Hơn 10 năm xử chưa xong vụ tranh chấp 3,6m2 đất

23/06/2015 - 09:19

PNO - PN - Vụ tranh chấp chỉ liên quan đến 3,6m2 đất nhưng trải qua năm phiên tòa, với hai phiên sơ thẩm, hai phiên phúc thẩm và một phiên giám đốc thẩm, kéo dài 11 năm, đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Sự việc xảy ra đối với bà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mệt mỏi với 3,6m2 đất

Căn nhà số 98 Hoàng Hoa Thám do cha mẹ để lại cho bà Huệ, trên đất có một giếng nước nằm cách nhà số 100 Hoàng Hoa Thám khoảng 1m. Trước đó, trong quá trình sử dụng, cha mẹ bà xây một đoạn tường nằm giữa giếng và nhà số 100, có làm mái che để bảo vệ giếng, khoảng trống 3,6m2 còn lại nằm giữa bức tường và nhà số 100 làm lối thoát nước mưa và lối đi lại. Nhà bà và nhà số 100 đều có cửa ra khoảng đất trống này và hai nhà cùng sử dụng.

Năm 1986, nhà số 100 đổi chủ qua ông Hồ Văn H. và bà Nguyễn Minh L., khoảng đất trống nói trên vẫn tiếp tục được hai nhà sử dụng chung. Cho đến năm 1998, cha mẹ bà Huệ được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả diện tích đất trống này. Sáu năm sau, vào năm 2004, ông H. và bà L. nộp đơn khởi kiện, cho rằng phần đất trống nói trên thuộc quyền sử dụng của họ.

Hon 10 nam xu chua xong vu tranh chap 3,6m2 dat

Phần đất tranh chấp

Vụ án được TAND Q.Bình Thạnh thụ lý. Trong lần xét xử sơ thẩm đầu tiên (tháng 1/2006), tòa tuyên ông H. và bà L. thắng kiện. Nhưng, trong phiên xét xử phúc thẩm sau đó (tháng 4/2006), TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án trên để xét xử lại. Đến tháng 11/2006, TAND Q.Bình Thạnh xét xử sơ thẩm lần thứ hai vẫn tuyên ông H. và bà L. thắng kiện. Đến 18/9/2007, cấp phúc thẩm TAND TP.HCM đã tuyên y án.

Không đồng tình với phán quyết của tòa nên bà Nguyễn Thị Huệ đã nhiều lần khiếu nại. Ba năm sau, ngày 16/9/2010, TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM. Phiên xét xử giám đốc thẩm của TAND Tối cao vào tháng 4/2011 sau đó đã tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.

Quyết định giám đốc thẩm còn chỉ ra điểm sai của hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm là chưa làm rõ quá trình chuyển nhượng, quản lý sử dụng và đăng ký kê khai đất của các đương sự, chưa xác minh làm rõ trình tự đăng ký kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa tham khảo ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý đất đai ở địa phương.

Chờ đến bao giờ?

Vụ án lại được chuyển về TAND Q.Bình Thạnh và bị “ngâm” suốt bốn năm qua. Bà Huệ tiếp tục kiện cáo. Ngày 30/9/2014, TAND Q.Bình Thạnh đã trả lời thắc mắc của bà Nguyễn Thị Huệ: “Việc thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến căn nhà số 100 đến nay chưa có kết quả. Vì vậy, việc xác định phần diện tích đang tranh chấp giữa hai nhà vẫn đang tiến hành xác minh. Do có khó khăn khi thu thập thêm tài liệu, chứng cứ nên thẩm phán chưa thể đưa vụ án ra xét xử được”.

Bà Huệ chua xót: “Hơn 10 năm qua, gia đình tôi phải theo đuổi vụ việc, tất cả các quyền sửa chữa, mua bán, chuyển nhượng nhà đất đều không thực hiện được, khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khốn khó”.

Trên thực tế, vào ngày 20/8/2014, do bà Huệ khiếu nại thẩm phán N.H.L. thụ lý vụ án từ năm 2011 nhưng không đưa ra xét xử, để quá thời hạn luật định, nên ông Phạm Tuấn Anh - Phó chánh án TAND Q.Bình Thạnh - đã có buổi tiếp bà Huệ để giải quyết khiếu nại. Tại buổi tiếp, ông Phạm Tuấn Anh hứa: TAND Q.Bình Thạnh sẽ nghiên cứu đơn khiếu nại của bà Huệ và báo cáo giải trình của thẩm phán để trả lời cho bà Huệ. Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, ông mới biết vụ việc nên chỉ ghi nhận và sẽ yêu cầu thẩm phán giải trình.

Theo tìm hiểu chúng tôi, thực hiện yêu cầu cung cấp hồ sơ của TAND Q.Bình Thạnh, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM) đã cập nhật thông tin nhà số 98 nhưng lại không có tài liệu lưu trữ đối với nhà số 100. Đơn vị này đã yêu cầu TAND Q.Bình Thạnh cung cấp bản vẽ xác định phần diện tích 3,6m2 đang tranh chấp nhưng đến nay TAND Q.Bình Thạnh vẫn không cung cấp.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng.

Vụ án trên đã thụ lý hơn bốn năm kể từ ngày TAND Tối cao tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, nhưng tòa án không thể đưa ra xét xử mà vẫn còn loay hoay xác minh, chờ đợi kết quả trả lời của các cơ quan chuyên môn, không chủ động làm việc với họ là quá thụ động và không đúng quy định về thời hạn xét xử, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cả hai bên nguyên đơn và bị đơn”.

MAI PHAN - TÌNH XUÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI