Nước mưa đi về đâu?

24/10/2016 - 06:00

PNO - Xin tạm không bàn đến chuyện xả lũ là đúng hay sai quy trình, chuyện chậm hay nhanh thông báo. Ở đây, ta hãy thử tiếp cận vấn đề từ một góc khác: nước mưa đi về đâu sau khi rơi xuống?

Giữa lúc lũ lụt đang hoành hành khắp các tỉnh miền Trung thì vụ xả lũ của thủy điện Hố Hô vẫn khiến nhiều người bức xúc. Người ta cho rằng chính việc Hố Hô xả lũ đã khiến 16/22 xã thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ngập lụt và yêu cầu phải đưa những người chịu trách nhiệm ra trước pháp luật.

Xin tạm không bàn đến chuyện xả lũ là đúng hay sai quy trình, chuyện chậm hay nhanh thông báo. Ở đây, ta hãy thử tiếp cận vấn đề từ một góc khác: nước mưa đi về đâu sau khi rơi xuống?

Với cư dân đô thị, câu trả lời có vẻ khá đơn giản (dù không hoàn toàn chính xác): nước mưa thoát đi qua hệ thống cống rãnh, ra sông, đổ về biển. Chỉ một lượng nước nhỏ thấm xuống đất và một lượng nhỏ nữa bốc hơi. Nguyên nhân là vì ở khu vực đô thị, hầu hết diện tích bề mặt đều đã bị bê tông hóa, nước chẳng thể thấm qua.

Khi những cánh rừng bị phá, khả năng chúng ta phải hứng chịu lũ lụt tăng lên ít nhất 30%.
Khi những cánh rừng bị phá, khả năng chúng ta phải hứng chịu lũ lụt tăng lên ít nhất 30%.

Ở khu vực nông thôn, nơi có rừng tự nhiên che phủ thì sau một cơn mưa, gần một nửa lượng nước sẽ bốc hơi ngược vào không khí; từ 20-30% nước sẽ thẩm thấu vào đất, tạo thành dòng chảy trong đất; 10-40% sẽ trở thành nước ngầm và chỉ có dưới 1% nước tạo thành dòng chảy bề mặt tức thứ tạo ra lũ lụt. Trong điều kiện không có rừng hoặc rừng đã bị hủy hoại thì khả năng giữ nước, đẩy nước bốc hơi trở lại giảm đi rõ rệt. Từ 1% lượng nước chảy trên bề mặt có thể tăng lên đến 30%.

Trường hợp những trận mưa quá lớn, liên tục thì sau khi lượng nước thẩm thấu vào đất bị bão hòa, 100% lượng nước còn lại sẽ tạo thành dòng chảy bề mặt, gây ngập lụt các vùng đất thấp. Như vậy, nếu không có rừng, khả năng chúng ta hứng chịu lũ lụt sẽ tăng lên ít nhất là 30%. Có thể bạn đã biết, trong 100 năm qua, diện tích rừng trên toàn thế giới đã bị phá hủy hơn một nửa với tốc độ tương đương với một sân vận động mỗi giây.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời kỳ từ 1945-1975, cả nước ta mất ba triệu héc-ta rừng. Thời kỳ từ 1975- 1990, tốc độ mất rừng diễn ra nhanh gần gấp đôi: 2,8 triệu héc-ta. Nghĩa là trong 15 năm, rừng của chúng ta mất tương đương 30 năm trước đó. Mất rừng là một chuyện. Chất lượng rừng Việt Nam cũng giảm sút đáng kể.

Nếu trước năm 1945, trữ lượng gỗ rừng Việt Nam đạt từ 200-300m3 /ha và chủ yếu là các loại gỗ quý như đinh, lim, sến, trai, gụ... thì hiện nay rừng của chúng ta chủ yếu là rừng nghèo. Theo Bộ Công an, 43% số vụ phá rừng tại Việt Nam liên quan đến việc chuyển đổi rừng nghèo, xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh và khai thác gỗ trái phép.

Đến đây, chúng ta thấy xuất hiện vai trò của thủy điện trong việc tàn phá rừng. Để xây dựng các hồ chứa cho thủy điện, một lượng lớn rừng tự nhiên (với các loài gỗ quý) đã bị phá. Khả năng làm bốc hơi nước của cây rừng bị hủy hoại dẫn đến lượng nước dòng chảy bề mặt tăng lên, góp phần tạo ra lũ lụt.

Có ý kiến cho rằng các hồ chứa nước thủy điện cũng đóng vai trò điều tiết lượng nước cho vùng hạ lưu. Điều đó đúng, nhưng là với những thủy điện rất lớn như ở Canada hay như ở Na Uy là nước dùng 100% thủy điện. Tại Việt Nam, hầu hết các thủy điện đều nhỏ, công suất dưới 30MW và các hồ chứa không có khả năng điều tiết thủy lợi.

Như trường hợp của Hố Hô, thủy điện này chỉ có công suất 14MW và không có khả năng tích nước cắt lũ. Thế nhưng bảo Hố Hô là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở Hương Khê thì lại khá oan cho thủy điện này, bởi với diện tích 265,26ha, hồ chứa của Hố Hô chỉ chứa được 38 triệu mét khối nước. Đem toàn bộ lượng nước này đổ lên hai huyện Hương Khê và Tuyên Hóa thì mực nước sẽ dâng lên được khoảng... 17mm.

Nguyên nhân gây ra lũ lụt tại Việt Nam phải được chỉ mặt đặt tên cho đúng: tình trạng hủy hoại rừng dù với bất kỳ lý do nào, kể cả để xây dựng các hồ chứa thủy điện. Ngoài ra, có thể bạn đã biết, việc các thủy điện xả lũ không giúp ích gì nhiều cho nông nghiệp, bởi lượng phù sa hầu hết đều đã được giữ lại dưới đáy hồ chứa. Chưa kể, các thủy điện là nơi sản sinh ra khí methane, carbon dioxide, gây hiệu ứng nhà kính. Các thủy điện cũng bị chỉ ra là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái ở khu vực hồ chứa và cả ở hạ lưu.

Nhân Sư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI