Nghe tiếng chuông chùa ở Trường Sa

20/01/2017 - 13:56

PNO - Tôi đã thấy ông và nhiều chức sắc nữa, ôm vai những người lính trẻ với ánh mắt từ tâm, như cái nhìn an nhiên mà không vô cảm của những sư thầy trên đảo.

Tôi rời chỗ ngồi, tiến đến lan can boong tàu cạnh mũi, ở đó có bóng áo nâu sồng đang ngắm biển. Lúc xuống tàu, ngó qua danh sách đoàn, thấy nhiều chức sắc tôn giáo, nghĩ chuyến đi này hẳn tạo dựng những góc nhìn từ biển, cho dù khoác trên vai phận sự gì, thì cũng là sinh ra từ rẻo đất này, khi Tổ quốc đâu phải của riêng ai, khi không giáo lý nào dạy rằng con hãy cắt đứt với cha mẹ, với đức hiếu sinh.

Thầy trụ trì một chùa ở quận 7 (TP.HCM), lần đầu tiên ra Trường Sa, hôm qua cùng đoàn đã ghé vài đảo nổi đảo chìm. “Ví dụ ngay bây giờ gặp bão lớn, thầy sợ không?”, tôi hỏi.

Nghe tieng chuong chua o Truong Sa
Thầy Thích Nhuận Tựu, Trụ trì chùa Trường Sa Lớn.

Cái nhìn nghiêm nghị nhưng từ tốn: “Hành giả làm theo lời Phật dạy. Chánh niệm và tỉnh giác. Sợ hãi hay không, tùy tu tập, nhưng phải quán theo điều đó, động tĩnh do mình. Nước, bão cũng như bất kỳ môi trường nào, đều là chỗ để hành trì, vấn đề là nghịch duyên hay thuận duyên, nhưng dù gì đi nữa thì cũng phải vượt qua, không để phan duyên (liên đới)”.

Tôi hỏi tiếp: “Cây cỏ, biển cả, không hề vô tri, người tu hành đều thể nhập vào đó được. Tuy nhiên, thầy cũng là người, sống thì chọn lựa, nên nếu bây giờ thầy được phép chọn, thì xiển dương hoằng pháp ở thành phố hay Trường Sa?”. 

Nghe tieng chuong chua o Truong Sa

“Anh hỏi vậy thì đã đặt bản ngã ở chỗ đó rồi. Không ai chọn nắng thay cho mát, nhưng Phật dạy tùy duyên, sẽ đi đến chỗ phải đến như định trước từ trong duyên nghiệp. Phật có nhắc đến biển như một thành tố làm nên vũ trụ. Biển hay gì rồi cũng trở về với bản nguyên của nó. Trường Sa cũng là đất đai, có con người ở đó, Phật có mặt để an ủi linh hồn, khiến dân chúng an lạc. Tôi nghe nói bộ đội khổ lắm, có ra lần này mới thấy họ khổ ra sao, để rồi mình sẻ chia tâm tình…”, Thầy chia sẻ

Tôi đã thấy ông và nhiều chức sắc nữa, ôm vai những người lính trẻ với ánh mắt từ tâm, như cái nhìn an nhiên mà không vô cảm của những sư thầy trên đảo. Tôi ngồi ở thềm chánh điện tại chùa trên đảo Song Tử Tây, chờ thầy Thích Nhuận Đạt áo đẫm mồ hôi vừa đi đâu về. Tôi hỏi: “Cực không thầy?”.

“Bộ đội cực, mình cũng cực, bởi thời tiết anh biết rồi đó, mình ăn chay, rau củ tự trồng, thuận mùa thì đỡ, tiết trời khó lắm thì đành chịu, tự lo hết”, Thầy chia sẻ.

Nghe tieng chuong chua o Truong Sa
Chùa Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa.

Thầy ở Khánh Hòa, tự nguyện ra đây làm Phật sự. “Ở đâu cũng tu hành, có đi xa, khổ, mới thấu hơn lời Phật về kiếp người. Ngư dân hầu hết là Phật tử, ghé đảo là lên chùa thắp nhang, đó là  niềm vui của mình, mong bà con làm ăn may mắn, an lạc, chứ biển giã khó lường, rồi bộ đội lúc rảnh rỗi vào dạo chơi, như anh em trong nhà”. 

Trôi nhanh qua tôi những ngôi chùa thành phố, mà sự náo nhiệt vào những ngày lễ lạc, như là trái nghịch trong bản thể của những chỗ đứng có cùng tên gọi, như hai người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng phận số họ khác. Thầy từ tốn: “Ừ thì anh nói không sai, mỗi nơi mỗi khác, tùy duyên thôi, nhưng đều hành trì để tâm không vọng”.

Nghe tieng chuong chua o Truong Sa

Chỉ có gió phần phật. Gió nóng, cõng theo hơi mặn rít rát. Dựng chùa trên đảo, có lẽ không ai vui bằng ngư dân. Trường Sa có đến sáu chùa, như cánh tay đất liền dài ra thêm, để ngư dân có thêm niềm tin rằng, họ lênh đênh mà không cô đơn, không vắng đi ở “xanh kia thăm thẳm tầng trên” cái nhìn từ bi, độ lượng, vạn pháp vạn năng đang che chở họ giữa ba đào. 

“Bà con vô kể nhiều chuyện, buồn có vui có, mình cầu nguyện cho thân tâm họ an lạc, bởi họ còn có gia đình, rồi bám biển góp phần giữ chủ quyền nữa. Nên tôi hành trì ở đây, cực cũng như không anh à, đi tu thì đừng nghĩ sướng khổ…”. Giọng thầy đều như tiếng kinh. Một lần nữa tôi hiểu “Tổ quốc ở trong tim mỗi người”, khi ngước lên cổng tam quan, có lẽ không nơi nào trên thế gian, cổng chùa ngoài lá cờ Phật, còn có cờ Tổ quốc…

Nghe tieng chuong chua o Truong Sa

Đoàn vào thắp hương. Tiếng chuông gióng giả, vang trong gió, trong thâm u, dội vào ruột biển như một công án u mật nhưng giản dị, dễ hiểu đến tận cùng, ngay cả những ai chưa một lần biết đến những rao giảng thâm huyền, cũng hiểu ngay tiếng chuông như hạt bồ đề gieo từ tâm, che chở, gợi nỗi an lạc. Đã quen với tiếng chuông chùa ở đất liền, quen đến mức như vô tình không âm sắc, bây giờ giữa mênh mông sóng cả, nghe chuông mà bồi hồi khôn nguôi.

Nhớ chuyện xưa nhà Phật, Bồ Đề Đạt Ma vượt sông Dương Tử bằng ngọn lau với huyền pháp phi phàm, giờ nghe tiếng chuông vang lên giữa Trường Sa như lời khai ngộ xa xôi lắm, như bước nhảy trong tâm thức, như mình vừa làm được điều đó ngoài khả năng của mình.

Đón tiếng chuông mà hân hoan tột độ. Nó đến, nó sẽ đi, có thể không bao giờ gặp nữa, nhưng đó là hạnh duyên và sao thấy tiếng chuông chùa giữa trưa Trường Sa như tiếng chuông chùa làng đêm thanh vắng, gợi nhớ tuổi thơ trốn tìm ở đó rồi ngủ say bên hiên chùa để mẹ tất tưởi đi tìm, suýt đòn roi may mà nhờ sư phụ khoát tay cười.

Nghe tieng chuong chua o Truong Sa

Như nghe trong tiếng chuông đĩnh đạc, khoan thai từ tay thầy Nhuận Đạt gói hết tiếng nói từ bi từ những ngôi chùa vùng chiêm trũng Bắc bộ, miền Trung nắng gió đến miền tây hoa trái sông nước, thu gọi dải đất hình chữ S vào âm ba của kim khí, cộng hưởng với gió, với nước, với lòng người, gợi mênh mông nỗi thiết tha có thực, rằng ở đây, ngay lúc này, chẳng ai để lòng  riêng, mà thảy đều chắp tay nguyện cầu cho bình an mọi nhà, cho hoan hỷ mỗi mặt người, cho đất nước nguôi đi gió to sóng cả.

Chạm tết rồi, ngồi nhớ tiếng chuông chùa Trường Sa, đọc thấy hoa đất liền đang theo tàu ra đảo, nghĩ ở đó không phải chờ đến tết mới có hoa xuân.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI