Các BV lớn quá tải vì dân không tin BV tuyến dưới

08/07/2014 - 18:00

PNO - PNO - Người dân cứ mãi chịu nghịch cảnh khám chữa bệnh: điều trị ở tuyến dưới thì không yên tâm về trình độ của bác sĩ, còn lên tuyến trên thì phải chịu cảnh chen chúc, vạ vật ở... hành lang bệnh viện

edf40wrjww2tblPage:Content

 Để nắm rõ hơn tình hình quá tải, công tác giảm tải, cải cách thủ tục khám, chữa bệnh và các giải pháp để tăng sự hài lòng của bệnh nhân với ngành y tế sau nhiều giải pháp tháo gỡ, ngày 7/7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã khảo sát một số bệnh viện (BV) ở TP.HCM để nắm tình hình. Bệnh nhân và bác sĩ đã phản ánh nhiều bức xúc với đoàn công tác.

Cac BV lon qua tai vi dan khong tin BV tuyen duoi

Bệnh nhân phải nằm điều trị ngoài hành lang là cảnh thường thấy tại các BV lớn của TP.HCM.

Phải lên Sài Gòn vì không tin bác sĩ ở quê

Tình trạng quá tải ở một số BV của TP.HCM đã ở mức quá ngưỡng chịu đựng. Bộ Y tế đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm tải, nhưng vẫn chưa thể cải thiện được tình trạng này.

Bước chân vào khu khám của các chuyên khoa tầng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (ngoại lồng ngực, u gan, viêm gan, huyết học, ung bướu), cảm nhận của chúng tôi và những người trong đoàn là khó lòng nộp sổ khám với lượng bệnh nhân và thân nhân chật kín cả lối đi dọc hành lang. Muốn nhích lên, cũng không thể nào lách người qua được. Còn ở khu điều trị tầng 3, giường bệnh sát sạt nhau, không có lối đi. Người bệnh vốn đã mệt mỏi, lại càng mệt mỏi hơn. Hầu hết những bệnh nhân đến đây đều không khỏi ngán ngẩm. Điều trị ở tuyến dưới thì không yên tâm với trình độ của bác sĩ, còn lên tuyến trên thì phải chịu cảnh…chữa bệnh ngoài hành lang bệnh viện.

Chị Nguyễn Phương Ngọc, một nữ bệnh nhân quê Đắk Nông lắc đầu: “Chúng tôi lên đây vì tay nghề bác sĩ dưới quê không đảm bảo. Khám ở dưới quê, bác sĩ kêu tôi có khối u lành tính ở gan, cần uống thuốc điều trị. Tôi uống thuốc hoài không thấy đỡ, người ngày càng mệt nên lên Sài Gòn khám. Đến đây scan, làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện tôi có khối u ác tính, cần điều trị ngay”.

Theo chị Ngọc, sự yếu kém về nghiệp vụ, chuyên môn của bác sĩ tuyến dưới là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân khám chữa vượt tuyến. Thế nhưng, vượt tuyến thì bị thu phí cao. Bộ Y tế cần tổ chức tốt hệ thống khám chữa bệnh ở tuyến dưới cho người dân.

Tương tự, bà Trần Thị Phát, ngụ tỉnh Bình Phước cho biết, do bị đau đầu triền miên nên tự đi xe đò lên BV Chợ Rẫy điều trị vì chữa hoài ở quê không hết bệnh. “Không ai muốn lặn lội lên đây chi cho khổ. Nếu các bác sĩ ở tuyến dưới có tay nghề, chuyên môn cao thì người bệnh như tôi chen chúc lên đây khám bệnh làm gì? Tôi đến BV từ 4 giờ sáng, ngồi chờ đến 9 giờ vẫn chưa tới lượt khám. Mệt mỏi lắm chứ” - bà Phát than.

Ngay đến cả các bác sĩ điều trị cũng đang rơi vào tình trạng stress cực độ. Một bác sĩ khoa Khám bệnh BV Chợ Rẫy cho biết, ngày nào cũng phải nhận bệnh và thăm khám cho khoảng 300 - 400 bệnh nhân. Trong khi lịch làm việc chỉ có 8 -10 giờ. Nhiều bệnh nhân và người nhà còn khó dễ, truy vấn bác sĩ chuyện này, chuyện kia…làm bác sĩ xoay không kịp.

Cac BV lon qua tai vi dan khong tin BV tuyen duoi

BV Ung Bướu của TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải.

Tăng chất lượng tuyến dưới để giảm tải tuyến trên

Vì sao Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tình trạng quá tải vẫn như cũ?. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy thừa nhận, những quy định thủ tục rườm rà khi bệnh nhân chuyển viện diện BHYT (phải photocopy cả chục loại giấy tờ) khiến thời gian chờ đợi lâu. Mặt khác, vì được bệnh nhân tin tưởng nên BV luôn quá tải từ nhiều năm, mặc dù cơ số giường điều trị đã được giãn thêm, kê thêm nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Ông Sơn cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày BV Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 4.000 lượt bệnh nhân đến khám, chưa kể người nhà bệnh nhân đi theo nên nhiều lúc khu vực khám bệnh số người tập trung phải lên tới 6.000 - 7.000 người. Trong khi đó, BV chỉ có 55 phòng khám với 93 bàn khám nên bác sĩ có làm việc hết công suất cũng không thể đáp ứng được yêu cầu khám bệnh của người dân.

Nhìn nhận và đánh giá một cách thẳng thắn về vấn đề quá tải, dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đi xuống tại các BV lớn, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thừa nhận: Nguyên nhân cơ bản là do năng lực chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới còn yếu và không đồng đều, chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế.

Theo ông, giải pháp tốt nhất là Bộ Y tế điều chuyển đội ngũ bác sĩ giỏi về các địa phương nhằm hỗ trợ nghiệp vụ, chuyển giao công nghệ, các phương pháp điều trị bệnh tiên tiến. Song song đó, các BV tuyến cơ sở, địa phương cũng cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (thông qua việc đưa bác sĩ đi học, tu nghiệp), cải thiện chất lượng phục vụ bệnh nhân để sự chênh lệch giữa BV tuyến trên và tuyến dưới được kéo giảm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ cần siết chặt quy chế chuyển viện là giảm tải được bệnh viện tuyến trên. Điều quan trọng là làm sao giảm được số bệnh nhân lên thẳng tuyến trên để khám các bệnh thông thường, mới mong giảm tải được.

Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ triển khai các giải pháp như: đầu tư xây mới, mở rộng cơ sở hạ tầng BV, thực hiện các đề án: cử cán bộ y tế tuyến trên về tuyến dưới khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật; tăng cường bác sĩ trẻ về hỗ trợ 62 huyện nghèo... Dự kiến đến năm 2015, tình trạng nằm ghép giường tại các BV lớn cơ bản được khắc phục; từ năm 2020 trở đi, không còn tình trạng quá tải BV tuyến trên.

Tiến Nguyễn
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI