Không phải cái gì lấp lánh đều là vàng

07/09/2018 - 20:30

PNO - Họ là những người gần như đã có tất cả những thứ mà người khác mơ ước, nhưng họ lại đang từng ngày hủy hoại chúng và hủy hoại xã hội.

Họ giàu có với xe sang, hàng hiệu, biệt thự và cả danh tiếng. Ở mỗi nơi họ xuất hiện, họ đều khiến người khác phải trầm trồ vì nhan sắc, vì những thành công từng đạt được. Thậm chí, kể cả khi không xuất hiện, chỉ cái tên của họ cũng đủ để khiến người khác phải khát thèm, mong được một phần nhỏ như họ.

Khong phai cai gi lap lanh deu la vang
Trước khi bị đưa ra ánh sáng, họ vẫn là hình mẫu đáng ngưỡng mộ của bao người

Họ là doanh nhân, quan chức, hoa hậu, người mẫu… là rất nhiều thứ lấp lánh của cuộc sống. Thế nhưng lạ thay, khi đã có tất cả, họ lại thẳng thừng từ chối chúng hay nói cách khác, mỉa mai hơn - chính sự từ chối hào quang của họ đã mang lại cho họ hào quang.

Trên sân khấu đêm chung kết các cuộc thi nhan sắc, trả lời câu hỏi ứng xử, 100% các cô gái tuổi đôi mươi đều nói về những khát khao được làm đẹp cho đời, đem nhan sắc và tài năng phục vụ đất nước, thậm chí là nhân loại. Trong những bài phỏng vấn trên báo chí, các doanh nhân luôn kể về quá trình vượt qua gian khó để tạo ra các giá trị phục vụ cộng đồng.

Không thể kể hết danh sách dài những quan chức luôn nói về sự quyết tâm đấu tranh với cái xấu, làm trong sạch đời sống xã hội, đưa đất nước hoặc địa phương mình vươn lên những tầm cao. Nhưng thực tế thì sao? Từng ngày, từng giờ, qua từng hành động cụ thể, chính họ lại đang chà đạp lên các giá trị mà họ đặt vào đền đài, tô vẽ cho sáng bóng.

Trước khi bị phát hiện bán sản phẩm Trung Quốc, ông chủ doanh nghiệp lụa vẫn mạnh miệng nói về thương hiệu Việt, giá trị Việt trong sản phẩm của mình. Trước khi bị bắt vì liên quan đến đường dây siêu cờ bạc, một số quan chức cấp cực cao trong ngành công an vẫn hô hào quyết tâm chống tội phạm - chống chính những việc họ làm trong bóng tối và yêu cầu thuộc cấp phải giữ gìn sự liêm chính. Trước khi bị bắt quả tang đang phục vụ nhu cầu của khách làng chơi, bao nhiêu hoa hậu, á hậu vẫn cố gắng trưng trổ trước công chúng những hình ảnh đẹp long lanh đến lóa mắt, rao giảng những bài học về đạo đức, về công-dung-ngôn-hạnh.

Người ta bảo ở Việt Nam, người giàu, người đẹp thường bị ghét. Nói như thế không sai, nhưng không hoàn toàn đúng. Trong câu chuyện á hậu bán dâm đến hàng chục ngàn USD/lần, công chúng hiện đại đã không còn, hoặc ít nhất cũng là đã rất nhẹ nhàng với hành vi kinh doanh “vốn tự có”. Đâu phải ngẫu nhiên mà vừa rồi có đề xuất hợp thức hóa hoạt động mại dâm.

Điều khiến công chúng phẫn nộ là cách các cô làm giá và hủy diệt các nền tảng giá trị. Danh hiệu hoa hậu vốn gắn liền với cái đẹp ngoại hình và trí tuệ đã được các cô mua lấy, khoác lên mình để bán kèm dịch vụ.

Sự ngưỡng mộ của công chúng biến thành bàng hoàng, xấu hổ khi những trò làm ăn gian dối bị phanh phui. Không căm tức sao được khi những người được giao trọng trách bảo vệ pháp luật lại là những người hủy hoại pháp luật để đổi lấy các biệt phủ, những món đồ xa xỉ, để đưa con em ra nước ngoài.

Họ thản nhiên tước đoạt cơ hội, xương máu, giẫm đạp niềm tin của người khác cho quyền lợi cá nhân - những thứ họ đã có quá nhiều so với mức mà tài năng và trí tuệ thực sự của họ có thể đạt được.

Ngoài kia, ngay lúc này, vẫn có bao nhiêu người đang miệt mài phấn đấu cho một tương lai tương sáng hơn, vẫn có biết bao người đang vùi mình trong tăm tối, mơ một lần được thấy ánh mặt trời. Và ngoài kia, ngay lúc này, vẫn có những người hủy hoại hào quang - thứ hào quang đánh cắp từ người khác hoặc nhờ mưu mẹo mà giành được. 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI