Cuối năm, lia chia… ăn nhậu

26/12/2014 - 09:04

PNO - PNO - Những thống kê về kinh tế trong năm dẫu khả quan hay ảm đạm dường như chẳng mảy may ảnh hưởng đến sự hào hứng của mọi người khi càng về cuối năm, người ta càng nói nhiều về chuyện tiệc tùng mà nói theo cách bình dân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đi làm mấy ngày này chẳng thấy không khí làm việc vì đi đến đâu cũng nghe bàn về các buổi tiệc cuối năm, đi chơi tết ở đâu, mua sắm gì… những lời mời mọc, rủ rê lẫn “gầy độ… nhậu”!

Trong phòng tổ chức tiệc nội bộ đã đành, dù sao cũng ăn mừng kết thúc một năm với bao nỗ lực, khó khăn, cả năm vất vả rồi lẽ nào lại không cho phép mình thư giãn bằng một bữa no say? Nhưng còn các phòng khác mời mọc, từ chối thì mất lòng, người ta quý mới mời, lẽ nào không tham gia (mà đã dự thì đâu thể đi tay không?) Rồi thì tiệc tùng với đối tác, nhà cung cấp để cảm ơn sự hợp tác của họ. Giới bình dân, công nhân lao động thì ăn mừng lãnh thưởng cuối năm (chẳng cần biết thưởng ít hay nhiều).

Không chỉ thế, cuối năm còn là dịp để các hội đồng hương sum họp, để các cuộc họp mặt lớp diễn ra (lớp phổ thông rồi lớp đại học, sau đại học...), là dịp để nhiều người hội ngộ đồng nghiệp cũ… Chao ôi, muôn vàn lý do! Mà những dịp này dễ gì thiếu… nhậu?

Cuoi nam, lia chia… an nhau

Không biết trên thế giới có nơi nào nhậu nhiều như ở Việt Nam không, chứ với tôi, việc nhậu (hay tiệc tùng) ở Việt Nam hẳn phải ở mức vô địch! Ngay trong bữa tiệc Giáng Sinh, người ta đã bàn đến tiệc mừng năm mới, Tết dương lịch xong lại đến Tết âm lịch. Riêng cái khoản “năm mới” lại được chia nhỏ làm hai mục: tất niên và tân niên.

Lý do nào cũng long trọng như nhau nên phải tổ chức riêng rẽ, hoành tráng chứ không thể “hai trong một”. Thế là cứ tiệc tùng liên miên dù báo chí, người người, nhà nhà vẫn luôn kêu than vật giá đắt đỏ, đời sống khó khăn! Thế mới biết dân Việt Nam nổi tiếng lạc quan nhất nhì thế giới!

Ai cũng thừa biết rượu, bia hay ăn uống quá độ sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, tinh thần làm việc cũng như cái… túi tiền của mỗi gia đình, nhưng chẳng ai đủ can đảm để nói “không” hay ít ra là hạn chế các độ nhậu vào dịp cuối năm!

Một người quen của tôi đang làm việc tại một ngân hàng bảo: không hiểu sao các “sếp” Việt rất thích nhậu, tất tần tật việc gì cũng đưa ra bàn nhậu. Trong các mối quan hệ làm ăn, có nhiều việc phải dùng đến tiền hay quà cáp để “bôi trơn” nhưng nhiều vị chỉ thích nhậu. Mà những “sếp” này ngộ lắm nhé, tiệc xong vẫn chưa chịu về, hết tăng 1 lại đòi thêm tăng 2, những ai chịu chơi còn đi đến tăng… n! Mọi cám dỗ, sa ngã, thậm chí bệnh tật… đều bắt nguồn từ đây!

Cứ vào những tiệc cưới mà xem, nhiều bàn thức ăn còn ê hề nhưng rượu bia lại đổ lênh láng trên bàn, vừa uống vừa đổ bỏ, nhiều vị khách đã say khật khưỡng nhưng vẫn luôn miệng hét “Dzô! Dzô!”

Một số cơ quan có khoản trích cho nhân viên liên hoan cuối năm được tính vào “chi phí”, nhưng để tham gia nhiều “độ” như vậy, hẳn mỗi người phải chi thêm không ít tiền túi.

Ấy là chỉ nói đến các bữa tiệc cuối năm, còn các quán nhậu, nhà hàng ăn uống thì không cần đợi cuối năm cũng đông khách. Có lẽ chưa khi nào các dịch vụ ăn uống, hàng quán từ bình dân đến cao cấp lại phát triển nhiều như lúc này (dĩ nhiên có “cầu” mới có “cung”).

Có ai thử làm một bài toán thống kê về khoản chi cho các bữa tiệc cuối năm xem, kết quả hẳn sẽ khiến nhiều người chặc lưỡi! Không thể quy những khoản đó ra số lượng nhà tình nghĩa hay những chuyến hàng từ thiện nhưng chỉ cần cắt giảm chi tiêu cho khoản ăn nhậu cuối năm này, hẳn nhiều người sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Hơn nữa, đâu cần phải ăn nhậu, tiệc tùng mới tạo dựng hay gìn giữ được các mối quan hệ? Nói thế chẳng qua chỉ là ngụy biện mà thôi!

NGỌC VI (quận 9, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI