Doanh nghiệp Việt nên 'sòng phẳng' với các quỹ đầu tư

10/08/2018 - 07:26

PNO - Vụ “lùm xùm hợp tác” giữa quỹ đầu tư VinaCapital với Công ty cổ phần Ba Huân hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Từ kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Lâm Tuấn Minh - đồng sáng lập và điều hành LP Investment & Consulting (thành viên của LP Group) có nhiều lời khuyên hữu ích dành cho doanh nghiệp khi làm ăn với các quỹ đầu tư nước ngoài.

* Các quỹ đầu tư nước ngoài gần đây có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và các doanh nghiệp gia đình. Vì sao, thưa ông?

Danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư, đặc biệt là những quỹ đầu tư lớn, thường rất đa dạng và có thể được điều chỉnh, thay đổi vào từng thời điểm. Trong đó, các doanh nghiệp chưa niêm yết, các doanh nghiệp có tính chất gia đình cũng là những đối tượng thường được quỹ đầu tư chú ý. 

Doanh nghiep Viet nen 'song phang' voi cac quy dau tu
Công ty cổ phần Ba Huân không còn muốn VinaCapital là "người đồng hành".

Công bằng mà nói, các doanh nghiệp đã niêm yết thường có chỉ số tài chính và kinh doanh vượt trội so với những doanh nghiệp chưa niêm yết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn nhất định về vốn điều lệ, thời gian hoạt động, số lượng cổ đông theo quy định thì mới có khả năng “lên sàn”. Vì vậy, đại đa số các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp mới khởi nghiệp không đủ khả năng để có thể niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số đông tại Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng có tính đột phá, việc một số quỹ đầu tư chuyển hướng và tập trung vào những đối tượng đầu tư này cũng là điều dễ hiểu.

Cấu trúc vận hành nhỏ gọn, khả năng tác động ở những giai đoạn đầu, nhất là với những mô hình mới, sẽ là một sự lựa chọn đầu tư đáng chú ý và nhiều triển vọng, đặc biệt với quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Đối với mô hình doanh nghiệp gia đình, trong quá trình tư vấn, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nhận biết tốt, chỉ số tăng trưởng ổn định, bức tranh tài chính hấp dẫn nhưng quy cách và cấu trúc bộ máy lại chưa chuyên nghiệp, thường chồng chéo và mâu thuẫn về pháp lý.

Nếu bỏ qua những rủi ro thường gặp trong quá trình đầu tư thì mô hình này vẫn có tính thu hút bởi nguồn lực đặc thù cũng như khả năng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.  

* Doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý những vấn đề pháp lý nào khi hợp tác và nhận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài? Để tránh bị thâu tóm, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vấn đề pháp lý nào?

- Doanh nghiệp cần hiểu rõ hình thức đầu tư và con đường đầu tư mà các bên lựa chọn hoặc nhà đầu tư chỉ định. Cần phải nắm được chính xác nguồn vốn đầu tư sẽ đi theo con đường nào, đối tượng nào sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng và thực hiện giao dịch. 

Đặc biệt, các quỹ đầu tư thường sử dụng nhiều tư cách pháp nhân khác nhau, từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để đại diện thực hiện giao dịch đầu tư. Biết chính xác những thông tin cơ bản này sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam hiểu được cấu trúc đầu tư và dễ dàng hơn trong quá trình xử lý, giải quyết tranh chấp (nếu có). 

Doanh nghiep Viet nen 'song phang' voi cac quy dau tu
Ông Lâm Tuấn Minh - đồng sáng lập và điều hành LP Investment & Consulting (thành viên của LP Group).

Doanh nghiệp cần hiểu rõ để biết được phạm vi trách nhiệm của mình với các hình thức đầu tư mang tính đặc thù như vay chuyển đổi thành cổ phần, giải ngân đầu tư theo kết quả công việc, hợp tác kinh doanh thay vì mua bán cổ phần… 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cẩn trọng trong nội dung các điều khoản hoặc thỏa thuận. Việc giao kết, ràng buộc thỏa thuận trên thực tế có thể đơn giản với nhà đầu tư thiên thần cá nhân (angel investor), nhưng các giao dịch của quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư nước ngoài thường theo chuẩn đầu tư và mang tính phức tạp cao. Vì vậy, việc đầu tư sẽ được thể hiện trực tiếp thông qua các văn bản, hợp đồng ký kết. Việc ký kết cũng cần được rà soát và thẩm định kỹ lưỡng, tránh các sai sót về mặt kỹ thuật hoặc có nội dung không rõ ràng, mâu thuẫn với ý chí của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với vấn đề kiểm soát, thâu tóm doanh nghiệp mục tiêu, bên nhận vốn cần chú ý thêm những nội dung then chốt liên quan đến: tỷ lệ sở hữu cổ phần và vấn đề pha loãng, quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin, cơ cấu bộ máy và nhân sự cốt lõi.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến quyền sở hữu và điều hành doanh nghiệp, vì vậy, ngay lúc đàm phán, cần xác định rõ cơ cấu sở hữu cũng như việc cổ phần sở hữu có khả năng bị pha loãng, bị giảm xuống trong trường hợp có khoản đầu tư mới phát sinh hay không.

Đối với một số doanh nghiệp đặc thù về công nghệ, sản xuất kỹ thuật hoặc kinh doanh nhà hàng ăn uống, các bí mật kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù là giá trị cốt lõi và cần được bảo vệ; cần chú trọng việc bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm cũng như ký kết các thỏa thuận về bảo mật thông tin đi kèm biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin.

Các nhân sự cốt lõi, người điều hành, người sáng lập thường đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của toàn bộ công ty, vì vậy, cần thiết phải kiểm soát hoặc có cơ chế đối trọng công bằng với nhà đầu tư về vấn đề này, đặc biệt là những nội dung liên quan đến quyền biểu quyết và thông qua, cơ chế miễn nhiệm, bổ nhiệm chức vụ quan trọng, các vấn đề về quản lý và xử lý kỷ luật lao động.

* Trong trường hợp phát sinh các mâu thuẫn và tranh chấp, doanh nghiệp Việt Nam nên xử lý nó như thế nào?

- Ngoài hai hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến được pháp luật công nhận là giải quyết tại tòa án và trọng tài thương mại, trên thực tế, các bên có thể lựa chọn các cách giải quyết khác tùy theo thỏa thuận hoặc ý chí hợp pháp.

Các bên có thể giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc tự đàm phán và thỏa thuận, sử dụng các bên trung gian cho quá trình làm rõ tranh chấp và tư vấn giải quyết như luật sư, chuyên gia tài chính, chuyên gia thẩm định giá…

Trong trường hợp những biện pháp này không đưa đến kết quả như mong muốn, các bên có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài thương mại. 

* Mục đích của nhà đầu tư rất đa dạng, có thể tích cực hoặc tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Liệu có cách nào để nhận biết được mục đích của nhà đầu tư trước khi chính thức nhận vốn hay không?

- Ở góc độ quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy có nhiều mục đích đầu tư mà nhà đầu tư có thể hướng đến trong các thương vụ hợp tác kinh doanh, mua bán, sáp nhập (M&A). Đó có thể là hợp tác chiến lược cùng phát triển, đầu tư tài chính hướng đến lợi nhuận, thực hiện M&A để thâu tóm hoặc hạn chế cạnh tranh trên công ty mục tiêu…

Việc nhận biết đâu là mục đích đầu tư chính xác của nhà đầu tư không phải dễ dàng mà tùy thuộc vào nhận định, đánh giá của mỗi bên.

Tuy nhiên, thông qua các thỏa thuận, hợp đồng được ràng buộc chặt chẽ và có tính tuân thủ cao, doanh nghiệp nhận vốn hoàn toàn có thể học cách kiểm soát một “cuộc chơi” có tính công bằng và minh bạch. 

Thay vì quá trông đợi vào những sự bảo vệ từ nguồn lực bên ngoài, việc sử dụng pháp lý như một công cụ cần thiết để tự bảo vệ, loại bỏ rủi ro từ những nhà đầu tư không thiện chí trong quá trình thực hiện M&A là cách làm hiệu quả và kịp thời, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các startup trong làn sóng M&A mạnh mẽ nhưng đầy phức tạp hiện nay. 

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI