Học sinh băn khoăn chương trình học hành, thi cử

21/03/2014 - 15:44

PNO - PNO - 150 học sinh đại diện cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM có buổi đối thoại cởi mở với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 21/3. Hàng loạt băn khoăn về trường lớp, học hành, thi cử đã được HS...

edf40wrjww2tblPage:Content

 "Nóng" chuyện thi cử

Mở màn cuộc đối thoại, bạn Phạm Duy Sơn, học sinh lớp 10CT Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, rất vui trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ đưa hai bộ môn kinh tế và nghệ thuật vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông. Ngay sau đó là hàng loạt ý kiến của HS về chương trình học.
Huỳnh Thị Mai Trân, học sinh lớp 11C5, Trường THPT Trí Đức bày tỏ: "Hiện nay chương trình học của tụi em quá nặng về lý thuyết, trong khi thực hành lại không nhiều. Ở tất cả môn học đều đặt nặng yêu cầu trả bài lý thuyết. Vì vậy theo em, nên tăng liều lượng thực hành vào các bài kiểm tra".

Đồng quan điểm, Bùi Tường Nam Phương, học sinh lớp 11CV1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phát biểu: "Chúng em rất thích các chương trình thực tế trải nghiệm ở trường học, tiếc là những hoạt động như thế chưa nhiều. Vì vậy, để chương trình học bớt khô khan, theo em nên lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế vào bài giảng trên lớp nhằm tạo hứng thú cho học sinh".

Hoc sinh ban khoan chuong trinh hoc hanh, thi cu

Em Lý Tuệ Mẫn, học sinh lớp 11A1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 6 phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại.

Học sinh Ngô Văn Trọng, lớp 10 Trường THPT Tam Phú chia sẻ: "Ở trường, các thầy cô đã lồng ghép kiến thức môn sử vào đề thi môn Văn và ngược lại. Tuy nhiên, số lượng các đề thi sáng tạo như thế chưa nhiều khiến học sinh phải vất vả trong việc liên kết các môn học".

Phạm Thái Tiểu My, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ) trăn trở về yêu cầu của môn giáo dục công dân: "Chương trình học môn giáo dục công dân lớp 10 hiện nay có quá nhiều kiến thức về triết học khiến học sinh tụi em cảm thấy mơ hồ, khó hiểu. Trong khi mục đích chính của môn học là giáo dục con người nhưng kiểm tra lúc nào cũng bị trả bài lấy điểm khiến học sinh phải học thuộc lòng như cái máy, chưa có hiệu quả tác động thật sự đến nhận thức của tụi em"

Các ý kiến của HS cũng đề xuất tăng khối lượng kiến thức lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để học sinh có ý thức bảo vệ chủ quyền, tăng thời lượng luyện tập thực hành hai kỹ năng nghe, nói trong môn tiếng Anh, kết hợp giữa các bài giảng lý thuyết với ứng dụng công nghệ thông tin như lắp ghép mô hình 3D để học sinh dễ nắm bắt thực tế, tích hợp các kiến thức về lịch sử, văn hóa vào các môn tự nhiên để giáo dục toàn diện học sinh…

Lắng nghe ý kiến học sinh

Trước các ý kiến bày tỏ lo ngại về việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT vào «phút 90» khiến các trường bị động, học sinh không có sự chuẩn bị tốt nhất, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phản hồi: "Lãnh đạo Sở thừa nhận những thay đổi về thi tuyển, xét tuyển năm nay diễn ra trong thời gian hết sức cập rập và chúng tôi cũng đã góp ý với Bộ GD-ĐT. Trong tình hình hiện tại, tôi mong các em cố gắng vượt qua kỳ thi một cách thuận lợi, trong đó ý thức về tinh thần tự học cần được hết sức đề cao".

Hoc sinh ban khoan chuong trinh hoc hanh, thi cu

Em Nguyễn Hồng Thơ, học sinh lớp 11 Trường THPT Bình Phú phát biểu. 

Tiếp lời, Phó Giám đốc Sở, Nguyễn Hoài Chương cũng nhận định : "Quy định thi cái gì, thay đổi quy chế thi ra sao không quan trọng bằng việc các em có phương pháp học tập tốt và một thái độ đúng đắn đối với các môn học bị cho là môn học phụ. Mặc dù thi tốt nghiệp năm nay chỉ có bốn môn nhưng theo tôi các em không nên học lệch. Các môn lịch sử, địa lý ở bậc phổ thông bị cho là môn phụ nhưng sau này khi ra đời sẽ hỗ trợ công việc của các em rất nhiều".

Cũng theo ông Chương, trong tương lai, chương trình học phổ thông sẽ phân hóa theo hướng tích hợp mạnh ở hai bậc tiểu học và THCS, phân hóa mạnh ở THPT.

Ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định : "Thành công lớn nhất qua buổi đối thoại lần này là chúng tôi được nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành hơn. Các đề xuất, kiến nghị năm nay không còn xoay quanh những chuyện học hành, thi cử ở trường lớp mà đã mở rộng thêm nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác trong xã hội. Buổi đối thoại tuy diễn ra trong không khí thân tình, nhẹ nhàng nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề lớn cho xã hội… ".

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ tiếp thu hết các ý kiến đóng góp của học sinh, từ đó có thêm điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu và nguyện vọng của những người chủ tương lai của đất nước.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI