Hy vọng mới cho bệnh nhân

10/02/2014 - 19:24

PNO - PN - Châm cứu để tăng khả năng đậu thai khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, dùng chất cản từ thay cho chất cản quang (loại thuốc được tiêm vào cơ thể để giúp phim ảnh chụp được rõ hơn) giúp một số người bệnh tránh dị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hy vong moi cho benh nhan

Châm cứu trước khi chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm sẽ giúp tăng tỷ lệ đậu thai (trong ảnh: kỹ thuật viên đang nuôi cấy phôi)

Phẫu thuật tim không cần gây mê não

Thay vì gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật, lần đầu tiên các bác sĩ thuộc Đơn vị Phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã phẫu thuật tim thành công cho một bệnh nhân mà chỉ gây tê phần ngực. TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch - người trực tiếp phẫu thuật nhớ lại, bệnh nhân được thực hiện đầu tiên là Lương Đức Vinh, 62 tuổi, ở Hải Phòng, có tiền sử bị tăng huyết áp 20 năm. Suốt thời gian dài bệnh nhân phải dùng thuốc nhưng thời gian gần đây ngực tức và khó thở. Sau khi được thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp động mạch vành.

Trước đây, những bệnh nhân bị hẹp động mạch vành sẽ được áp dụng kỹ thuật đặt stent để nong rộng chỗ hẹp. Đây là kỹ thuật đã được áp dụng trong thời gian dài và có kết quả tốt. Với trường hợp của bệnh nhân Lương Đức Vinh, qua kiểm tra các bác sĩ phát hiện đoạn hẹp dài. Nếu áp dụng kỹ thuật đặt stent thì phải đặt hai-ba cái. Thay vì áp dụng kỹ thuật này, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật bắc cầu, nghĩa là lấy một tĩnh mạch ở chân đưa lên tim thay thế cho đoạn bị hẹp.

“Với kỹ thuật này, thay vì gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ chỉ gây tê phần ngực. Đặc biệt, sau ca mổ, bệnh nhân phục hồi nhanh” - TS Hùng cho biết.

Theo TS Hùng, gây mê toàn thân là phương pháp điều trị đặc biệt, làm cho bệnh nhân ngủ, không có cảm giác đau, không lo sợ, không nhớ gì về cuộc mổ, cũng như không có các phản ứng thần kinh nội tiết trong mổ và không độc. Tuy nhiên, như với hầu hết các thủ thuật y khoa, có một số nguy cơ tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, tiểu khó, mệt, phản ứng dị ứng nhẹ, sẩn ngứa, tổn thương thần kinh tạm thời… Một số tác dụng phụ và phản ứng hiếm gặp như tổn thương thanh quản và dây thanh, có thể gây khàn tiếng tạm thời, tổn thương thần kinh vĩnh viễn do kim đâm khi tiêm hoặc do đè ép lên thần kinh trong khi phẫu thuật, thậm chí có thể gây tử vong do dị ứng nặng hoặc sốc, nhồi máu cơ tim…

Với biện pháp gây tê, dùng để chặn đứng cơn đau trong khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể tỉnh hoặc ngủ trong suốt cuộc phẫu thuật khi gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ, không gây ra các biến đổi tâm sinh lý phức tạp, kỹ thuật đơn giản. Biện pháp này giảm chi phí, phục hồi nhanh sau phẫu thuật, hiếm gặp tổn thương các tổ chức chung quanh, hiệu quả cao, an toàn, không cần những trang thiết bị đặc biệt. Dựa vào yêu cầu của can thiệp, thời gian can thiệp, tình trạng nhiễm trùng, tuổi và các tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân mà bác sĩ lựa chọn kỹ thuật gây tê tại chỗ.

Lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ hy vọng mở ra hướng điều trị mới cho nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, tình trạng toàn thân yếu. Bởi nếu gây mê toàn thân nhiều bệnh nhân không đáp ứng được sẽ khó phẫu thuật. Đặc biệt, chi phí của ca phẫu thuật bằng kỹ thuật này không quá cao, nhiều người bệnh có thể thực hiện được.

Đậu thai dễ hơn nhờ châm cứu

Đầu năm 2014, Viện Y học dân tộc TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương, Hội Phụ sản TP.HCM và Bộ môn Sản, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã báo cáo kết quả thành công bước đầu khi thực hiện châm cứu trên bệnh nhân điều trị hiếm muộn. Quá trình nghiên cứu này đã kéo dài suốt ba năm trên 210 bệnh nhân. Với những phụ nữ được thực hiện châm cứu thì tỷ lệ đậu thai đến 50%, tăng trên 20% so với phụ nữ chỉ làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) thông thường. Đặc biệt, trong nhóm châm cứu, số bệnh nhân trên 35 tuổi có thai chiếm tỷ lệ trên 58%. BS Lý Thái Lộc, Khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương cho biết: Tuổi càng cao thì khả năng mang thai càng giảm. Nhưng ở đây, nhóm châm cứu lại đạt được tỷ lệ có thai cao hơn hẳn so với nhóm không châm cứu và số bệnh nhân có thai lại tập trung đa số ở nhóm trên 35 tuổi. Như vậy, có thể thấy châm cứu có hiệu quả trong việc làm tăng tỷ lệ có thai trên bệnh nhân làm TTTÔN, thậm chí cả ở nhóm tuổi không thuận lợi.

Trước khi thực hiện châm cứu, bệnh nhân được dùng kim châm vào các huyệt như: thận, giao cảm... trong 20 phút. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá, ghi nhận các triệu chứng bất thường trước và sau châm như: nhức đầu, ngất, choáng, đau bụng, vã mồ hôi, khó thở... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp ghi nhận bất thường. Đến giai đoạn chuẩn bị thực hiện TTTÔN, người bệnh sẽ được châm 25 phút trước khi chuyển phôi và 25 phút sau khi chuyển phôi.

BS Quan Vũ Ngọc, Viện Y học dân tộc TP.HCM lý giải: Phương pháp châm cứu gần đây được nghiên cứu áp dụng trong điều trị vô sinh ở nhiều quốc gia phương Tây, nhất là ở Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức. Ở Việt Nam, châm cứu là một trong những phương pháp điều trị chủ lực của y học cổ truyền nhưng vẫn chưa ứng dụng châm cứu hỗ trợ sinh sản. Phương pháp châm cứu nhằm điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, bổ huyết, hoạt huyết cho tử cung, an thần... Châm cứu còn kích thích, ảnh hưởng đến tuyến yên - buồng trứng làm thay đổi sự phóng thích hormon và sự chế tiết hormon sinh dục. Châm cứu kích thích hệ thống "á phiện" nội sinh gây ức chế giao cảm, có tác dụng giảm stress, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Đồng thời châm cứu làm giảm co thắt tử cung, gia tăng dòng máu đến tử cung và buồng trứng, tạo cho tử cung môi trường thuận lợi để cấy phôi.

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ, BS Ngọc cho biết: Sắp tới, phương pháp châm cứu sẽ được triển khai như một dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân điều trị hiếm muộn, giá khoảng 500.000đ cho một lần chuyển phôi. Phương pháp châm cứu góp phần tăng tỷ lệ đậu thai nên sẽ thực hiện trên tất cả bệnh nhân đến điều trị nếu có nhu cầu, không hạn chế độ tuổi.

Hy vong moi cho benh nhan

Hình ảnh chụp động mạch vành với thuốc cản từ (A) so sánh với thuốc cản quang (B)

Không còn sợ chất cản quang

Người bệnh suy thận, cường giáp nặng hoặc từng bị dị ứng, choáng phản vệ với thuốc cản quang trong lúc chụp và can thiệp thần kinh, động mạch vành, động mạch thận... không còn phải lo lắng vì các bác sĩ ĐH Y Dược TP.HCM đã ứng dụng thành công chất cản từ thay thế.

Bệnh nhân may mắn là cụ ông 76 tuổi, nhập viện vì cơn đau ngực trái cấp và 10 năm trước đã bị choáng phản vệ do thuốc cản quang, khiến ngực còn đau dai dẳng và có những cơn phù phổi cấp. Vì không thể chụp động mạch vành cho bệnh nhân bằng thuốc cản quang nên BV ĐH Y Dược TP.HCM đã thay thế bằng thuốc cản từ đậm đặc gadolinium. Kết quả chụp đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết của hệ động mạch vành để bác sĩ tiến hành can thiệp phẫu thuật.

Trường hợp thứ hai là cụ bà 72 tuổi, nhập viện vì một cơn đau ngực cấp. Cụ bà được chụp động mạch vành qua da với thuốc cản quang. Ngay sau chụp, bệnh nhân lên cơn khó thở dữ dội, tím tái, tụt huyết áp và suy hô hấp nhanh chóng. Bệnh nhân choáng phản vệ do dị ứng thuốc cản quang. Sau sáu giờ hồi sức, bệnh nhân vẫn tiếp tục đau ngực dai dẳng và người nhà từ chối mổ. Cuối cùng, các bác sĩ thay thế bằng thuốc cản từ, thực hiện phẫu thuật thành công.

BS Trần Hòa, Bộ môn Nội, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, đây là hai ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam được ứng dụng chất cản từ gadolinium trong chẩn đoán và can thiệp động mạch vành qua da.

Theo BS Trần Hòa, bệnh động mạch vành hiện được coi là mối đe dọa tử vong hàng đầu. Và việc sử dụng thuốc cản quang khi chụp và can thiệp động mạch vành vẫn là tiêu chuẩn vàng. Tuy nhiên, ở những trường hợp không thể sử dụng thuốc cản quang và cũng không có các phương tiện thay thế khác thì thuốc cản từ gadolinium là chất có thể sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết. Vì gadolinium có tính chất thuận từ, nên được dùng để nâng cao chất lượng hình ảnh trong chụp cộng hưởng từ (MRI). Và gadolinium còn có tính chất cản quang nên dùng thay thế thuốc cản quang cho trường hợp không dùng được thuốc cản quang. Song không phải bệnh nhân nào không phù hợp với thuốc cản quang cũng được thay thế bằng thuốc cản từ.

Việc sử dụng thuốc cản từ bị hạn chế về liều lượng so với thuốc cản quang. Sử dụng liều cao sẽ có nguy cơ xơ hóa thận, suy tim. Liều tối đa khuyến cáo chỉ 0,6-0,8ml/kg. Việc sử dụng không đủ liều sẽ cho hình ảnh không rõ ràng. Và cho đến nay chưa có phác đồ riêng để định liều gadolinium khi chụp hay can thiệp động mạch vành qua da. Hơn nữa, giá thuốc cản từ mắc gấp bốn-năm lần thuốc cản quang. Ở hai bệnh nhân trên, với hình ảnh chụp động mạch vành bằng thuốc cản từ cũng chỉ đạt khoảng 60% so với thuốc cản quang, nhưng may mắn là chất lượng hình ảnh vẫn cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho quá trình mổ.

 Thanh Khê - Bảo Thoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI