân Trung Quốc đến khu vực chiến sự để cứu người, trong khi quân đội các nước khác đều đã bỏ đi.

Thành công phòng vé của hai bộ phim trên và ý thức tuyên truyền hình ảnh, vị thế của Trung Quốc với thế giới (dù chỉ là trên phim ảnh) của những nhà làm phim lẫn chính phủ láng giềng không khỏi khiến khán giả Việt Nam chạnh lòng. Dữ liệu lịch sử Việt Nam có thừa những sự kiện oai hùng, những nhân vật anh hùng để chuyển thành phim hay ít nhất trở thành cảm hứng cho đội ngũ làm phim. Vậy mà, ngoại trừ các bộ phim tài liệu có chất lượng cao, hiệu ứng xã hội tốt thì mảnh đất điện ảnh vẫn chưa thể ươm mầm những tác phẩm có giá trị về chủ quyền đất nước. 

Cách đây bốn năm, điện ảnh Việt từng có Mộ gió - phim truyện đầu tiên làm về biển đảo, ca ngợi tinh thần quả cảm của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, khơi dậy tình yêu biển đảo. Tiếc thay, phim chẳng được mấy ai biết đến khi ra rạp vì chất lượng kỹ thuật lẫn nghệ thuật đều không cao.

Trong nguoi ma ngam den ta
 

Phim Việt vẫn đang trên đà tăng về số lượng, nhưng vẫn chỉ là các sản phẩm tư nhân riêng lẻ, quanh những chủ đề đời thường chứ không có phim nào dám “chơi lớn” về mặt đề tài, tư tưởng. Nhiệm vụ làm phim ca ngợi tinh thần dân tộc, kích thích lòng yêu nước mặc nhiên được xem là chuyện của Nhà nước. Nhưng vài năm gần đây, dòng phim Nhà nước đặt hàng lại bị ngưng, khiến ước mong điện ảnh Việt có được những “bom tấn” hoành tráng để nâng tầm vị thế Việt Nam trở thành giấc mơ xa vời. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI