50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân: Những dấu lặng giữa Sài Gòn

10/01/2018 - 08:28

PNO - Người cha đi qua cuộc chiến với nhiệm vụ quá đặc biệt, suốt đoạn đời dài phải sắm một vai diễn hoàn hảo là một nhà thầu ở trung tâm đầu não của địch rồi sống như quên mình đi, để giữ lời thề “bí mật”.

Mậu Thân 1968, ở Sài Gòn, cả bưng biền, nhà cửa cũng “tham chiến”. Sài Gòn 50 năm sau vẫn lưu lại trong nó từng “dấu lặng” được gọi tên “nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu”, “bưng Láng Sấu”, “phở Bình”... trong cái tên chung là “địa chỉ đỏ”. 

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhung dau lang giua Sai Gon
Bà Nguyễn Thị Khỏi kể về Đêm trắng Vĩnh Lộc trong khu di tích Dân công hỏa tuyến

Nơi “để anh em tưởng nhớ anh em”

Bà Nguyễn Thị Khỏi bước đến bưng Láng Sấu (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) lần đầu, là để… tải thương binh. Năm 1968, 22 tuổi, bà trốn mẹ tham gia đội dân công hỏa tuyến ở xã, phụ trách tải thương, tải đạn. Chiều, lo xong cơm nước, bà xách cái thùng ra tưới hàng rau đầu tiên, rồi chạy sang tưới hàng rau cuối cùng, xem như… giáp vườn. Bà làm qua loa để qua mắt mẹ, đặng kịp lên đường nhận nhiệm vụ. 

50 năm Tổng tiến công Mậu Thân: Nhắc chuyện cũ để thương mình, thương người

Bưng Láng Sấu rộng mênh mông, mọc toàn dứa, cỏ năn, cây đinh. Đứng ở phía Vĩnh Lộc A, ngó sang ngút mắt bên kia bưng là Mỹ Hạnh (Đức Hòa, Long An), Hóc Môn. Từ xa lộ Đại Hàn, hay miền Tây Nam bộ đi về thành phố đều phải đi ngang, đạn pháo hai bên rải bắn liên tục. Người trong vùng gọi đây là “vùng tử địa”, hễ bước vào là chết. Đoạn qua “vùng tử địa” gian nan, lại phải tuyệt đối tập trung, trật tự như đi ngang miệng hùm. Đêm 15/6/1968, “vùng tử địa” máu đổ đỏ đồng, đường tải thương nửa chừng đứt đoạn.

Nữ dân công Nguyễn Thị Khỏi bây giờ đã ngoài 70 tuổi, đã cạn nước mắt sau hàng trăm lần kể lại đêm trắng đó: “Tui nghe chỉ huy phát lệnh dừng lại, thì máy bay địch đã xuất hiện sáng trưng bên kia đồng. Chị em đồng loạt hụp xuống nước, bám lấy bụi dứa để giữ mình khỏi nổi. Đèn pha từ trực thăng sáng chói, quét ngay qua vùng nước đục ngầu đang còn chao mạnh do cuộc quẫy đạp của hơn 50 con người. Đạn rải xuống như vãi lúa. Đèn quét qua lần nữa. Lần này, tui thấy nước đỏ ngầu màu máu. Thấy đèn trực thăng rọi hướng khác, tui rời bụi dứa, kêu con Để chạy đi. Lên đến bờ, ngoái lại vẫn thấy con Để phía sau. Chị em dưới nước với lên dặn “về nói má nuôi giùm con tao”. Tui ngoái lại lần nữa, đã thấy con Để như mắc mưa giữa chùm đạn. Đèn trực thăng vừa sượt qua người nó, rồi quét qua hướng khác. Tui cắm đầu chạy trong đêm”.

Bà Khỏi thắp một nén nhang, nói với cả người trẻ đang đối diện bà, lẫn người đã khuất: “Chỗ tưởng niệm các chị bây giờ chính là cái bưng nước loang đầy máu đêm đó”. Chỗ này, mỗi tuần, ít nhất một lần, bà đạp xe lên phụ dọn dẹp, nói chuyện với các chị một chặp rồi về. Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 khang trang được xây trên nền đất lấp ở đìa Dứa thuộc bưng Láng Sấu.

Trong đêm trắng đó, 32 nữ dân công hy sinh, phần lớn đều chừng 20-25 tuổi, chưa lập gia đình, chưa từng yêu đương. Khu di tích khang trang bây giờ, có tiền thân là cái miếu lén xây ở bìa bưng Láng Sấu, ngay trong những ngày tang thương ngút trời Vĩnh Lộc ấy.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhung dau lang giua Sai Gon
Nhân dân hân hoan chào đón quân giải phóng giữa thành phố Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Bà Khỏi còn nhớ, cha của nữ liệt sĩ Phan Thị Vân đã vận động thân nhân các liệt sĩ trong làng cùng nhau lập miếu thờ ngay gần điểm hy sinh của 32 nữ dân công. Hồi đó, chính quyền rà soát gắt gao, mọi gia đình liên quan đến cách mạng đều bị đem xét xử. Việc lập miếu thờ nữ dân công diễn ra âm thầm nơi bưng nước ít người qua lại, đi ngang chỉ thấy cây lá um tùm. Những năm đó, mỗi lần nhớ bạn, bà Khỏi cùng đồng đội lại ra dọn dẹp, thắp nhang. Khu miếu sát bên bưng nước có khi cũng ngập tới đùi, giống như con đường xuyên bưng hồi đêm tháng Sáu năm 1968.

Người tới thăm khu di tích Dân công hỏa tuyến bây giờ thường gọi bà Khỏi là “người giữ đình”, dù khu đình có nhân viên quản lý thường trực. Con đường từ nhà bà vào cũng chính là con đường duy nhất dẫn vào khu di tích này. Đường hồi đó được gọi tên là “đường trâu sụp”, vì nó vốn được mở để người ta dắt trâu đi bưng, lại chi chít ổ voi. Mười mấy năm trước, khi khu di tích được xây lại khang trang, bà đến từng nhà dân, vận động xin đất suốt ba tháng trời để làm lại con đường Nữ Dân Công, để mỗi năm, đến ngày giỗ các chị, đường sá hanh thông, con cháu, bạn bè dễ tìm về. “Di tích của quốc gia nhưng cũng là nơi riêng tư, để anh em tưởng nhớ anh em” - bà Khỏi tâm tình.

Những góc khuất tuổi thơ

Căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 ban đầu là một “tài sản riêng” khi anh Trần Vũ Bình nghĩ về cha. Cha anh là ông Trần Văn Lai, biệt hiệu là thầy Năm U.S.O.M hay Mai Hồng Quế - chủ thầu xây dựng trong Dinh Độc Lập. Ông Lai đã mua và sở hữu nhiều căn nhà ở nội thành Sài Gòn, đào nhiều hầm giấu vũ khí, giữ vai trò đắc lực cho trận đánh vào Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968.

Đêm đó, ông Năm Lai bỏ trốn, thỉnh thoảng có ghé về nhà nhưng chỉ chóng vánh và lặng lẽ như cái bóng. Ở số 720 đường Võ Di Nguy (đường Nguyễn Kiệm bây giờ), bà Đặng Thị Thiệp phải tự nhận mình “làm lẽ, nuôi con, chồng ở nhà bà cả” rồi mong cho người ta đồn đại ra để nhiều người tin mình không liên quan gì đến Việt cộng.

Hòa bình lập lại, Bình lần đầu được “đường đường chính chính” có một người cha. Nhưng, cha vẫn đi về như cái bóng, tiếp xúc với con chỉ bằng những câu nói ngắn gọn và đầy kỷ cương, như “phải tiết kiệm”, “phải tự lập” và gò cả nhà vào một đời sống tằn tiện, thiếu thốn.

Sống trong căn nhà rộng rãi mà xập xệ, ky cóp từng chút một; lên trường, anh Bình lại nghe bạn cười nhạo: “Cha mày là tư sản”. Người lớn vẫn kể về những căn nhà của cha anh, còn đọc rành rành từng địa chỉ. Đem chuyện về hỏi má, Bình thấy má không lắc đầu, cũng không xác nhận trước thông tin “cha là thầu xây dựng, rất giàu”.

Ngẫm lại, Bình thấy nhà mình dù xập xệ, thiếu thốn đủ đường nhưng lại ở ngay mặt tiền, có hai chiếc xe hơi đậu trong sân, chuyện ba là “tư sản” chắc là thật. Thời tranh tối tranh sáng, chẳng biết nguồn nào đủ tin để hỏi.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhung dau lang giua Sai Gon
Anh Trần Vũ Bình (bìa trái) tiếp đoàn thăm quan di tích hầm chứa vũ khí đánh Dinh Độc Lập

Thế rồi, Bình phát hiện sự tồn tại của căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu trong lời nhắc của người lớn về căn hầm bí mật bên dưới nó. Khi ấy, anh đồng thời phát hiện, những lần vắng nhà, ba anh vẫn thỉnh thoảng ghé lên thăm căn nhà mà ông giấu gia đình, cho người thông ngôn xưa kia ở nhờ. Bình nổi loạn, đòi giành chiếm căn nhà, liên tục đòi đối chứng với cha về những lời đồn đại khác đã đầy ứ tuổi thơ anh.

Lúc này, ngồi trong di tích Hầm chứa vũ khí của biệt động thành đánh Dinh Độc Lập, Bình lặng người sau những lời kể dày đặc vắt qua nhau: “Sau này nhìn lại, tôi nhận ra, hồi đó mình không phải đang giành nhà, mà là… giành cha”.

Người cha đi qua cuộc chiến với nhiệm vụ quá đặc biệt, suốt đoạn đời dài phải sắm một vai diễn hoàn hảo là một nhà thầu ở trung tâm đầu não của địch rồi sống như quên mình đi, như chẳng có một cuộc sắm vai nào cả, để giữ lời thề “bí mật”.

Hết chiến tranh, trở về đời thường, những thân phận chồng chéo lên nhau, và “giữ bí mật” vẫn như một nhiệm vụ sống còn. “Vùng bí mật” ấy giữ ông trong một khoảng cách bất di bất dịch với con cái. Không kể, không biểu cảm, không mảy may một biểu hiện “lệch chuẩn” nào của cảm xúc hay tình cảm thường tình. Ông chỉ nghĩ cách mưu sinh rồi giáo dục con cái bằng chính cái nghèo khổ của người cha khi thì vá xe, khi xay rau má.

Tôi hỏi: “Rồi, anh có giành được cha anh không?”. Giọng người đàn ông ngũ tuần như lạc đi: “Cho đến lúc cha mất, tôi và cha vẫn còn giấu nhau. Tôi giấu bệnh ung thư của ông nhiều năm trời, không cho bất kỳ ai hay. Đêm nào tôi cũng phải để đèn tới sáng, vì bóng đêm quá đáng sợ với những xung đột đến tận cùng khi nghĩ đến cha. Ông thì giấu tôi cả cuộc đời của ông, không hé nửa lời.

Nhưng, đến khi đủ lớn để hiểu cha bằng những kênh khác, tôi không cần một lời kể nào nữa. Có những ngày, chúng tôi quá thèm phở, ông lẳng lặng ra mua một tô, về nấu thêm với nước  rồi dọn ra cho anh em tôi ăn. Trong lúc chúng tôi háo hức ngồi vô chỗ tô phở, cha quay mặt đi. Tôi biết ông cũng thèm. Lúc bắt được biểu hiện hiếm hoi đó của cha, tôi vừa thương vừa mừng. Cái mừng rất khó tả. Rồi cuộc sống sau này trả lời cho tôi nhiều điều. Điều quan trọng nhất, an ủi được toàn bộ tuổi thơ tôi, là tôi nhận ra cha rất thương anh em tôi”.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhung dau lang giua Sai Gon
Quân giải phóng tiến công trên đường Lê Lợi (Sài Gòn). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Năm 1987, khi bắt đầu có tin ngôi nhà ở hẻm Nguyễn Đình Chiểu sắp được Nhà nước công nhận di tích lịch sử, anh Bình mới biết, bên dưới ngôi nhà mà cha anh vẫn lặng lẽ lui tới đó là một căn hầm. Căn hầm bí mật từng chứa hai tấn vũ khí, là nơi xuất phát của 15 chiến sĩ của Đội 5 Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập vào đêm mùng Một tết Mậu Thân.

Bà Đặng Thị Thiệp, má anh, từ khoảnh khắc đó, mới bước ra khỏi vùng im lặng. Suốt những ngày tháng dài sau cái đêm mùng Một đó, bà đã tự chôn vùi chuyện cũ, rồi tự hiểu mình cần im lặng cả sau ngày giải phóng miền Nam.

Năm 1965, chính bà Thiệp đã cùng chồng chọn mua căn nhà rồi đào hầm hằng đêm theo chỉ thị của cấp trên. Khu hẻm Nguyễn Đình Chiểu giao với Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ) là xóm ve chai, nhà cửa thưa thớt giữa những bãi phế liệu lớn. Vợ chồng bà Thiệp chọn mua căn nhà vì cư dân ở đó chủ yếu là Hoa kiều, chỉ chăm chú làm ăn, ít để ý xóm giềng.

Mua được căn số 287/70, ông Năm Lai lại mua thêm hai căn hai bên để việc đào hầm không kinh động hàng xóm. Vì có giấy công lệnh từ Dinh Độc Lập, được miễn khám xét nên việc vận chuyển vũ khí từ Củ Chi về nội thành Sài Gòn khá thuận lợi. Ba năm trời phục vụ cho căn hầm bí mật, cả hai vợ chồng đều không biết số vũ khí này sẽ được dùng vào việc gì. Ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Mùi (cận tết Mậu Thân), bà Thiệp cùng chồng đón chuyến vũ khí cuối cùng được đưa đến trong những chậu mai và thúng dưa hấu, cà chua.

Chiều mùng Một tết, chồng bà ghé về ngôi nhà trên đường Võ Di Nguy mà mấy mẹ con đang ở, báo: “Chuyến này tôi đi 90% là hy sinh. Má nó phải vững vàng để lo cho con”. Đêm đó, ông Năm Lai lái một trong ba chiếc ô tô đưa 15 biệt động thành đánh vào Dinh Độc Lập. Trận đánh không suôn sẻ, bị lộ danh tính, ông bỏ nhà cửa, chạy trốn trước khi tìm về chiến khu.

Lúc anh Bình hay chuyện, ngôi nhà chứa căn hầm bí mật chỉ còn lại một phần ba. Hai căn nhà bên cạnh đã được đổi chủ nhiều lần sau năm 1968, khi cha anh mất quyền sở hữu. Ngày 16/11/1988, cả gia đình anh vào Dinh Độc Lập để nhận bằng chứng nhận di tích lịch sử, cha anh vẫn không kể thêm điều gì. Mãi đến những ngày cuối đời, người cha kín tiếng cũng chỉ gửi lại lời gợi ý: “Nếu con làm ăn được, thì hãy nghĩ đến chuyện chuộc lại nhà mình ở số… đường… Đó là những căn nhà gắn với lịch sử”.

“Mai Hồng Quế, địa chỉ 33/35 Phú Thành cũ” - dòng thông tin dễ đã đọc lại hàng trăm lần khi anh Bình đối diện với cán bộ lưu trữ ở Công an TP.HCM để tra tìm tài sản của cha. Tìm được một chiếc ô tô, lại dích dắc kết nối đến thông tin về một căn nhà. Suốt gần hai mươi năm, anh miệt mài xuôi theo những dòng thông tin đó, lần tìm, rồi xoay xở chuộc lại hơn 1.000 hiện vật từng thuộc về cha. Di tích Hầm chứa vũ khí đánh Dinh Độc Lập mới đây được hoàn thiện thêm với căn nhà bên trái mà anh Bình đã kiên trì thuyết phục mấy năm trời để chuộc lại được từ người phụ nữ Ấn kiều.

Lần gần nhất tôi gặp anh Bình là sáng 7/1/2018, khi anh đang chỉ đạo một đội thợ khui căn hầm dưới căn nhà mới chuộc lại trong khu di tích Hầm chứa vũ khí đánh Dinh Độc Lập.

Căn hầm im lìm suốt 50 năm, số vũ khí còn lưu lại mịt mờ bụi. Từ hai tháng nay, đã có sáu đội thợ bỏ chạy vì không đủ can đảm bước xuống hầm. Anh cứ nhắc đi nhắc lại trong cái chộn rộn của buổi đầu khui mở căn hầm: “Năm mươi năm rồi, đâu phải ít. Em có hiểu câu chuyện đó không Trâm?”.

Tôi không biết mình có hiểu không. Hay là, tôi mãi mãi vẫn còn những vùng trời không chạm tới được trong từng địa chỉ đỏ đã được dựng lên thật cụ thể này? Bởi, những vùng trời đó thuộc về họ, những người đã dành cho nó cả thanh xuân đỏ lửa, hay một tuổi thơ đầy dằn vặt… 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI