'Ép buộc' bảo hiểm y tế tự nguyện

15/01/2015 - 15:55

PNO - PN - Từ năm 2015, người dân sẽ không được mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện diện riêng lẻ. Để mua được thẻ BHYT thì bắt buộc cả gia đình của người muốn mua có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải cùng tham gia...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Dân lo lắng, phường bối rối

Sáng 13/1, tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Q.Phú Nhuận, TP.HCM, bà Nguyễn Thị B. (63 tuổi, ngụ P.4, Q.Phú Nhuận) đến khám bệnh tiểu đường theo diện BHYT tự nguyện trầm tư: “Gia đình tôi có ba người, con gái làm ở cơ quan nhà nước nên có thẻ BHYT bắt buộc, riêng tôi mua BHYT tự nguyện từ rất lâu, còn cháu trai thì nó mới ra trường. Tôi biết mua thẻ BHYT rất có lợi, được chia sẻ viện phí khi bệnh tật nên cũng khuyên cháu mua nhưng nó đang thất nghiệp nên không mua. Ngày 30/1/2015 này thẻ BHYT của tôi hết hạn; vậy mà mấy ngày nay, tôi có nghe thông tin kể từ ngày 1/1/2015, người dân muốn mua thẻ BHYT thì phải "rủ" cả nhà tham gia, nên tôi rất lo lắng. Nếu cháu tôi không mua, chẳng lẽ tôi không được mua nữa? Tôi lo lắm”.

Ngồi cạnh bà B., bà Trương Thị H. (74 tuổi, ngụ P.1, Q.Phú Nhuận) đến khám bệnh tim bức xúc: “Cũng may tôi ở một mình, không có con cháu nên mua dễ, chứ quy định mới này làm càng ít người tham gia BHYT và sẽ khó hướng đến toàn dân tham gia. Gia đình bạn tôi mua cho cả gia đình mà mấy năm trời có đi khám đâu! Đừng nghĩ người mua BHYT tự nguyện chỉ là người bệnh nặng”.

Rắc rối hơn là trường hợp của gia đình anh Phạm Văn Hiến (40 tuổi, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2). Anh Hiến kể: Trước đây, gia đình anh cư trú tại P.An Khánh, Q.2 và thuộc diện hộ nghèo nên được phường mua thẻ BHYT cho cả gia đình gồm ba nhân khẩu. Hiện nhà anh bị giải tỏa; số tiền bồi thường không mua được nhà tái định cư. Một năm nay, gia đình anh chuyển đến sống và giữ xe cho chung cư ở P.Thạnh Mỹ Lợi; thế nhưng vì nhà xe không có số nên anh không đăng ký được sổ tạm trú và cũng không thể mua BHYT.

“Tôi giữ xe chung cư được hơn hai triệu đồng/tháng. Vợ thì phụ quán cơm. Gia đình lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thốn, nếu bỏ tiền mua BHYT cho cả hai vợ chồng một lúc thì rất khó” - anh Hiến âu lo.

'Ep buoc'  bao hiem y te tu nguyen

Bà Nguyễn Thị B. lo lắng nếu người cháu không tham gia BHYT tự nguyện chung với bà

Không chỉ có người dân lo lắng, theo ghi nhận của phóng viên, tại UBND một số phường - nơi người dân đến đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện theo hộ gia đình - cũng rơi vào tình trạng rối bời. Nhân viên phụ trách tư vấn đăng ký thẻ BHYT tự nguyện còn lúng túng hoặc chưa nắm rõ quy định mới của BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Cụ thể, sáng 12/1, khi anh N.T.Đ. tới P.Thạnh Mỹ Lợi hỏi mua BHYT cho bốn người trong gia đình thì nhân viên ở đây đã hướng dẫn “sai” so với quy định mới. Trước đó, anh Đ. cho biết gia đình có một người là công nhân viên chức nên đã được cơ quan mua BHYT bắt buộc; một người đang chờ xin việc nên anh chỉ muốn mua cho hai người còn lại.

Trả lời về khúc mắc này, nhân viên tại UBND P.Thạnh Mỹ Lợi tư vấn: mua BHYT cho hai người vẫn được, không nhất thiết cho cả gia đình nhưng phải đóng 100% mức phí mua thẻ; chứ không được chiết khấu giảm giá như mua toàn hộ gia đình. Còn nếu mua cho cả ba người thì sẽ được giảm giá kể từ người thứ hai theo quy định. Trong khi đó, tại P.6, Q.Bình Thạnh; khi anh N.P.S. hỏi về việc gia đình anh có cho hai người ở trọ; gia đình anh muốn mua BHYT tự nguyện có phải bắt buộc hai người ở trọ này cũng phải tham gia BHYT tự nguyện hay không thì nhân viên ở đây cho biết, phải đợi đến sau ngày 15/1/2015 mới có văn bản hướng dẫn, nên việc đăng ký BHYT phải đợi sau thời điểm này.

Gửi đơn đến báo Phụ Nữ, vợ chồng ông P.V.H. (75 tuổi, ngụ P.Tân Thành, Q.Tân Phú) bức xúc: “Ngày 30/12/2014, thẻ BHYT tự nguyện của vợ chồng tôi hết hạn nên tôi đến phường để đổi thẻ mới. Đến nơi, tôi đọc thấy tấm bảng ghi việc đăng ký BHYT cả hộ gia đình sẽ được giảm còn 70% giá trị thẻ cho người thứ hai và 60% cho người thứ ba… còn theo quy định cũ, người thứ hai cũng giảm được 10% (tức đóng 90% giá trị thẻ so với người thứ nhất). Vậy mà tôi hỏi cô nhân viên, cô này nói hoàn toàn không được giảm và thu hai thẻ 1.242.000đ. Mỗi người đóng 621.000đ chứ không giảm được đồng nào. Đến ngày 26/1 này tôi mới nhận được thẻ, nếu phường thu sai nhưng đã in hóa đơn đỏ, vậy tôi có nhận lại được tiền dư đã đóng hay không?”.

Nên khuyến khích hơn ràng buộc

Trước thông tin thắc mắc của người dân và nhiều phường còn lúng túng trong việc quy định mới đăng ký thẻ BHYT tự nguyện theo diện hộ gia đình, BHXH TP.HCM cho biết ngày 15/1/2015 sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể đến từng phường.

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế khẳng định: kể từ ngày 1/1/2015, người muốn mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình sẽ phải đăng ký mua cho toàn bộ người có tên trong hộ khẩu và cả người có tên trong diện đã khai báo tạm trú, tạm vắng (trừ những đối tượng đã mua hoặc diện được cấp thẻ BHYT từ nguồn khác như: nhóm được cấp thẻ BHYT do Nhà nước cấp, hộ nghèo, cận nghèo, người ở vùng biên giới hải đảo, đối tượng diện BHXH, cán bộ, công chức...). BHYT sẽ không bán cho những trường hợp mua theo diện tự nguyện riêng lẻ kiểu trong gia đình có “người mua, người không”.

Tuy nhiên, ThS-BS Hoàng Đức Quyền, Phó giám đốc BV Q.Phú Nhuận băn khoăn: Quy định mới của BHYT nhằm mục đích khuyến khích tất cả người dân tham gia BHYT để cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cho cá nhân và xã hội.

"Cá nhân tôi đồng tình việc người thứ hai trong hộ gia đình mua BHYT tự nguyện thì mức đóng chỉ bằng 70% người thứ nhất, còn người thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. (Quy định cũ lần lượt từ người đóng thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm lần lượt là 90%, 80%, 70%, 60%). Tuy nhiên, việc ràng buộc tất cả thành viên trong gia đình đều mua thẻ BHYT tự nguyện chưa thỏa đáng mà cần có lộ trình, động viên người dân. Nếu không thì BHYT tự nguyện sẽ không còn tự nguyện" BS Quyền nói.

Theo số liệu của BV Q.Phú Nhuận, trong quý III/2014, BV này có 99.800 thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu thì có đến 20.152 thẻ đăng ký theo diện BHYT tự nguyện hộ gia đình. Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân có nhu cầu tham gia BHYT tự nguyện rất cao; do đó nếu tất cả những trường hợp tham gia BHYT tự nguyện đều ràng buộc cứng nhắc thì sẽ khổ cho những người muốn mua thẻ BHYT thật sự.

Nên chăng cần sàng lọc những “khách hàng” chỉ có bệnh mới mua thẻ BHYT bằng nhiều phương thức khác như: quy định mức hưởng BHYT dành cho những bệnh nặng bằng thời gian mua thẻ BHYT, không nên ràng buộc người lớn tuổi chưa được xã hội hỗ trợ…

VĂN THANH - TIẾN ĐẠT

Phân chia mức đóng bảo hiểm y tế

- Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được.

Do đó, cần quy định phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình thì mới được hỗ trợ mức đóng. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực cho thấy, việc tham gia theo hộ gia đình là một cách tối ưu để thực hiện BHYT toàn dân. Hiện mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở mức khoảng 49% tổng chi y tế, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%. Vì thế, trong đề án BHYT toàn dân, khi thúc đẩy được toàn dân tham gia BHYT, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống.

Quy định mới bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng nhằm mục đích “phủ sóng” số người còn thờ ơ với BHYT. Nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, luật quy định cơ chế khuyến khích theo hướng giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi.

Ông Phạm Lương Sơn (Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

- Hiện nay đã không còn loại hình BHYT tự nguyện mà chỉ còn loại hình tham gia BHYT theo hộ gia đình theo mức đóng định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng.

Với trường hợp đã mua thẻ BHYT tự nguyện cho cả gia đình trước ngày 1/1/2015 sẽ được áp dụng như quy định cũ; tức là từ người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt là 90%, 80%, 70% và từ người thứ năm trở đi đóng 60% mức đóng của người thứ nhất. Như vậy trường hợp như gia đình ông H. ở Q.Tân Phú thì người thứ hai chỉ còn đóng 90% mức phí của người thứ nhất.

Với những trường hợp gia đình có cho người thuê trọ đăng ký tạm trú vào chung sổ hộ khẩu của gia đình đó thì những người trong gia đình đó và những người thuê nhà trọ (đã đăng ký tạm trú trên 12 tháng) sẽ được tính chung một hộ gia đình và phải mua BHYT theo hộ gia đình.

Còn với trường hợp một thành viên trong gia đình đó đã mua thẻ BHYT tư nhân, các thành viên khác mua BHYT nhà nước thì không được tính theo BHYT tự nguyện hộ gia đình vì đây là hai loại hình BHYT khác nhau.

Những người tham gia BHYT tự nguyện năm năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) thì người dân mang các chứng từ liên quan đến cơ quan BHXH để được xác định và cấp giấy chứng nhận được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Bác sĩ  Lưu Thị Thanh Huyền (Phó giám đốc BHXH TP.HCM)

VĂN THANH - BẢO THOA ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI