Cậu học trò làm trụ cột gia đình từ năm 10 tuổi

03/12/2014 - 11:00

PNO - PNO - Suốt hơn 7 năm qua, em Lê Thanh Truyền (hiện đang học lớp 12 A8 Trường THPT Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) phải một mình nuôi người cha nằm liệt một chỗ cùng người em nhỏ. Từ năm Truyền lên 2 tuổi, mẹ đã bỏ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cau hoc tro lam tru cot gia dinh tu nam 10 tuoi

Em Truyền bên con bò mua từ tiền vay để vỗ béo kiếm lời, lấy tiền làm lộ phí đi thi kì tuyển sinh đại học sắp tới.

Tuổi thơ đã phải sớm làm "người lớn"

Trong căn nhà nằm sâu cuối xóm Mỹ Lộc, thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, cậu thiếu niên gầy còm, cân nặng chỉ trên dưới 40kg Lê Thanh Truyền buồn bã nhớ về người cha vừa mất.

Cuối năm 2013, sau một thời gian dài nằm liệt giường, ông Tùng đã ra đi. Ngày cha mất, Truyền tất tả cùng hàng xóm láng giềng lo an táng cho cha mình. “Bà con cũng có, nhưng có lẽ do ba em mắc bệnh phong nên từ khi phát bệnh đến khi mất và cho cả đến bây giờ, ít ai đến thăm tụi em lắm”, Truyền tâm sự.

Trước khi mất, cầm tay Truyền, người cha đưa tờ giấy khai sinh trong đó có địa chỉ của mẹ và dặn dò: "Mai mốt học thành tài, con hãy đi tìm mẹ".

“Thế nhưng, em sợ mẹ giấu kín chuyện cũ và hiện đã có gia đình khác rồi, nên một khi em tìm đến, lại sợ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của mẹ" - Truyền tâm sự.

Theo lời kể của cha Truyền là ông Lê Thanh Tùng lúc còn sống, thì khi ra Huế làm thợ mộc, ông đã gặp và cưới bà Đào Thị Nhỏ, rồi đưa về sống trong căn nhà nhỏ này do ông bà để lại.

Truyền và em trai là Lê Phù Sa (sinh 1998) lần lượt ra đời trong cảnh nghèo khổ, túng thiếu. Nghe cha kể thì mẹ bỏ đi khi Truyền được gần 2 tuổi. Cũng một vài lần Truyền có hỏi lý do tại sao, nhưng cha chỉ im lặng. Và cũng không hiểu sao, chưa bao giờ Truyền thấy cha đi tìm mẹ lần nào.

Thương cha cực khổ nên ngay từ những ngày đầu bước vào tiểu học, Truyền đã tập nấu cơm, chăn bò, nấu cám heo, cắt lúa… Đến khi Truyền lên lớp 6 thì ông Tùng mắc bệnh phong.

Dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng do phát hiện bệnh trễ nên chỉ một thời gian sau đó, ông Tùng phải nằm liệt một chỗ. Gánh nặng mưu sinh của gia đình và chăm sóc cha đè nặng lên vai của Truyền. Khi đó em mới hơn 10 tuổi.

Để nuôi sống cả gia đình, trừ những lúc đến trường, Truyền cáng đáng tất cả mọi việc, từ cơm nước cho gia đình, chuyện đồng áng, thuốc thang và chăm sóc cho cha. Hồi đầu, do chưa quen nên đêm lên giường đi ngủ, tay chân Truyền mỏi nhừ, nặng như chì - Truyền nhớ lại.

Vừa đi học, vừa lo mọi việc trong gia đình, một ngày của Truyền bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc gần nửa đêm. Trước khi ngủ, Truyền lại “lập trình” thời gian biểu cho ngày hôm sau. Truyền bảo, em không có nhiều thời gian, nên phải sử dụng thời gian sao cho hiệu quả nhất. Tham công, tiếc việc nên nhiều bữa việc nhiều làm không hết, Truyền lại ao ước giá như một ngày dài hơn 24 tiếng.

Khao khát vươn lên

Giấu nỗi đau buồn vào tận đáy lòng, Truyền lại tiếp tục thay cha mẹ để lo cho em. “Giờ chỉ còn lại 2 anh em. Đứa em nay cũng đã lớn rồi, cũng cần nhiều thứ nữa, cho nên phải cố gắng thôi anh ạ”, Truyền giãi bày.

Cau hoc tro lam tru cot gia dinh tu nam 10 tuoi

Chăm sóc đàn gà để bán lấy tiền chuẩn bị cho Tết cổ truyền Ất Mùi 2015.

Nhà Truyền có 1,5 sào ruộng, mỗi năm trồng lúa được 2 vụ, được khoảng 700kg lúa khô, đủ ăn được 6 tháng, còn lại phải mua thêm. Thức ăn hàng ngày là tiền công đi làm thuê kiếm được, rồi tiền học bổng do một doanh nghiệp cho mỗi tháng 1 triệu đồng... để dành đi chợ.

Truyền tự đề ra qui định là mỗi ngày mua 10.000 đồng thức ăn, hôm nào sang thì 20.000 đồng. Với số tiền này, hôm thì Truyền mua cá xay 5.000 đồng, số còn lại mua rau về nấu canh; hôm thì mua da, mỡ heo và rau về xào, hoặc cá vụn... “Nhiều bữa, mấy cô bán ở chợ thấy tội nên cho thêm”, Truyền kể.

Ngoài ra để cải thiện bữa ăn, Truyền còn nuôi gà. Chỉ tay vào đàn gà hơn 20 con đang thơ thẩn kiếm mồi trong vườn, Truyền cho biết, ngoài trứng để ăn và cho ấp để gầy thêm đàn, một nửa số gà này sẽ bắt bán để mua sắm đồ đạc cho 2 anh em trong ngày Tết cổ truyền sắp tới.

Truyền kể, cách đây không lâu, Phù Sa thủ thỉ rằng thèm thịt gà. Thương em nhưng lại nghĩ con gà nếu bán cũng được trên 150.000 đồng, đủ đi chợ gần nửa tháng nên Truyền đành khất và hẹn nó lứa sau lớn sẽ làm thịt một con. Vậy mà nó giận, phải dỗ cả tuần mới chịu nguôi ngoai.

Dù sống trong cảnh nghèo túng và phải làm quần quật để nuôi gia đình, nhưng Truyền vẫn chăm chỉ học hành. Suốt từ năm lớp 2 đến nay, Truyền luôn là học sinh tiên tiến và giỏi. Riêng năm lớp 9 và năm lớp 11, được trường cử đi thi học sinh giỏi, Truyền đều đoạt giải nhì cấp tỉnh môn sinh học.

Nói về nghị lực của Truyền, thầy Nguyễn Quang Hảo, giáo viên chủ nhiệm, không ngớt lời khen ngợi: “Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng em Truyền luôn là người dẫn đầu lớp trong học tập. Ngoài miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp chung theo qui định, mỗi năm vài lần, các thầy cô trong trường mỗi người góp một ít để mua sách, vở, quần áo cho Truyền".

Nói về ước mơ của mình, Truyền không giấu giếm: “Em dự tính tốt nghiệp THPT, sẽ thi vào trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh”. Để có tiền đi thi, vào đầu năm 2014, Truyền đã nhờ một người anh họ vay giúp 30 triệu đồng để mua 2 con bò về vỗ béo kiếm lời. Truyền nhẩm tính, đến đầu năm tới sẽ bán bò, sau khi trả tiền vay, cũng lãi được 5 - 7 triệu đồng. Truyền sẽ để lại cho em Phù Sa 1 - 2 triệu đồng, số còn lại cũng đủ lộ phí đi thi.

“Em chỉ sợ rớt, chứ nếu đỗ thì em cũng sẽ cố gắng tìm việc vừa làm, vừa học cũng được. Em chỉ lo nhất là nếu đi học xa, không ai lo cho thằng Phù Sa. Từ ngày ba mất, tính nó trầm hẳn. Gần như khi học xong trở về, em nó chỉ thui thủi một mình, không muốn tiếp xúc với ai, đặc biệt là người lạ”.

Nói đến đó, Truyền bỗng chuyển hướng dự định: “Có thể em sẽ chọn thi một trường ở trong tỉnh, để có thời gian còn chăm nom em”.

MINH PHÚ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI