Giai điệu từ tâm linh

11/07/2013 - 07:49

PNO - PNO - Các tác phẩm Vô đề cầm và Đất mẹ viết cho nhạc cụ dân tộc gây ấn tượng mạnh cho người nghe trong chương trình Âm nhạc và múa đương đại của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO).

Tính đương đại được thể hiện rõ nét nhất trong hai sáng tác kể trên của Vũ Việt Anh và Trần Mạnh Hùng khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh bản địa cổ truyền với tinh hoa khí nhạc phương Tây. Vô đề cầm viết cho đàn đáy, bộ gõ và dàn nhạc dây sắp đặt hài hòa tính ngẫu hứng đặc trưng của ca trù vào trong tiết tấu được logic hóa chặt chẽ của âm nhạc cổ điển. Tác giả - nhạc sĩ Vũ Việt Anh nói anh bị cuốn hút bởi tiếng đàn đáy nỉ non, tựa hồ tiếng gọi thổn thức vọng lên từ chốn tâm linh.

Với Đất mẹ, Trần Mạnh Hùng khai thác âm thanh độc đáo của đàn bầu, chỉ bằng một sợi dây đàn yêu thương mà có thể bật lên hàng trăm nốt nhạc trầm bổng du dương, như lời ầu ơ của mẹ ru con từ thuở nằm nôi. Qua năm tháng, tình cảm ấy dần lớn lên, hóa thành hồn thiêng dân tộc, để dù đang ở phương trời nào, đứa con ấy vẫn luôn nhớ về quê mẹ. Nghệ sĩ Toàn Thắng đã vượt qua hạn chế về tính đơn âm của độc huyền cầm để phô diễn kỹ năng chơi đàn điêu luyện trong những đoạn có tiết tấu nhanh cùng dàn dây.

Giai dieu tu tam linh
Nghệ sĩ đàn bầu Toàn Thắng và nhạc trưởng Trần Nhật Minh

Một tác phẩm nữa cũng để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả là Linh nham đêm (Đêm giấu lửa) của Trần Đinh Lăng viết cho soprano (Ngọc Tuyền) và dàn nhạc thính phòng (chỉ huy: Trần Nhật Minh). Liên khúc nhạc - thơ này đưa người nghe đến một không gian huyền ảo, có mặt hồ, trăng thanh, gió lạnh, nơi những bóng cây tạo nên những hình thù kỳ lạ... Ở đó, có người thiếu phụ yếu ớt, cô đơn, sống trong những ký ức đã cũ, với những khát khao, phức cảm khó tỏ bày.

Giai dieu tu tam linh

Không kém phần thú vị là bản Giấc mơ tình yêu của Đỗ Kiên Cường, viết cho sáo flute, kèn oboe, kèn clarinet và hai piano. Tác phẩm được diễn tấu theo phong cách khá ấn tượng. Thay vì nhấn phím đàn, Lý Giai Hoa và Lê Thanh Xuân lướt ngón tay trực tiếp lên dây dương cầm, tạo nên những âm thanh lúc réo rắt, lúc thít chặt, níu kéo người nghe giữa hai miền hư thực, giữa giấc mơ và hiện tại. Có tiếng sấm đến từ xa xôi, rồi tiếng mưa ùa về, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, bay bổng. Cuối nhạc mục, Đỗ Kiên Cường trong vai nghệ sĩ diễn tấu đã mang tiếng kèn oboe đi khắp khán phòng, đến khi thanh âm chỉ còn là những tiếng vọng khe khẽ, lẩn khuất đâu đó trong Nhà hát Thành Phố.

Tiết mục mở màn Đám cưới của Nguyễn Mạnh Duy Linh (viết cho bộ gõ gồm glockenspiel, vibraphone, marimba, tubular bells) là một chương trong tác phẩm Tình yêu và phản bội nói về truyền thuyết công chúa Mỵ Châu. Đây là tác phẩm Duy Linh viết cùng bốn nhạc sĩ trong nước và quốc tế trong dự án âm nhạc Transposition Việt Nam - Na Uy 2012. Âm nhạc của bản này không quá mới mẻ, từ nhạc cụ trình tấu cho đến giai điệu cho thấy sự ảnh hưởng từ phong cách tối giản (minimal music) của Steve Reich, nhà soạn nhạc tiên phong thuộc trường phái này.

Giai dieu tu tam linh

Phần hai của chương trình là vở múa đương đại dài 45 phút Chạm tay vào quá khứ, tác phẩm mới nhất của anh em nhà biên đạo Phúc Hải - Phúc Hùng mang thông điệp: cuộc sống xô bồ cuốn chúng ta đi, một ngày nọ vô tình chạm phải kỷ niệm cũ, có bao giờ bạn tự hỏi “Cuộc sống là gì?”. Đáng tiếc là âm nhạc của vở này chưa được trọn vẹn khi công diễn, NSƯT Trần Vương Thạch rút ra khỏi thành phần sáng tác (gồm ông, Nguyễn Mạnh Duy Linh và Vũ Việt Anh), chất Việt vì vậy đã phải tạm thay bằng yếu tố phương Tây - các trích đoạn từ tác phẩm Music for 18 musicians của Steve Reich và Symphony of sorrowful songs của Henryk Mikołaj Górecki. Thêm vào đó, kịch bản tác phẩm vẫn còn theo một mô-típ khá cũ kỹ: câu chuyện thành thị - nông thôn để diễn tả trạng thái mất cân bằng của người trẻ hiện đại. Tính đương đại do vậy mà chưa được lột tả rõ nét. Bù lại, việc sử dụng hiệu ứng trình chiếu 3D đã gia tăng hiệu ứng thị giác cho tác phẩm.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI