Để tăng nguồn thu phát triển kinh tế: Cần minh bạch, quản lý tốt công sản

04/05/2018 - 14:44

PNO - Phải bảo đảm sự công khai, minh bạch của chính quyền cho đối tác, cho cộng đồng, cho cả nhà đầu tư trong và nước ngoài. Minh bạch, công khai và đầy đủ ngay từ đầu sẽ tránh được mọi vấn đề tranh luận, thưa kiện phiền phức.

Đối thoại với Báo Phụ Nữ nhằm góp ý về huy động nguồn thu để phát triển kinh tế và một số vấn đề liên quan tại các kỳ họp bất thường vừa qua của HĐND TP.HCM, ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - cho rằng, ngoài việc được tự chủ về tài chính và nhân sự, thành phố còn cần một không gian phát triển linh hoạt cho các quyết sách phù hợp riêng của nó. Và đây là các điều kiện được xem là cần và đủ để bảo đảm cho một phát triển bền vững mà trong đó tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ.

De tang nguon thu phat trien kinh te: Can minh bach, quan ly tot cong san
Nhiều nhà đất công sản tại TP.HCM đang sử dụng sai mục đích - Ảnh: internet

5 thách thức khi muốn duy trì nguồn lực tại chỗ

- Ông có thể cho biết các phương cách trước mắt để có thể tăng nguồn lực cho thành phố?

- Ông Trần Quang Thắng: Theo tôi, chúng ta có thể tạo thêm nguồn lực để phát triển bằng cách cải cách hệ thống thuế, bán đi các tài sản công sử dụng kém hiệu quả, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; loại bỏ các khoản trợ cấp có hại và chi phí không hiệu quả.

Ngăn cấm hay hạn chế việc chuyển tiền tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng nước ngoài của những công dân giàu có, làm hao mòn nguồn tài chính trong nước, làm yếu đi nền tảng cho sự phát triển.

Tận dụng hợp lý các loại phí, lệ phí được giao tự chủ nguồn thu… Chú ý giải quyết thật sự hiệu quả “tắt nghẽn” phổ biến hiện nay trong thực hiện các dự án đó là khâu giải phóng mặt bằng, hiện đang gặp quá nhiều khó khăn và đình trệ.

- Ông đánh giá thế nào về các nguồn lực bên ngoài?

- Ông Trần Quang Thắng: Tôi nghĩ nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, ví dụ ODA chẳng hạn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, các nguồn tư nhân khác và các loại thu phí được giữ lại cho thành phố sẽ chiếm con số đáng kể. Các nhà tài trợ nước ngoài nên tập trung nguồn lực hạn chế của mình để hỗ trợ huy động nguồn lực trong nước như là một phần của con đường chấm dứt hỗ trợ nước ngoài.

Thành phố đã thấy cần huy động đầy đủ nguồn thu của mình để tài trợ trực tiếp và tận dụng nguồn vốn tư nhân nhằm đầu tư vào dịch vụ công, bảo trợ xã hội, phát triển con người và thể chế. Từ đó, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và toàn diện. Những lợi ích sẽ tích lũy cho thành phố không chỉ là doanh thu tăng lên mà còn củng cố niềm tin của người dân về khả năng cung cấp công khai, minh bạch các dịch vụ cơ bản.

De tang nguon thu phat trien kinh te: Can minh bach, quan ly tot cong san
 

- Tuy nhiên, chắc chắn đang có những rào cản cho việc duy trì nguồn lực tại chỗ phải không, thưa ông?

- Ông Trần Quang Thắng: Đúng thế. Các thách thức rất rõ ràng bao gồm: thứ nhất, các căn cứ tính thuế hiện bị giới hạn bởi quy mô và sự tồn tại của khu vực phi chính thức với phần lớn GDP của thành phố giao thoa với bên ngoài. Cần chuyển đổi sang hình thức chính thức trong chính sách thông qua báo cáo kinh doanh.

Thứ hai, nạn tham nhũng lan rộng và thiếu minh bạch sẽ ngăn cản sự sẵn lòng tuân thủ luật thuế của người dân. Điều này cho thấy, cần chú ý nhiều hơn đến các nỗ lực chống tham nhũng.

Thứ ba, trách nhiệm giải trình của người nộp thuế về dòng tiền được chi tiêu ra sao để tránh tối đa nạn trốn thuế. Đòi hỏi sự giám sát mạnh mẽ hơn bởi HĐND các cấp và tính dân chủ được tăng cường.

Thứ tư, các dòng tiền bất hợp pháp, nơi trốn thuế và việc chuyển giá sẽ làm nhiễu loạn quá trình đánh thuế bình thường.

Và thứ năm, “thói quen” không xem việc huy động nguồn lực tại chỗ là ưu tiên hàng đầu do quán tính trông chờ tài trợ nước ngoài. Tất cả là những cản trở lớn.

Ngoài ra, việc thu hút nguồn lực tại chỗ còn đòi hỏi tiếp tục cải tiến thủ tục hải quan, hoàn thiện mã số thuế và giám sát, quản lý tốt hơn các giao dịch tại biên giới, hoàn thiện công tác cán bộ tại các điểm nóng có thể dễ dính đến tham nhũng. Việc thu hút nguồn lực nên bắt đầu với những điều cơ bản như thế, trước khi giải quyết các cải cách khó khăn hơn.

Áp lực từ cộng đồng chưa đủ mạnh để bài trừ tham nhũng

- Xin ông cho biết, giải pháp dài hơi để TP.HCM tăng huy động nguồn thu cho phát triển kinh tế, bởi các thực trạng như ông nêu, nào là quản lý tài sản công kém hiệu quả, không kiểm soát nổi tham nhũng… đã làm người dân quá ngán ngẩm?

- Ông Trần Quang Thắng: Các chính sách, giải pháp thì hằng hà sa số. Tuy nhiên, tất cả những ách tắc là do vướng bốn điều kiện sau đây, mà nếu giải quyết ổn thỏa hết, mọi chuyện theo tôi sẽ trôi chảy, dù là khó khăn như tham nhũng.

Điều kiện đầu tiên là phải thượng tôn pháp luật. Một trong những cái khó lớn để sống tinh thần này chính là luật của chúng ta còn quá cồng kềnh, khó hiểu. Quốc hội ban hành luật nhưng không huy động được sự hợp tác chặt chẽ, hay nói cách khác hiện không tạo lập được một ủy ban soạn thảo và ban hành luật trong đó phải có bộ trưởng các bộ, ngành góp mặt. Như thế, khi soạn và ban hành luật sẽ không bị “anh nọ chõi anh kia”.

Luật nên là luật thôi, phải dần bỏ đi những thứ rườm rà dưới luật như nghị định, thông tư mà mỗi tầng nấc đó thường gây ra các trì trệ khủng khiếp. Luật phải đơn giản, làm sao cho người dân tự đọc được, có thể hiểu và tự giải quyết được 80% các vấn đề, 20% còn lại mới nhờ đến luật sư hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, để nghe tư vấn, giải thích. Và như vậy, những trình tự thủ tục của toàn bộ cuộc sống sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Điều kiện thứ hai là phải bảo đảm sự công khai, minh bạch của chính quyền cho đối tác, cho cộng đồng, cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Minh bạch, công khai và đầy đủ ngay từ đầu sẽ tránh được mọi vấn đề tranh luận, thưa kiện phiền phức, tốn kém.

Một ví dụ có thể thấy như chuyện mua bán đất công của TP.HCM mà dư luận đang rất quan tâm hiện nay, đó là trách nhiệm giải trình thuế, vấn đề là do không minh bạch, công khai.

Kế đến, phải bảo đảm được lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia, bao gồm lợi ích cộng đồng, đất nước và các đối tác đầu tư.

Điều kiện cuối cùng, bắt buộc phải bảo đảm tính phát triển bền vững. Ở đây cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, cần ưu tiên đẩy nhanh một chiến lược phát triển bài bản. Ví dụ, vấn đề ách tắc giao thông phải được khai thông, vì cần nhớ rằng, trở ngại giao thông gây tổn thất không dưới 7%/năm cho GDP của một thành phố lớn.

Bốn điều kiện gợi ý của tôi là giải pháp chung hết cho mọi vấn đề. Riêng tham nhũng, còn phải chịu một áp lực của cộng đồng, đó là sự giám sát và tăng cường hiểu biết về pháp luật của người dân. Không dẹp được tham nhũng bởi vì áp lực cộng đồng chưa đủ mạnh.

- Xin cảm ơn ông.

Trong các lĩnh vực có thể huy động nhiều hơn nguồn lực, theo ông Trần Quang Thắng, đó là du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. “Du lịch phải được phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có đầu mối, tập trung vào phát triển chuyên sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả”, ông nói.

Quốc Ngọc (thực hiện)

Từ khóa cva
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI