Đồng bằng sông Cửu Long: Dựa vào đào tạo liên thông để giữ chân bác sĩ?

18/08/2016 - 12:47

PNO - Trong số 152 BS đang làm việc tại năm chuyên ngành hiếm tại các tỉnh ĐBSCL, đến năm 2020 có đến 50% đến tuổi nghỉ hưu. Hiện 13 địa phương trong vùng đều có trung tâm pháp y nhưng chỉ có bốn BS chuyên ngành pháp y...

Tại hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực y tế cho 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ tổ chức ngày 15/8, vấn đề thiếu bác sĩ (BS) ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y) vẫn là điểm khó gỡ kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.

Dong bang song Cuu Long: Dua vao dao tao lien thong de giu chan bac si?
Thiếu bác sĩ ngành hiếm  vẫn là điểm khó gỡ kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được - Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, trong số 152 BS đang làm việc tại năm chuyên ngành hiếm tại các tỉnh ĐBSCL, đến năm 2020 có đến 50% đến tuổi nghỉ hưu. Hiện 13 địa phương trong vùng đều có trung tâm pháp y nhưng chỉ có bốn BS chuyên ngành pháp y, còn lại là các BS chuyên khoa khác. Tương tự, cả vùng có tám bệnh viện (BV) lao và bệnh phổi nhưng số BS chuyên ngành rất ít, chỉ từ mộtnăm người, đặc biệt tỉnh Kiên Giang “trắng” BS chuyên ngành lao. Nhiều nơi phải hợp đồng với các BS đã về hưu mời họ trở lại làm việc. Năm 2016, nhiều địa phương cũng đề xuất Trường ĐH Y Dược Cần Thơ mở các lớp về y học gia đình, cả ở cấp chuyên khoa 1.

Tại Cần Thơ từ BV đa khoa Trung ương đến BV đa khoa Thành phố đã có hàng chục BS xin chuyển công tác ra các BV tư. Tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu cũng lâm vào tình trạng tương tự. Một đại biểu tỉnh An Giang cho biết, trong năm 2016, có ba trường hợp sẵn sàng bồi thường chi phí đào tạo để về BV tư hoặc đi học tiếp. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất nên tiếp tục phương thức đào tạo liên thông để có ràng buộc nhất định, giữ chân BS sau khi ra trường về phục vụ địa phương trong khi chờ chính sách đãi ngộ tốt hơn từ Chính phủ.

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI