Hàng loạt bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc: Khi bệnh viện tư chiêu mộ nhân tài

26/11/2016 - 06:57

PNO - Vị lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau nhìn nhận: "Hiện nay chưa có biện pháp nào giữ chân các bác sĩ tay nghề cao vì chế độ mình thấp quá".

Không thể ràng buộc bằng hợp đồng

Thời gian gần đây, thông tin về việc nhiều bác sĩ (BS) ở nhiều tỉnh bỏ bệnh viện (BV) công ra đầu quân cho các bệnh viện, phòng khám tư do mức lương ở BV công không đủ sống, thiếu máy móc, áp lực công việc,... đang được dư luận quan tâm.

Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 41 BS bỏ việc tại BV công. Tại Đăk Lăk, trong vòng ba năm, có 48 BS bỏ BV công. Tại BV Đa khoa khu vực Cái Nước (tỉnh Cà Mau), trong ba tháng gần đây, có 3/6 BS là trưởng khoa xin nghỉ việc. Trong hai tháng trở lại đây, BV Đa khoa Cần Thơ cũng có 10 BS, BV Đa khoa tỉnh Đăk Nông có 5 BS nghỉ việc. Tại TP.HCM, dù chưa có thống kê, nhưng tình trạng BS bỏ BV công sang BV tư là không ít.

Tình trạng “chảy máu chất xám” do bác sĩ xin chuyển ra ngoài làm tư được đánh giá là có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, thậm chí ngay cả những bác sĩ trưởng khoa tại bệnh viện tỉnh cũng xin nghỉ việc.

Là một trong những tỉnh có các trường hợp bác sĩ tại bệnh viện công xin nghỉ việc, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có những chia sẻ, phân tích rất tâm huyết về thực trạng này.

Hang loat bac si benh vien cong xin nghi viec: Khi benh vien tu chieu mo nhan tai
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Ảnh: NLĐ

Vị phát ngôn Sở Y tế Cà Mau cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động đến việc ngay cả những trưởng khoa trong bệnh viện cũng xin nghỉ việc.

"Thứ nhất, hiện nay đa số thu nhập của các bác sĩ khá thấp, chính sách chưa tương xứng. Hai là do chính sách, tư duy quản lý của một số bệnh viện chưa theo kịp tình hình đổi mới, cho nên xuất hiện nhiều vấn đề khám bảo hiểm thông tuyến nên các bác sĩ công lập phải làm việc tần suất lớn, chịu áp lực", ông Vũ phân tích.

Theo ông Vũ, có những trường hợp các cán bộ khi đi học cử tuyển, sau khi đi học về, họ phải đi nghĩa vụ vùng sâu 5 năm nhưng khi đi học về, họ xin chuyển về thành phố không được thì họ xin nghỉ.

Hoặc cũng có những bác sĩ ký hợp đồng phải thực hiện cam kết phục vụ tại cơ quan một thời gian nhất định, nếu không sẽ phải bồi thường một khoản nhưng họ sẽ sẵn sàng trả khoản tiền đó vì nó cũng không đáng bao nhiêu so với thu nhập bên ngoài, bởi vậy rất khó để ràng buộc bởi hợp đồng".

Khi bệnh viện tư nhân "chiêu mộ" nhân tài...

Nói thêm về điều này, vị lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, tại tỉnh mới mở 1 bệnh viện tư nhân lớn nên bệnh viện này cũng đã có những chính sách chiêu mộ các bác sĩ có trình độ, tay nghề. Do vậy, theo ông Vũ, một phòng khám tư nhân có lượng bệnh nhân đến khám và điều trị gấp nhiều lần bệnh viện công lập cộng lại.

Hơn nữa, tại các bệnh viện, phòng khám tư, các nhân viên, bác sĩ có thái độ phục vụ rất tận tình khám khiến người dân thoải mái hơn. Vì vậy, người bệnh sẵn sàng bỏ thêm tiền để được hưởng dịch vụ tốt. Hơn nữa, nhân viên tại đây có người hướng dẫn người nhà tới nơi tới chốn, dịch vụ nhanh hơn.

Trước thực trạng này, ông Vũ cho rằng Sở Y tế đã có những giải pháp để khắc phục tình trạng này. Cụ thể, Sở chỉ đạo các bệnh viện làm sao phải thay đổi thái độ phục vụ tốt để thu hút và lựa chọn các bác sĩ có tay nghề, trình độ. Đồng thời, tổ chức thành lập đội xung kích để giúp đỡ, hướng dẫn cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một số bệnh viện còn nghĩ ra sáng kiến là để các bác sĩ đến khám bệnh tận nhà các bệnh nhân.

Trước việc một số các bác sĩ có tay nghề cao xin nghỉ việc, ông Vũ cũng thể hiện sự trăn trở cho chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh.

"Hàng năm số lượng bác sĩ cử tuyển đi học về thì không thiếu nhưng về chất lượng để đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa hay phó khoa thì không thể đào tạo trong 1 sớm, 1 chiều", ông Vũ chia sẻ.

Vị lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận: "Hiện nay chưa có biện pháp nào giữ chân các bác sĩ tay nghề cao vì chế độ mình thấp quá".

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI