TP. Hồ Chí Minh Thành lập các đội điều trị cơ động bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết

16/05/2014 - 20:16

PNO - PN - Ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có buổi kiểm tra tình hình khám chữa bệnh tại ba bệnh viện (BV) lớn ở TP.HCM là Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt đới và làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM, để ngăn chặn dịch sởi tốt hơn nữa, từ ngày 15/5 đến hết tháng Bảy, ngành y tế TP triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 3 - 10 tuổi. Dự kiến có khoảng 200.000 trẻ được tiêm trong đợt này. Hiện TP đã nhận 70.000 liều vắc-xin sởi và 130.000 liều sẽ nhận vào đầu tháng Sáu. Tại một số quận/huyện có số ca bệnh cao, đợt tiêm vắc-xin sởi “mở rộng” cho trẻ từ 3 - 10 tuổi, sẽ cho tiêm tại trường học trước khi năm học 2013-2014 kết thúc. Số trẻ còn lại sẽ được tiêm tại các trạm y tế.

Riêng bệnh sốt xuất huyết (SXH), tuy chưa phải giai đoạn cao điểm nhưng ghi nhận số ca bệnh nhập viện nhiều tuần qua đều cao hơn cùng kỳ năm 2013 (30,5%). Hiện số ca mắc SXH nhập viện đã lên tới gần 3.000 ca. Thủy đậu cũng có số ca tăng liên tục, hiện đã có 548 ca nhập viện. Đáng chú ý, số ca nhập viện vì tay-chân-miệng (TCM) tại các BV tại TP.HCM đã gần 3.400 ca và còn tiếp tục tăng cao. TCM được cảnh báo đã bước vào mùa dịch và có thể lên tới đỉnh dịch vào giữa tháng Sáu.

Cùng ngày, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản đến UBND các quận/huyện và các cơ sở y tế đề nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh TCM và SXH. Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND quận/huyện chỉ đạo TTYTDP quận/huyện, phòng y tế cùng với phòng giáo dục - đào tạo tăng cường giám sát sức khỏe những trẻ nghỉ học để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh, giúp xử lý triệt để ổ dịch kịp thời, không để mầm bệnh lây lan trong trường học và cộng đồng. Đồng thời, UBND quận/huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành (y tế và giáo dục) có sự tham gia của chính quyền để kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, nhất là nhà trẻ tư nhân.

Riêng TTYTDP quận/huyện, trạm y tế khi có thông tin ca bệnh phải tiến hành điều tra dịch tễ khẩn cấp và xử lý triệt để ổ dịch. Khi điều tra phát hiện người bệnh có đi học, TTYTDP quận/huyện phải thông báo cho phòng giáo dục-đào tạo quận/huyện và trường học biết để tổ chức vệ sinh khử khuẩn trường học, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh mới (lưu ý những trẻ nghỉ học không có lý do). Cần tập huấn lại cách phòng chống dịch bệnh đến nhân viên y tế, giáo viên, cô bảo mẫu tại các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại địa phương.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số trẻ mắc bệnh TCM, SXH xảy ra nhiều tỉnh/thành và đang có xu hướng gia tăng. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt đới thành lập các đội điều trị cơ động để hỗ trợ tuyến cơ sở khi cần thiết.

Vinh Nguyễn - Thanh Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI