Khổ sở vì nhà tình nghĩa bỗng dưng bị… thu hồi

24/04/2015 - 08:27

PNO - PN - Được cấp nhà tình nghĩa, nhưng mấy năm nay gia đình ông Trần Văn Kiệm phải chạy đôn chạy đáo gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu giúp đỡ, vì nhà bỗng dưng bị trưng dụng làm nhà hộ sinh, kho vật tư nông nghiệp.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Kho so vi nha tinh nghia bong dung bi… thu hoi

Sau 15 năm bị trưng dụng, căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp trầm trọng.

Bỗng dưng bị lấy lại nhà tình nghĩa

Trong đơn, ông Trần Văn Kiệm (SN 1944, trú tại xóm 1, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) cho biết: Bà ngoại của ông là bà Võ Thị Nhuận SN 1917) lấy ông Lại Nguyễn, sinh được 2 người con là Lại Thị Triển (tàn tật từ nhỏ) và liệt sĩ Lại Ngọc Mai (SN 1944, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968).

Bà Triển mặc dầu tàn tật nhưng cũng có chồng và sinh được 2 người con là ông Trần Văn Kiệm và ông Trần Văn Liêm (vợ là Đậu Thị Phượng, hiện ông Liêm đã mất).

Năm 1981, sau khi ông ngoại (ông Lại Nguyễn) qua đời, ông Kiệm và các con của ông đã đưa bà ngoại về để tiện chăm sóc bà và thờ cúng liệt sĩ Lại Ngọc Mai (ông Kiệm gọi bằng cậu ruột).

Đến năm 1999, được sự nhất trí của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân 12 xóm, xã Nghĩa Bình đã cấp đất, quyên góp tiền, cất cho bà Võ Thị Nhuận (mẹ liệt sĩ Lại Ngọc Mai) một căn nhà tình nghĩa.

Ngôi nhà thuộc thửa đất số 53, tờ đồ số 57, diện tích 138,2 m2. Đây cũng là trường hợp duy nhất trong xã có gia đình liệt sĩ.

Kho so vi nha tinh nghia bong dung bi… thu hoi

Giếng nước của mẹ liệt sĩ nay thành hố rác.

Sau khi xây dựng xong, UBND xã Nghĩa Bình đã tổ chức đón bà Nhuận về ở. Do tuổi già sức yếu, đường sá xa xôi, bất tiện trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng nên ông Kiệm đã cho 2 đứa con (Trần Thị Kiều, Trần Văn Nguyệt) ra ở với bà Nhuận tại ngôi nhà tình nghĩa vừa được xây dựng xong.

Nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì ngày 6/6/2001, bà Nhuận qua đời, gia đình ông Kiệm đã đứng ra mai táng chu tất cho bà. Tuy nhiên, mấy ngày sau khi bà Nhuận mất, UBND xã Nghĩa Bình đã lấy lại căn nhà trên giao cho trạm y tế xã làm nhà hộ sinh.

Đồng thời, ông Võ Đình Môn, chủ tịch xã Nghĩa Bình đã ký lệnh duyệt chi (không có số) “hỗ trợ” 8 triệu đồng cho vợ chồng ông Trần Văn Liêm (em trai ông Kiệm) và bà Đậu Thị Phượng sửa sang lại căn nhà hai vợ chồng này đang ở tại xóm 4 để đưa bàn thờ, di ảnh bà nhuận, ông Lại Nguyễn và liệt sĩ Lại Ngọc Mai về thờ.

Theo kết luận số 18 ngày 31/12/2013 của UBND huyện Tân Kỳ, việc UBND xã Nghĩa Bình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tại xóm 4 là không phù hợp với điều kiện thực tế vì bản thân bà Nhuận đã được giao nhà tình nghĩa tại xóm 8.

Việc ông Võ Đình Môn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình kí duyệt hỗ trợ 8 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Võ Thị Nhuận tại xóm 4 là thiếu cơ sở pháp lý và không phù hợp với điều kiện thực tế tại thời điểm đó. Việc UBND xã Nghĩa Bình đưa nhà tình nghĩa của bà Võ Thị Nhuận tại xóm 8 về quản lý sử dụng là không có cơ sở.

Kho so vi nha tinh nghia bong dung bi… thu hoi

Giấy tờ và di vật của liệt sĩ Lại Ngọc Mai do gia đình ông Kiệm lưu giữ được.

Bà Lê Thị Nguyên (vợ ông Kiệm) bức xúc kể lại: “Lúc còn giữ chức vụ chủ tịch xã, ông Võ Đình Môn đã lợi dụng quyền hạn, cố ý chỉ đạo lấy lại nhà tình nghĩa của bà tôi, lấy đi một số tài sản trong nhà gồm giường, tủ quần áo, salon, bàn ghế… để sử dụng mà không xin phép chúng tôi. Sau khi lấy nhà, UBND xã Nghĩa Bình đã dùng căn nhà thờ phụng liệt sĩ đi làm nhà hộ sinh, làm kho để bán đạm, lân, kali… của xã”.

Theo bà Nguyên, ông Võ Đình Môn còn giả mạo giấy tờ để nhận tiền lương của gia đình bà Võ Thị Nhuận.

Sau 15 năm, nay căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Giếng nước phía sau nhà đã bị ông Võ Đình Môn chỉ đạo lấy làm hố đựng rác thải nay đã bị ô nhiễm, không thể sử dụng được. Diện tích mảnh đất cũng đã bị xâm lấn, không còn như ban đầu.

Đề nghị trả lại hiện trạng cho căn nhà

Bức xúc trước những việc làm sai trái với lương tâm và pháp luật, gia đình ông Trần Văn Kiệm đã nhiều đi gõ cửa các cơ quan chức năng.
Mãi đến cuối năm 2014, căn nhà tình nghĩa mới được UBND xã Nghĩa Bình trả lại. Tuy nhiên, căn nhà và toàn bộ đồ dùng bên trong đã bị hư hỏng, mối mọt, không thể sử dụng được nữa. Diện tích đất cũng không còn đúng như ban đầu.

Trước việc này, gia đình ông Kiệm đã nhiều lần yêu cầu xã Nghĩa Bình phải hoàn trả đúng nguyên trạng căn nhà và đồ dùng sinh hoạt, giếng nước.

“Nếu chúng tôi sử dụng mà hư hỏng, gia đình sẽ tự chịu trách nhiệm sửa chữa. Đằng này, UBND xã Nghĩa Bình tự ý sử dụng dẫn đến hư hỏng thì xã phải chịu trách nhiệm. Xã Nghĩa Bình cũng phải có trách nhiệm trả lại tiền lương của bà Nhuận từ năm 1999 cho gia đình chúng tôi”, ông Kiệm bức xúc nói.

Kho so vi nha tinh nghia bong dung bi… thu hoi

Bà Nhuận, chồng và con trai là liệt sĩ Lại Ngọc Mai đang được thờ cùng tại gia đình ông Trần Văn Kiệm.

Ông Nguyễn Thanh Bích, Chủ tịch xã Nghĩa Bình nói: “Việc này xảy ra đã lâu rồi, khi đó tôi cũng chưa làm việc ở xã nên không rõ là có lấy làm nhà hộ sinh hay không? Còn việc lấy căn nhà ấy làm nhà kho nông vụ là có. Sau khi xã hỗ trợ 8 triệu đồng tu sửa nhà làm nơi thờ cúng liệt sĩ Lại Ngọc Mai tại nhà người em ông Kiệm là ông Trần Văn Liêm (đã mất) thờ cúng, thấy căn nhà để không nên xã giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và điện năng làm văn phòng đại diện bán nông vụ phục vụ cho bà con nông dân địa phương”.

Ông Bích cũng thừa nhận, việc hỗ trợ 8 triệu đồng cho người em trai của ông Kiệm tu sửa lại căn nhà khác tại xóm 4 làm nơi thờ cúng liệt sĩ Lại Ngọc Mai và bà Nhuận là sai. Bởi một bà mẹ liệt sĩ không thể có 2 ngôi nhà tình nghĩa.

“Căn nhà ấy đã xuống cấp trầm trọng, đương nhiên để khôi phục lại, phải có chủ trương chứ xã không thể đứng ra tu bổ được. Về diện tích đất gia đình cho rằng đã bị sai lệch, chúng tôi có thể tiến hành đo đạc lại theo đúng diện tích ban đầu”, ông Bích nói.

Theo ông Kiệm, bên cạnh làm xuống cấp nhà và hư hại vật dụng, sau khi lấy nhà, UBND xã đã chuyển các bằng Tổ quốc ghi công, di ảnh, di vật đi đâu không rõ.

XUÂN LÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI