Người vợ Tây Nguyên của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc

23/11/2015 - 08:46

PNO - Có lẽ trong số các vị vua của Việt Nam, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) của nhà Tây Sơn là người duy nhất lấy vợ Tây Nguyên.

Trong số các bà vợ của vị vua đầu tiên triều Tây Sơn, có một người đến từ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, bà là người thuộc dân tộc Bana. Chuyện Nguyễn Nhạc kết duyên với cô gái Bana này xuất phát từ khi ông vẫn còn là một người dân thường nhưng đang chứa đựng những hoài bão lớn lao.

Từ trước khi phất cờ khởi nghĩa vào năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc đã nhiều lần đến các vùng đất của Tây Nguyên, danh nghĩa để buôn trầu, mua gỗ, mua ngựa… nhưng thực ra là tìm cách kết thân với nhiều cộng đồng dân tộc ở đây trong đó có người Bana, vận động họ tham gia ủng hộ mình. Với sự khôn khéo và chính sách thân thiện, Nguyễn Nhạc và những người em của mình đã chiếm được tình cảm quý mến của người dân Tây Nguyên, họ gọi ông là Tơ Mo Bok (có nghĩa là người Trời, vua Trời). Thậm chí một tù trưởng đã gả con gái tên là Ya Dố cho ông làm vợ.

Nguoi vo Tay Nguyen cua vua Tay Son Nguyen Nhac
Uống rượu cần với các tù trưởng Tây nguyên (Tranh minh họa)

Ya Dố (có sách chép là Yă Đố) con gái một vị tộc trưởng người dân tộc Bana ở plây (làng) Đê H’Mâu ở rừng Mộ Điểu (nay thuộc xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là một thiếu nữ trẻ tuổi, xinh đẹp, nhưng có tài tổ chức thạo việc làm ruộng rẫy và có uy tín với dân chúng nhiều buôn làng.

Người vợ Bana này đã đóng góp công sức không nhỏ cho nghĩa quân Tây Sơn thuở ban đầu, không chỉ đưa anh em Nguyễn Nhạc đi kết giao với các tù trưởng người Xê đăng, Gia Rai, H’rê giúp chiêu mộ quân lính thuộc các dân tộc Tây Nguyên gây dựng lực lượng mà bà còn tổ chức một đội ngũ lao động vỡ đất, khai hoang ở nhiều nơi để trồng khoai, bắp, mía, cam, mít… làm lương thực nuôi quântrong những năm tháng hoạt động ở địa bàn vùng thượng đạo nên bà Ya Dố được gọi là Cô Hầu đốc tướng.

Đến nay dấu tích về những cánh đồng ấy vẫn còn ở nhiều vùng, như tại khu rừng Mộ Điểu xưa, nay thuộc làng Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vẫn được người dân gọi là “cánh đồng cô Hầu” để ghi nhớ những đóng góp của bà.

Nguoi vo Tay Nguyen cua vua Tay Son Nguyen Nhac
Nét duyên cô gái Bana (Nguồn:kontumquetoi.com)

Ghi nhận công trạng của Ya Dố, năm Mậu Tuất (1778) sau khi lên ngôi hoàng đế và lấy niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Nhạc đã phong cô Hầu làm Thứ phi. Mặc dù được sủng ái, được Chánh cung hoàng hậu Trần Thị Huệ đối đãi thân tình như chị em ruột thịt nhưng cuộc sống chốn cung cấm với nghi lễ ràng buộc không phù hợp nên cô Hầu xin trở về với núi rừng yêu dấu của mình. Trước khi ra đi, bà có nói với hoàng hậu rằng:

- Chị ở lại bên cạnh người Trời (Nguyễn Nhạc), em phải về rừng để phòng hậu sự sau này.

Và quả nhiên như dự đoán của cô Hầu, sau khi vua Quang Trung mất, rồi không lâu thì vua Nguyễn Nhạc qua đời, nhà Tây Sơn rơi vào mâu thuẫn nội bộ, suy yếu rồi bị đánh bại. Để tránh nạn, hoàng hậu Trần Thị Huệ đã đem hai còn và cháu nội chạy lên vùng An Khê nương tựa vào cô Hầu. Ở vùng rừng núi, tuy điều kiện khó khăn nhưng được sự đùm bọc, bảo vệ của đồng bào dân tộc nơi đây nên dù nhà Nguyễn đã nhiều lần cho quân lùng bắt, truy tìm nhưng đều không thành công, nhờ đó mà hai bà hoàng của vua Nguyễn Nhạc sống yên ổn cho đến cuối đời, rồi mất trên đất Tây Nguyên. Họ chính là những người phụ nữ hiếm hoi của nhà Tây Sơn không phải chịu cảnh trả thù khốc liệt.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI