Xuân mới ngập tràn sắc màu ước vọng

26/01/2019 - 06:00

PNO - Tết Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần, gửi gắm nguyện ước bình an, hạnh phúc trong khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng sâu lắng của người Á Đông. Tết rộn ràng, đã đến bên hiên nhà...

Khoảnh khắc đoàn viên

Xuan moi ngap tran sac mau uoc vong
Cuộc “đại di cư mùa xuân” của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 21/1 và sẽ lên đến đỉnh điểm trong vài ngày tới

Ở Việt Nam, tết âm lịch còn được gọi là tết Nguyên đán với ý nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, tràn đầy năng lượng tốt lành. Người Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, dù có cách đón tết âm lịch đa dạng màu sắc thế nào thì vẫn có một điểm chung xuyên suốt: ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn viên.

Người dân Trung Quốc mỗi năm chứng kiến cuộc “đại di cư mùa xuân” lớn nhất hành tinh. Theo Tân Hoa xã, năm nay, dòng người từ khắp nơi đã xếp những hàng dài ở sân bay, nhà ga từ ngày 21/1, bắt đầu hành trình trở về ý nghĩa mà họ đã trông đợi cả năm. Cuộc đại di cư thường kéo dài trong 40 ngày và ngày 1/3 sẽ là ngày cuối cùng đánh dấu lần trở về trọn vẹn với 3 tỷ lượt di chuyển đi - về trên mọi phương tiện.

Trong dòng người chen chúc chờ đến lượt, Zhang Xiu (đang làm việc ở Bắc Kinh) cho biết, chị đếm từng ngày để được về với hai con, hiện đang sống ở một ngôi làng hẻo lánh tại tỉnh Phúc Kiến. Hai đứa trẻ hằng ngày được ông bà chăm sóc, một năm chỉ có thể cảm nhận hơi ấm vòng tay mẹ vào dịp tết. Rồi mẹ con họ lại xa nhau. Chị Zhang Xiu tiếp tục đi làm ăn xa.

Tết, với những người cha, người mẹ như chị Zhang, không cần phải sắm sửa xa hoa, cầu kỳ. Họ chỉ cần tình thân, cần khoảnh khắc đoàn viên trong đêm giao thừa nồng ấm yêu thương.

Xuan moi ngap tran sac mau uoc vong
Không khí xuân Kỷ Hợi ở London (Anh)

Công ty bán lẻ thời trang H&M năm nay đã bắt đúng tâm lý người dân Trung Quốc, tung ra đoạn quảng cáo dài 7 phút, thực hiện như một phim ngắn, nhắm đến người dùng ở thị trường hấp dẫn nhất nhì châu Á. Lần đầu tiên, H&M nhắc đến thông điệp “khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, bạn bè”, cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của người dân Trung Quốc mỗi mùa tết. Đúng như dự đoán, sau sự cố thương hiệu Dolce & Gabbana (D&G) làm mất lòng người tiêu dùng vì quảng cáo phản cảm, kỳ thị người Trung Quốc, H&M đã học rất nhanh bài học kinh nghiệm, bắt vào xu hướng truyền thông dịp tết âm lịch.

Với người Hàn Quốc, tết âm lịch được gọi là Seollal - một trong hai ngày tết lớn nhất ở xứ kim chi (bên cạnh Chuseok - tết Trung thu). Dịp này, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống hanbok, thực hiện các nghi lễ hướng đến tổ tiên, sum họp bên người thân, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống. Quà tết phổ biến nhất trong Seollal là nhân sâm, mật ong, ghế massage và các sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Vun vén yêu thương

Ai cũng có cho riêng mình hy vọng lạc quan về năm mới. Tờ Korea Herald phỏng vấn nhanh một số người dân Hàn Quốc và nhận ra, không ít người đang ôm ấp những dự định đẹp đẽ cho tương lai tươi sáng. Shin Ki-won (36 tuổi) là nhân viên văn phòng ở Songdo, Incheon - điều chị mong ngóng nhất trong năm Kỷ Hợi là có em bé “heo vàng”. Chị gặp được một nửa của mình vào 6 năm trước. Họ đã kết hôn, có đời sống vợ chồng hạnh phúc. Sẽ thật trọn vẹn với Shin Ki-won nếu năm nay họ đón nhận tin vui, nhìn thấy kết tinh tình yêu hiện hữu bên mình.

Xuan moi ngap tran sac mau uoc vong
Tết âm lịch Seollal của người Hàn Quốc

Kim Ji Young (24 tuổi), sống ở Seoul, thì không nghĩ đến chuyện chồng con. Điều Kim Ji Young quan tâm nhất trong năm nay là dành dụm đủ tiền để đưa mẹ đi một chuyến thật xa. Mẹ của Kim Ji Young dành cả tuổi trẻ tất bật với các con và du lịch nước ngoài là điều bà chưa từng nghĩ đến. Với Kim Ji Young, đây chính là động lực để năm mới hăng say làm việc. Dù mức lương của Kim Ji Young không cao, cô cho biết: “Chỉ cần cố gắng tiết kiệm, chi tiêu dè xẻn, mọi thứ sẽ ổn. Tôi muốn dành món quà đặc biệt tặng mẹ, vì cả cuộc đời mẹ đã quá vất vả cho con cái”.

Trong khi đó, anh Li Wei (48 tuổi), sống ở Singapore, hy vọng năm Kỷ Hợi sẽ là năm anh có nhiều cơ hội làm ăn. Điều mà ông bố 3 con hướng đến là gia đình sung túc hơn, mọi người hạnh phúc và khỏe mạnh. Anh chia sẻ: “Chỉ cần nhìn thấy các con tươi cười rạng rỡ, ngày ngày quây quần bên nhau là tôi đủ mãn nguyện”.

Thế giới hòa hợp

Tết âm lịch Kỷ Hợi bắt đầu từ ngày 5/2 (mùng Một) và kết thúc ngày 19/2 (ngày rằm). Mệnh tuổi Kỷ Hợi là mệnh Bình Địa Mộc (cây mọc trên đất bằng) nên người ta gọi năm nay là năm của “con heo đất”. Yếu tố đất là yếu tố nền tảng, tạo sự vững vàng để sinh sôi, phát triển, xét trên tổng thể các mối quan hệ. Các chuyên gia phong thủy nổi tiếng ở châu Á đều có chung nhận định: năm Kỷ Hợi là năm của sự bình ổn; mỗi cá nhân hay doanh nghiệp, trong các mối quan hệ, đều có khuynh hướng chọn sự cân bằng, bắt tay cùng chiến thắng với từ khóa là chữ “hòa”.

Tờ Sydney Morning Herald và nhiều kênh truyền thông ở Úc nhắc tết Kỷ Hợi là năm đầu tiên Hội đồng thành phố Sydney không còn gọi đây là tết Trung Hoa mà gọi là tết âm lịch, ghi đậm dấu ấn văn hóa Á Đông vào đời sống người dân cả thế giới. Từ năm 2015, anh Anthony Ngo, công dân gốc Việt, sống ở Sydney, đã kêu gọi mọi người cùng ký tên, yêu cầu chính quyền thành phố xem xét đổi tên tết Trung Hoa, vì tên gọi này không phản ánh đủ nét văn hóa của các quốc gia cùng đón tết theo lịch âm. Lời kêu gọi của anh đã nhận được 2.000 chữ ký của người dân ủng hộ và đây chính là cơ hội cho chính quyền cân nhắc, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội.

Xuan moi ngap tran sac mau uoc vong
Nhà hát Opera Sydney trang hoàng lộng lẫy đón tết Kỷ Hợi

Cuối cùng, tháng 11/2018, Hội đồng thành phố Sydney chính thức công bố đổi tên lễ hội. Ở một số nơi có cộng đồng người châu Á sinh sống đông như Seattle, Los Angeles, Las Vegas (Mỹ) hay Toronto (Canada), không khí lễ hội và sắc xuân đã tràn ngập. Ở Seattle, các sự kiện, chương trình mừng xuân đã được lên lịch trong cả một tháng, từ ngày 26/1 đến 24/2.

Thái độ “hạ nhiệt” của lãnh đạo Kim Jong Un là một trong những điểm nhấn ấn tượng trên chính trường thế giới năm 2018 và trong những ngày sắp bước sang năm âm lịch Kỷ Hợi, ông Kim đã có quyết định bất ngờ: tặng quà tết cho các quan chức là mỹ phẩm Hàn Quốc. Nhật báo Hàn Quốc Chosun cho biết, phía Triều Tiên đã mua 1.000 phần quà, tại một cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc đặt tại tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), dù Triều Tiên có riêng thương hiệu mỹ phẩm mang hình ảnh quốc gia là Unhasu. Thực tế, các sản phẩm Hàn Quốc bị cấm bán ở Triều Tiên, nhưng người Triều Tiên có thể ngầm hiểu quy tắc này: gỡ bỏ nhãn dán, bao bì thì có thể mua bán dễ dàng. Quyết định lần này của chính quyền Bình Nhưỡng là dấu hiệu cho thấy một năm Kỷ Hợi bắt đầu khá suôn sẻ cho mối quan hệ Hàn - Triều, tiếp nối những gì mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong năm 2018.

Một mùa xuân đầy ước vọng đang đến, chạm vào từng ngóc ngách cuộc sống. Mùa xuân mang đến thông điệp về giá trị của ước vọng, nhắn nhủ mọi người rằng, hãy cứ gieo đi những niềm tin tích cực, không e dè hay sợ hãi, hoài nghi mà thay vào đó là tâm thế của sự cân bằng, hài hòa, vững vàng tiến về phía trước. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI