Ông chồng lăm lăm “thẻ vàng”

12/08/2023 - 17:43

PNO - “Lắm khi “bỏ” mà không “qua”, vợ chồng cứ nhai lại lỗi lầm của nhau, hôn nhân thêm lần nữa bị thấm độc.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bước vào phòng tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, chưa kịp giới thiệu tên với chuyên gia tâm lý, người đàn ông đã ngồi sụp xuống ghế, than trách: “Vợ tôi 10 năm trước thì gây nợ nần, mới đây lại ngoại tình. Tôi bỏ qua lỗi cũ, cô ấy đã không ăn năn lại còn bồi tiếp cú quá nặng này. Tôi đuổi vợ đi mà lại sợ vợ gom đồ đi thật. Sốc, bế tắc, tôi từng vài lần thoáng nghĩ đến “nhảy lầu” xen lẫn những ý nghĩ thường trực về ly hôn”. 

Chữ “đuổi” quá nặng nề cùng vẻ mặt căng thẳng, căm tức của người đàn ông khiến chuyên gia chợt thấy ông như một trọng tài lạnh lùng, đầy uy lực trên sân cỏ. Vị trọng tài ấy đùng đùng rút thẻ vàng thứ hai nhập cùng thẻ vàng thứ nhất hồi đầu trận đấu thành chiếc thẻ đỏ và thẳng thừng tống khứ cầu thủ ra khỏi sân vì những lỗi lầm, những hành vi không phù hợp trót gây ra. 

Duy chỉ một điều khác biệt: hôn nhân chỉ có 2 người, không như sân cỏ đến mấy chục người để mà có bớt đi 1, 2 thì trận đấu vẫn cứ tiếp diễn. Người chồng cộng dồn thẻ vàng thành thẻ đỏ đuổi vợ ra khỏi sân cũng là lúc anh ta tự tước quyền “thi đấu” của chính mình. Cuộc chơi dừng lại đồng nghĩa với cả hai đều thua. Chỉ có kẻ phá bĩnh bên ngoài là hả hê đắc thắng. 

Một chi tiết lạ là người vợ “tội đồ” ấy thành tâm xin lỗi chồng, hứa sẽ “quay đầu”, nhưng có lúc cũng hết sức cứng rắn chấp nhận một sự bung bét. Người chồng cho rằng vợ đòi ly hôn chỉ vì cảm xúc nóng nảy, giận dỗi nhất thời chứ thực lòng rất sợ bị chồng bỏ. Tuy nhiên, trao đổi riêng với người vợ, chuyên gia biết ly hôn cũng là nguyện vọng của người vợ để giải thoát khỏi tình cảnh người chồng cứ lăm lăm “chiếc thẻ vàng” từ sau lần đầu vợ sa chân lỡ bước. 

Người vợ bức xúc chia sẻ: “Sống sao nổi mà sống khi ông xã cứ chì chiết và rêu rao chuyện tôi đã tệ hại như thế nào; còn ổng đã cao thượng, từng dang tay cứu vớt tôi ra sao. Ông xã có thái độ ban ơn và bắt ép tôi phục tùng kiểu là kẻ hàm ơn thì liệu sao coi cho được thì làm.

Ổng kiểm soát thái quá, cấm đoán các mối quan hệ của tôi và tước quyền đưa ra ý kiến, quyết định công việc gia đình của tôi. Những điều ấy khiến tôi ngột ngạt, ức chế, cảm thấy bị xem thường. Tình cảm vợ chồng vì thế mà phai nhạt, lạnh lẽo, xung đột ngấm ngầm. Và trong một phút yếu lòng, tôi đã đi quá trớn với anh hàng xóm, một quan hệ không tình yêu”.

Là người gây lỗi lầm, sự ray rứt đã không thôi tra tấn người vợ từ bên trong, cộng với những “roi phạt” từ người chồng khiến cuộc hôn nhân duy trì chỉ để “hành nhau”.

Đỉnh điểm mâu thuẫn khiến người vợ chủ động đòi ly hôn là khi ông chồng bắt máy điện thoại của vợ và xa xả mắng chửi người ở đầu dây bên kia. Hậu quả là tin báo một người bạn vừa đột ngột qua đời ở tuổi 50 không đến được tai người vợ để cùng nhóm lớp đi viếng.

Cuộc gọi từ bạn học của chị mà anh trong lúc hấp tấp, thiếu bình tĩnh, lại nhầm tưởng của tình địch nên dập thẳng tay. Sự dè chừng, đe nẹt, phòng bị của người chồng vô tình đánh mất cơ hội vun đắp hạnh phúc còn sót lại trong cuộc hôn nhân mà cán cân lỗi lầm nghiêng lệch về phía vợ.

Anh rất nhiều lần nghĩ tới ly hôn (ảnh minh họa)
Anh đã rất nhiều lần nghĩ tới ly hôn (ảnh minh họa)

“Liệu hồn nhé! Cô còn quậy nữa là tôi cho lên đường” - một thông điệp gieo mầm tai họa trong mái ấm. Biết thế, anh Trần Long - nhân viên giao hàng ở quận Bình Thạnh, TPHCM - đã tìm đến những liệu pháp chữa lành ám ảnh quá khứ - lần vợ anh hất đổ mâm đồ nhậu anh đang ngồi cùng các anh em ruột trong ngày giỗ má.

Đành rằng hành động của vợ là khó chấp nhận, nhưng anh dần hiểu được những nỗi lòng chất chứa đẩy vợ đến hành động khó đỡ đó. Nguyên nhân có một phần từ phía anh: tiêu pha quá nhiều, mặc vợ lo trong lo ngoài; con nhỏ bệnh sốt mà cứ ngồi nhậu đến tối, không phụ vợ cùng đưa con đi khám…

Sau lần đó, vợ chồng ngồi lại, thẳng thắn thổ lộ nỗi thất vọng trước ứng xử của bạn đời và lắng nghe nhau, cùng bỏ qua, chỉ có bài học kinh nghiệm ở lại.

“Lắm khi “bỏ” mà không “qua”, vợ chồng cứ nhai lại lỗi lầm của nhau, hôn nhân thêm lần nữa bị thấm độc. Biết về sau không còn được bạn đời tha thứ nữa, người ta sẽ càng cố giấu lỗi lầm và tình hình thêm trầm trọng. Tôi nghĩ, “thẻ vàng” có rút ra đi nữa cũng nên cho nó một thời hạn ngắn rồi tiêu hủy đi, như kiểu “xóa án tích”. Đừng để thẻ vàng chồng lên thẻ vàng thành thẻ đỏ, chính là ngọn lửa rừng rực thiêu rụi tổ ấm. Được yêu thương, tin tưởng, tôn trọng, bạn đời sẽ có động lực để tự giác sửa sai, quay về quỹ đạo gia đình ” - anh Trần Long đúc kết từ kinh nghiệm xương máu. 

Tô Diệu Hiền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI