Giữa những chuyến đi ngày cũ

13/07/2015 - 07:12

PNO - PN - Trên đường về nhớ đầy (NXB Trẻ) là tập du ký về những chuyến đi suốt 25 năm với hơn 15 quốc gia từ Á sang Âu của nhà báo Dương Thành Truyền.

edf40wrjww2tblPage:Content

Giua nhung chuyen di ngay cu

Tập sách này không chỉ có ký ức, hoài niệm hay sự mô tả đơn thuần mà đó còn là cẩm nang của những trải nghiệm, khám phá đầy tinh tế và uyên thâm trong chuyến thưởng cảnh. Người ta có thể đến chùa Hàn Sơn (Trung Quốc) để chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng này, ngâm nga đôi câu trong bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế khi đến đó. Nhưng có mấy ai đến Hàn Sơn để biết rằng: “Có thật là tiếng chuông chùa lúc nửa đêm không? Có phải giang phong là cây phong bên sông và ngư hỏa là đốm lửa của làng chài? Hay đó là Giang kiều và Phong kiều? Hay đó là Giang Phong sơn và Ngư Hỏa sơn? Và có không Ô Đề thôn? Sầu Miên sơn?”. Đó phải chăng là một gợi ý của tác giả, khi lãng khách chỉ đến mà ngắm cái vẻ bề ngoài của cảnh vật thì thật hoài phí cho một chuyến đi?

Chuyện giá cả nơi đất khách cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Ai cũng nghĩ đã đi du lịch ắt sẽ móc hầu bao thật rộng rãi. Nhưng rộng bao nhiêu, có lúc cũng phải đắn đo mà thắt ruột: “Giá cả sinh hoạt của Thụy Điển thuộc vào loại đắt đỏ nhất thế giới. Một trái chuối xanh như tàu lá giá 2 couron (gần 5.000 đồng Việt Nam). Một đĩa phi lê cá chiên kèm khoai tây và vài cọng rau ở miền quê khỉ ho cò gáy, gần thành phố lớn thứ ba Malmo, ngoạm mất 90 couron (hơn 200.000 đồng Việt Nam). Dân xứ ta sang đây mà ngày nào cũng nhẩm tính chuyện ăn xài theo Việt Nam đồng thì sớm muộn gì cũng… đứt ruột!”. Với sự nhắc nhở hóm hỉnh này của tác giả, có lẽ khi ai đó muốn đến các quốc gia Bắc Âu nổi tiếng này cũng phải suy tính chuyện chi tiêu cho thật thấu đáo!

Đối với tác giả, dường như những nơi ngang qua dù là một con đường, cây cầu hay dáng đi của cư dân bản địa cũng để lại nhiều suy ngẫm. Đó là cầu sông Kwai “lặng lẽ và nhẫn nại, chúng vẫn sống mỗi ngày để đếm nhịp thời gian và nhắc nhở mỗi người hôm nay về câu chuyện của một lần trong rất nhiều lần, con người từng đày đọa và sát hại con người vì những cuồng vọng chưa bị dặp tắt”. Đó còn là dáng đi của một cô gái Thượng Hải mà tác giả đã “len lén nhìn sang” để rồi “đau đớn thay, dù rất cố gắng” nhưng “tôi vẫn không thể nào theo kịp”.

Câu chuyện về Cầu sông Kwai không chỉ là những cảm xúc của tác giả vượt thoát từ bộ phim cùng tên đoạt giải Oscar vào năm 1957 hay Bước chân Thượng Hải không đơn thuần là chuyện đã đi chậm hơn một cô gái. Dường như đó còn là câu chuyện về nhân tình thế thái, về những suy tư cho đất nước khi chúng ta vẫn còn chậm bước hơn xứ người.

Trên đường về nhớ đầy luôn đầy ấp những câu chuyện như vậy. Tác giả không chỉ đi để chiêm ngưỡng cái đẹp, cái hay trong thiên hạ mà còn mang theo cái tình của kẻ cố quốc nuối tiếc khôn nguôi: “Khi nào nước mình làm được điều hay như người ta? Làm thế nào để giữ được những điều tốt đẹp của xứ sở mình?”.
 

PHAN NHẬT ANH
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI